Thứ Năm, 26/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 10/2/2009 10:45'(GMT+7)

Tăng trưởng đầu tư của Việt Nam gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Chủ tọa Hội nghị, Đại sứ Bangladesh tại Liên Hợp Quốc Debapriya Bhattacharya cho rằng Hội nghị thu hút sự quan tâm như vậy vì “đề cập tới một quốc gia có sự tăng trưởng ấn tượng, và sự bùng nổ về thu hút đầu tư FDI trong thời gian qua. Cá nhân tôi – đại diện cho Bangladesh – một quốc gia đang phát triển, đã học hỏi được rất nhiều từ những kết quả mà Việt Nam giành được”.

Tham dự buổi trình bày báo cáo, Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ấn tượng đầu tư Việt Nam

Nội dung báo cáo do UNSTAD đưa ra cũng như phát biểu của Chủ tọa Hội nghị Debapriya Bhattacharya, Phó Tổng thư ký UNCTAD Lakshmi Puri, đại diện từ các nền kinh tế, các tập đoàn đa quốc gia đều bày tỏ ấn tượng mạnh với những kết quả thu hút, triển khai các dòng vốn đầu tư của Việt Nam.

Báo cáo nêu rõ: Nếu như năm 1986, nền kinh tế Việt Nam với tỷ lệ đói nghèo lên đến 60%, thuần túy nông nghiệp và gần như "trắng" đầu tư FDI thì sau hơn 20 năm, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ, tăng trưởng kinh tế nhanh, ngày càng đa dạng hóa lĩnh vực và nguồn lực, tỷ lệ đói nghèo xuống dưới 20%.

Đặc biệt, về đầu tư, từ tình trạng gần như bằng không, đến nay, nhất là trong 2 năm 2007-2008, ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam có một giai đoạn bùng nổ về thu hút vốn FDI, đạt số vốn đăng ký FDI kỷ lục 64 tỷ USD năm 2008.

Các ý kiến đánh giá từ cộng đồng quốc tế ghi nhận, 3 nhân tố quan trọng cho sự thay đổi đó là chính sách đổi mới của Việt Nam, sự chuyển dịch cơ cấu theo định hướng nền kinh tế thị trường và quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đại diện các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Pháp, Việt Nam đang trở thành nước hấp dẫn hàng đầu về FDI hiện nay, là mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi kinh tế toàn cầu. Điều đó càng thể hiện rõ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên thế giới nhưng Việt Nam cho thấy sự thích ứng, khắc phục khó khăn linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều nền kinh tế khác và có nhiều triển vọng trong trung hạn và lâu dài.

Đại sứ Singapore Tan York Chor đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách mang tính hệ thống, đột phá về thu hút, thân thiện hóa mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đông đảo đại diện các nền kinh tế, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã tham dự Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

"Với 15,07 tỷ USD vốn FDI đăng ký, hơn 4 tỷ vốn thực hiện, đứng thứ 5 trong các nước đầu tư vào Việt Nam đến nay, Singapore tự hào là đối tác trong quá trình tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam thời gian qua", Đại sứ Tan York Chor bày tỏ.

Chung quan điểm, Phụ trách đàm phán các hiệp định kinh tế Bộ Ngoại giao Nhật Bản Daisaku Sugihara nhận định, FDI đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiện Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tăng cường những thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy quá trình này.

Các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài đều có ý kiến phản hồi tích cực về tình hình kinh tế cũng như đầu tư của Việt Nam. Đến từ các ngành, lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đại diện các tập đoàn Holcim, Accor, Nestle,… đều cho rằng, khác với nhiều nước cùng chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng toàn cầu, hiện Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng thu hút FDI.

Báo cáo của UNSTAD cũng như cộng đồng quốc tế đã đưa ra các phân tích xu thế của đầu tư nước ngoài, khuôn khổ chính sách đầu tư tại Việt Nam, đồng thời có các khuyến nghị nhằm cải thiện chính sách, môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam như cải cách hệ thống luật, tháo gỡ các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo môi trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi các thay đổi về công tác quản lý…

Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh các nghiên cứu với các quan điểm đánh giá độc lập và khách quan của UNSTAD cũng như cộng đồng quốc tế về các chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

“Trong thời gian ngắn, UNSTAD đã có nghiên cứu toàn diện với các thông tin tương đối cập nhật về các chính sách đầu tư của Việt Nam để biên soạn báo cáo. Báo cáo đã cùng chung quan điểm với chúng tôi khi cho rằng đầu tư đầu tư nước ngoài đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo và đóng góp của đầu tư nước ngoài cho phát triển ở Việt Nam cao hơn các quốc gia trong khu vực”, Phó Thủ tướng đánh giá.

”Việt Nam có một tiềm năng lớn trong thu hút nhiều hơn nữa các nguồn vốn nước ngoài và là một trong 6 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài theo khảo sát triển vọng đầu tư toàn cầu năm 2007”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư.

Theo đánh giá chung của Đoàn Việt Nam, Báo cáo đánh giá về chính sách đầu tư của Việt Nam của UNSTAD sẽ góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và đặc biệt là các nhà đầu tư Thụy Sỹ.

Đại diện các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam đã nêu rõ những chủ trương, cải cách chính sách thủ tục, cải thiện hơn nữa môi trường của Việt Nam để thu hút đầu tư, đồng thời chia sẻ với các đánh giá, nghiên cứu cũng như ý kiến, khuyến nghị từ cộng đồng quốc tế đối với các chính sách đầu tư của Việt Nam./.

(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất