Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội làm
việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) nêu rõ, Luật Tố cáo hiện hành có
hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012 đã tạo hành lang pháp lý để công dân
thực hiện quyền tố cáo, giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời
phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, Luật đã bộc lộ
những hạn chế, bất cập, đó là nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết
trong nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc như khi người bị tố cáo đã
chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng
bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời
điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; tố cáo
hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện
nhiệm vụ, công vụ; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của
nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo cơ quan, tổ chức.
Luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật
trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong
doanh nghiệp nhà nước... Những hạn chế, bất cập này dẫn đến tình trạng
làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ
cương pháp luật vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo nhằm khắc
phục tình trạng trên.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, dự án Luật Tố cáo (sửa
đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và
Nhà nước về giải quyết tố cáo, cải cách nền hành chính, xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;
nội dung và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật tạo điều kiện thuận lợi
cho công dân thực hiện quyền tố cáo...
Dự thảo Luật bao gồm 9 chương với 64 điều. Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)
tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành về phạm vi điều chỉnh,
trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hai nhóm hành
vi vi phạm pháp luật: tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm
vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo hành vi vi phạm
pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dự thảo
Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải
quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn
thảo cần lưu ý việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tố cáo và giải
quyết tố cáo cần đặt trong bối cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành
chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho công dân thực hiện quyền tố cáo; làm rõ sự phối hợp giữa
các cơ quan trong quá trình giải quyết tố cáo.
Một số nội dung mới được bổ sung như về điều kiện, cơ chế bảo vệ người
tố cáo cần có sự đánh giá tác động cụ thể và sâu sắc hơn nữa, xác định
rõ cơ quan chủ trì trong việc bảo vệ người tố cáo, cơ sở vật chất các
điều kiện bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam và
bảo đảm tính khả thi.
Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Luật này và một số luật
có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Bộ
luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giao dịch điện
tử, Luật Cán bộ, công chức…)./.
TTXVN