Đây là Hội nghị ASEM đầu tiên trong lĩnh vực quyền năng phụ nữ nhằm
triển khai chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại
Mông Cổ hồi tháng Bảy năm ngoái.
Tham dự hội nghị có đại diện của 53 quốc gia thành viên ASEM cùng chuyên
gia của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Hợp tác
và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng
Thế giới (WB), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)…), một số tổ chức vì
sự tiến bộ của phụ nữ.
Với mục tiêu đưa việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thành một
nội dung của hợp tác ASEM, hội nghị đặc biệt được đề cao với sự tham dự
của Phó Tổng Thư ký OECD, Trợ lý Tổng Thư ký kiêm Phó Giám đốc Điều hành
Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc.
Đại diện của các quốc gia thành viên ASEM có một số Bộ trưởng phụ trách
về bình đẳng giới và phụ nữ của Litva, Ấn Độ, Pakistan, Banglades,
nguyên Bộ trưởng nữ đầu tiên của Singapore, đại diện Bộ Ngoại giao của
một số nước như Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan; đại diện Bộ Lao động của
một số nước như Hà Lan, Ba Lan, Litva, Latvia; đại diện Hội Liên hiệp
Phụ nữ Lào, Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc Trung Hoa, Ủy ban phụ nữ
Philippines…
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Hội nghị đánh giá những thời cơ và thách thức mới đối với phụ nữ trong
kỷ nguyên số, trao đổi về chính sách, kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng
giới và các biện pháp trong lĩnh vực chính trị, nghề nghiệp, chính sách
gia đình, đào tạo để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh nâng cao vai trò của phụ nữ có ý nghĩa then
chốt trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và là
nhân tố hàng đầu thúc đẩy xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hướng
tới phát triển bền vững và bao trùm.
Phát biểu thay mặt đoàn Việt Nam tại hội nghị, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai
nêu rõ việc Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, nhấn mạnh các
nước ASEM cần tăng cường hơn nữa hợp tác về nâng cao quyền năng của phụ
nữ, trong đó chú trọng đổi mới tư duy và cách tiếp cận đa ngành đối với
việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, tăng cường trao đổi kinh
nghiệm, thực tiễn tốt nhất và đưa ra các khuyến nghị chính sách vì sự
tiến bộ của phụ nữ, thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực
này.
Chia sẻ về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở
Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đề cao chủ trương, nỗ lực và thành tựu
của Việt Nam trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển
kinh tế-xã hội của đất nước sau 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu
rộng ngày nay, đặc biệt là thúc đẩy triển khai Mục tiêu Phát triển bền
vững số 5 về đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ
nữ và trẻ em gái thuộc khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện
Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững mới được Thủ tướng
Chính phủ ban hành đầu tháng 5/2017.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng đề cập việc Việt Nam tích cực tham gia hợp
tác quốc tế thúc đẩy bình đẳng giới như hợp tác ASEAN, APEC; đồng thời
thông báo về “Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế lần thứ 6” mà Việt Nam
sẽ đăng cai dự kiến tại Huế tháng 9 năm nay với tư cách chủ nhà Diễn đàn
Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017; nêu một số đề
xuất của Việt Nam về tăng cường phối hợp giữa các cơ chế nhất là giữa
ASEAN, ASEM, APEC, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu
thế giới (G20), LHQ trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Sau hai ngày thảo luận với nhiều tham luận cũng như các ý kiến phát biểu
của các diễn giả và đại biểu, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Vilnius để
trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar vào
tháng 11 tới và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels (Bỉ) năm
2018.
Trong Tuyên bố, các đại biểu đã nhất trí về việc lập cơ chế đối thoại
ASEM định kỳ về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; tiếp tục trao
đổi kinh nghiệm về các cơ chế, chiến lược, định hướng và biện pháp để
nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm môi trường không bạo
lực, bình đẳng giới, cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình; tăng
cường nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là của truyền thông và
công chúng về những thách thức đối với phụ nữ trong công việc, vai trò
của bình đẳng giới trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội, chi phí kinh tế
và nhân công phát sinh do bạo lực giới và bất bình đẳng giới; thúc đẩy
nỗ lực của các nước trong việc giảm khoảng cách về lương giữa nam giới
và phụ nữ.
Các đại biểu cũng hoan nghênh Ấn Độ đăng cai Hội nghị tiếp theo năm 2018 về chủ đề này.
Hội nghị ASEM về Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ là sáng kiến của
Litva, với sự ủng hộ của 9 đồng sáng kiến, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn
Độ, Việt Nam, Philippines, Rumaia, Thụy Điển, Croatia và Mông Cổ, được
thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 (Mông Cổ, 7/2016).
Sự tham gia tích cực của ta tại hội nghị đã được nước chủ nhà và các
đồng sáng kiến đánh giá cao, thể hiện chủ trương chủ động, tích cực hội
nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương
Việt Nam, đóng góp thiết thực cho hợp tác ASEM, góp phần đề cao vị thế
của đất nước trên trường quốc tế trong giai đoạn mới./.
Theo TTXVN