Vào các ngày cuối tuần từ nay đến 30-12-2016, 12 nhà hát thuộc
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) sẽ lần lượt trình diễn các chương trình nghệ thuật chất
lượng cao tại Nhà hát Lớn. Chủ trương này không chỉ hứa hẹn mang đến
bước đột phá cho nghệ thuật truyền thống, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo cú
hích cho du lịch Hà Nội phát triển.
Cơ hội tốt cho Ngành Du lịch
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour cho rằng, việc
đưa các chương trình nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn là một chủ
trương đúng và kịp thời bởi đây là mong mỏi của công chúng, các công ty
du lịch và các đoàn nghệ thuật. Từ xưa, Nhà hát Lớn - di tích lịch sử
hơn trăm năm tuổi đã là một điểm đến mà cả du khách Việt Nam và nước
ngoài đều muốn tham quan. Nay, thêm việc Nhà hát đưa các chương trình
biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao vào thì du khách càng có điều kiện thưởng
thức nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam và tham quan không gian
bên trong nhà hát. "Trước nay, sự kết hợp giữa các hãng lữ hành với các
đơn vị biểu diễn nghệ thuật chưa thực sự tốt nên nhiều khi du khách
không được giới thiệu nghệ thuật đỉnh cao tại Việt Nam, trong khi các
đơn vị nghệ thuật lại không có nhiều nguồn thu. Tôi cho rằng chủ trương
thu hút du khách đến với Nhà hát Lớn là hoàn toàn khả thi vì Nhà hát Lớn
hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành điểm du lịch thu hút khách du
lịch, nhất là các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của công
trình", ông Phạm Tiến Dũng nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty APT Travel cũng ủng hộ chủ
trương chọn Nhà hát Lớn để biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao,
mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam bởi hầu hết các Nhà hát Lớn của các
quốc gia khác cũng chủ yếu để biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật mang
tính truyền thống đại diện cho quốc gia đó, ví dụ, tại nước Nga, các
đoàn nghệ thuật biểu diễn ba lê. "Trong những năm qua, chúng ta sử dụng
Nhà hát Lớn với mục tiêu kinh tế nhiều hơn khiến giá trị của Nhà hát Lớn
bị giảm. Giờ đây, chủ trương của Bộ VH,TT&DL đã xác định Nhà hát
Lớn sẽ ưu tiên trình diễn nghệ thuật đỉnh cao, có tính đại diện cho quốc
gia là rất đúng đắn. Và đây là cơ hội lớn cho cả du lịch lẫn nghệ thuật
bởi hoạt động du lịch không chỉ góp kinh phí để đầu tư cho nghệ thuật
phát triển, mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc
tế", ông Nguyễn Hồng Đài khẳng định.
Chương trình nghệ thuật phải mang dấu ấn riêng
Thực tiễn cho thấy, không chỉ các nhà hát cần các doanh nghiệp lữ hành
mà bản thân các doanh nghiệp lữ hành cũng rất cần các sản phẩm mới, nhất
là nghệ thuật biểu diễn để phục vụ du khách. Thời gian qua, Vụ Lữ hành,
Tổng cục Du lịch đã tổ chức một số buổi gặp gỡ giữa các hãng lữ hành
với một số nhà hát để góp ý cho các chương trình biểu diễn phục vụ khách
du lịch nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn vì vị trí các nhà hát
không thuận tiện, chương trình chưa đa dạng và lịch biểu diễn không
thường xuyên nên các công ty lữ hành chưa đưa vào các chương trình du
lịch thường xuyên.
"Với Nhà hát Lớn, việc tổ chức tour cho khách du lịch dễ dàng hơn vì vị
trí của nhà hát rất thuận lợi. Về thời gian và nội dung chương trình
biểu diễn phục vụ du khách, tôi cho rằng nên tổ chức lấy ý kiến đóng góp
của cộng đồng doanh nghiệp lữ hành bởi chính họ là người trực tiếp tiếp
cận với du khách, biết được nhu cầu cụ thể của khách về loại hình, thời
gian biểu diễn... Các tiết mục nên kết cấu nhẹ nhàng, không quá dài,
nhưng phải đặc sắc, mang đậm sự khác biệt và giá trị riêng của những
loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó nên có lịch biểu
diễn thường xuyên, liên tục để các công ty lữ hành đưa vào chương trình
vì các chương trình tour cần được giới thiệu cho khách du lịch, đối tác
ít nhất là 3-6 tháng", ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành,
Tổng cục Du lịch cho biết.
Theo ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour, để các
chương trình biểu diễn trong Nhà hát Lớn trở thành sản phẩm du lịch hấp
dẫn và Nhà hát Lớn trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du
lịch thì ngoài lịch biểu diễn ấn định thường xuyên còn có hai vấn đề cần
quan tâm, đó là chương trình biểu diễn phải đặc sắc và giá vé vào cửa
phải hợp lý vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến việc công ty du
lịch có thể xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp xem biểu diễn trở thành
dòng sản phẩm phổ thông chào bán cho du khách. "Theo tôi được biết, các
nước bạn luôn có những chương trình biểu diễn độc đáo như Alcaza (show
diễn hoa hậu chuyển giới), Siam Niramit (show diễn lịch sử Thái Lan
hoành tráng) hay Nanta show (kịch đầu bếp) của Hàn Quốc được đầu tư công
phu, chất lượng... Để thu hút du khách quốc tế, tôi cho rằng, chúng ta
cần đầu tư các chương trình đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, dễ
hiểu và đan xen yếu tố giải trí...", ông Lê Công Năng cho biết.
Việc Nhà hát Lớn "rộng cửa" cho các đơn vị nghệ thuật đã tạo thêm cơ hội
cho Ngành Du lịch thu hút du khách đến với Việt Nam, nhất là trong thời
điểm Ngành Du lịch đang bị cạnh tranh mạnh như hiện nay.
Lâm Vũ (hanoimoi.com.vn)