Ngành nghề nào cũng có những vị trí việc làm nặng nhọc độc hại, người lao động muốn được về hưu sớm, do đó cần có cơ chế khuyến khích người lao động ở lại làm việc, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
Lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu sẽ có hiệu từ ngày 1/1/2021. Thế nhưng, danh sách những ngành nghề nào được về hưu sớm vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Hầu hết trong các ngành nghề đều có những vị trí việc làm mong muốn được về hưu sớm do điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, không phù hợp với lao động ngoài 50, 55 tuổi.
NHIỀU NGÀNH XIN VỀ HƯU SỚM
Tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội, đại diện các ngành giáo dục, than-khoáng sản, đường sắt... đều đưa ra những vị trí việc làm mà người lao động khó có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019.
Ông Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, kiến nghị dù tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam lên 62 nhưng vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của lao động làm việc trong hầm lò là 50 tuổi (như khi tuổi nghỉ hưu là 60) vì trong thực tế hiếm có thợ lò có thể làm việc đến 50 tuổi, chứ đừng nói đến tăng lên 52 tuổi theo quy định mới.
Ông Phạm Hồng Hạnh dẫn chứng, theo thống kê 6 tháng cuối năm 2019, trong gần 1.000 thợ lò chấm dứt hợp đồng lao động chỉ có 40 người chấm dứt ở tuổi 50, còn lại đều chấm dứt hợp đồng ở dưới 50 tuổi.
“Càng ngày, điều kiện làm việc của người thợ lò càng trở nên khó khăn hơn. Cơ giới hoá làm cho năng suất lao động cao, tiền lương nhiều hơn nhưng lại khiến thợ lò tốn nhiều sức lực hơn. Vận hành cơ giới hoá nóng bức hơn, tiếng ồn kinh khủng hơn, phải vận chuyển thiết bị nặng nhọc hơn, chưa kể đến càng ngày việc khai thác càng vào sâu trong lòng đất, quãng đường làm việc cũng rất dài... Vì thế, tôi đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của công nhân hầm lò là ở tuổi 50,” ông Phạm Hồng Hạnh chia sẻ.
Với ngành đường sắt cũng không ngoại lệ, do đặc thù ngành nghề, hiện một số vị trí như: trực gác chắn đường ngang, tuần đường, nhân viên điều độ, trực móc nối… lao động thường về hưu sớm, tuyển dụng cực kỳ khó khăn.
Bà Dương Thị Mơ, Phó chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam bày tỏ: “Công nhân ngành đường sắt ở một số ngành nghề phải làm việc lưu động, chịu tiếng ồn, bụi, thường xuyên làm việc ngoài trời, làm đêm mà lương thấp. Chúng tôi cũng mong muốn một số chức danh được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với luật quy định, nam 55 và nữ 53.”
Đại diện ngành giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng chỉ ra hai vị trí việc làm là giáo viên mầm non và nữ giáo viên dạy thể dục thể chất ở các trường học trên cả nước cần được về hưu ở tuổi 55. Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, qua khảo sát của công đoàn ngành đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy, có tới 93% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên thể chất được về hưu ở tuổi 55 và có 97% ý kiến đề nghị cho nữ giáo viên mầm non về hưu 55 tuổi.
“Đối với giáo viên mầm non và nữ giáo viên dạy thể dục thể chất, từ độ tuổi 55 trở đi sẽ không thể đảm bảo sức khỏe thực hiện các thao tác chuyên môn như: múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy thị phạm cho học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy,” ông Nguyễn Ngọc Ân nói.
CƠ CHẾ "ĐIỂM THƯỞNG" CHO LAO ĐỘNG
Theo dự thảo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi). Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng danh mục những ngành nghề sẽ được về hưu sớm hơn quy định chung.
Trước ý kiến của một số ngành đề xuất xin về hưu sớm cho các vị trí việc làm đặc thù, ông Cao Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Hưng Yên) cho hay rong thực tế hiện nay tại các khu công nghiệp, lao động ở tuổi 35-40 đã nghỉ việc. Doanh nghiệp chỉ cần nâng định mức lao động, đưa lao động vào vào các dây chuyền toàn người trẻ thì lao động họ sẽ tự bỏ việc.
“Nếu giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non thì chắc chắn ngành nghề điện tử, cao su… cũng đề xuất được giảm tuổi nghỉ hưu. Cuối cùng, quy định là tăng tuổi nghỉ hưu nhưng lại không tăng được tuổi nghỉ hưu của ngành nghề nào cả, giống như câu chuyện 5, 7 năm trước đây, cuối cùng ngành nghề nào cũng có phụ cấp độc hại,” ông Cao Xuân Dương nói.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia độc lập cho rằng không thể tách tuổi nghỉ hưu với điều kiện hưởng lương hưu. Ví dụ ở một số nước, nếu người lao động hoãn nghỉ hưu sẽ có “điểm thưởng,” tức là nếu không nghỉ hưu ở tuổi 60 mà nghỉ hưu ở tuổi 65 thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ cao hơn. Như vậy, vừa tận dụng được người lao động có trình độ chuyên môn giỏi ở lại cống hiến, quỹ bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lợi. Do vậy, cần tính toán đến những điều kiện này khi quy định về điều kiện hưởng lương hưu và tuổi nghỉ hưu.
“Có những lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chuyên gia không thể thay thể, lao động trẻ phải làm việc, tích luỹ kinh nghiệm 30, 40 năm mới có thể thay thế được,” bà Diệu Hồng nhấn mạnh
Đồng tình với việc cần có cơ chế khuyến khích lao động ở lại làm việc, ông Phạm Hồng Hạnh cho rằng nếu không thể giảm được tuổi nghỉ hưu thì nên cộng thêm tỷ lệ % hưởng lương hưu cho người lao động.
“Không giữ trần cao nhất là 75% mà cộng thêm tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động tiếp tục làm việc sẽ động viên lao động những ngành nghề đặc thù không về hưu sớm trước tuổi,” ông Phạm Hồng Hạnh nói.
Rõ ràng, những lao động trực tiếp là lực lượng lao động tham gia vào thị trường lao động sớm hơn các lực khác. Điều kiện làm việc cũng khiến họ có thể tiếp tục trực tiếp sản xuất tại các dây chuyền, nhà máy… khi làm việc hàng chục năm cho đến 60, 62 tuổi. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có những quy định về điều kiện hưởng lương hưu linh hoạt để thuận lợi hơn cho người lao động./.
Theo Vietnam+