Thứ Năm, 5/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 25/11/2024 19:19'(GMT+7)

Tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ cho hoạt động quảng cáo trên mạng internet

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta; luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.

Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo nhằm hoàn thiện khung pháp lý, quản lý hoạt động quảng cáo trong bối cảnh ngày càng phát triển.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là các quy định liên quan đến quảng cáo trên mạng internet. Các đại biểu cho rằng, hiện nay Nhà nước kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, báo chí nhưng trên mạng xã hội lại rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng. Do đó, các ý kiến thảo luận đề nghị cần có các quy định, chế tài rõ ràng về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo sản phẩm trên mạng internet cùng các nội dung liên quan khác.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện nay có những hình ảnh, sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.

Cho rằng quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân; đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”…

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây, người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.

Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cùng với đó, ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.

Bên cạnh nội dung quy định quảng cáo trên mạng, trong phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề quảng cáo trên báo in, truyền hình, phát thanh; quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; việc giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam trong hoạt động quảng cáo...

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quảng cáo và sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý.

* Cuối phiên họp chiều 25/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở hội trường về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ COVID-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất