Môi trường làm phim sôi động
“Hồ xám, ngô vàng, trời xanh, áo trắng
là bộ phim tài liệu nói về cuộc sống của từng thành viên trong gia
đình, thể hiện nỗ lực vượt lên khó khăn và tình cảm gia đình trong thời
hiện đại. Tôi làm bộ phim bằng niềm đam mê với điện ảnh, bằng cái nhìn
đầy cảm xúc trước cuộc sống xung quanh. Khi biết phim lọt vào đề cử Búp
Sen Vàng 2016, tôi thực sự bất ngờ và hạnh phúc” - Lê Thị Hải Yến, học
viên lớp H36 phim tài liệu, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện
ảnh Việt Nam (TPD) chia sẻ. Ngày 21.8 tới, giải thưởng lớn nhất trong
năm của TPD, Búp Sen Vàng sẽ tôn vinh các nhà làm phim trẻ ở lĩnh vực
phim tài liệu và phim truyện ngắn. Các tác phẩm tham dự giải thưởng năm
nay được đánh giá cao, mang đến góc nhìn tươi mới, mang đậm hơi thở cuộc
sống. Đặc biệt, sự trở lại của các nhà làm phim lứa tuổi THCS là chuyển
biến tích cực. Sau khi tham gia khóa học làm phim không chuyên, nhiều
em quay lại lớp học làm phim tài liệu, phim truyện cũng như tham dự
nhiều mùa giải trong nước và quốc tế.
Phó
Giám đốc TPD, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận định, đây là tín hiệu vui
của ngành điện ảnh khi môi trường làm phim của giới trẻ ngày càng sôi
động. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các bạn trẻ dễ
dàng tìm hiểu và thử sức với điện ảnh hơn. “Cách đây chưa đầy chục năm,
người trẻ muốn làm phim phải thi vào trường sân khấu - điện ảnh, trải
qua chương trình đào tạo bài bản, dài hạn. Nếu không thì hầu hết phải tự
mày mò, không biết bắt đầu từ đâu và ra được sản phẩm thì sẽ công chiếu
như thế nào. Nhưng hiện nay môi trường làm phim đã khác, rộng mở hơn”.
Về kỹ thuật, giờ đây chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, máy tính và
phần mềm hỗ trợ, các bạn trẻ đã có thể tự làm phim. Các trang mạng xã
hội phát triển cũng chính là kênh phát giúp cho bộ phim đến được với
đông đảo công chúng.
Cần không gian sáng tạo
Với
sự trẻ trung, năng động, giàu nhiệt huyết cùng nội dung độc đáo, cách
thể hiện mới mẻ… các nhà làm phim trẻ là tiềm năng phát triển cho điện
ảnh Việt. Tuy nhiên, dù nhu cầu sáng tạo nghệ thuật lớn nhưng hiện có
rất ít quỹ khuyến khích và hỗ trợ cho những hoạt động sáng tạo này.
Nhiều năm qua, TPD với sự tài trợ của Quỹ Ford (Hoa Kỳ) là địa chỉ quen
thuộc mà các nhà làm phim trẻ đến tìm kiếm sự giúp đỡ và chia sẻ trong
các lĩnh vực tài chính, thiết bị làm phim và nghiên cứu điện ảnh. Song
nguồn tài trợ của Quỹ Ford đã chấm dứt từ năm 2009. Cái khó ló cái khôn,
ngoài việc học viên phải xoay xở bằng nguồn kinh phí eo hẹp tự đóng
góp, vài năm gần đây, TPD bắt đầu kết nối với các liên hoan phim quốc
tế, liên kết tổ chức trại hè, trại sáng tác để trau dồi kỹ năng cho học
viên trẻ... Ngoài ra, ở Việt Nam có một vài chương trình như “Gặp gỡ
mùa thu” do đạo diễn Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di tổ chức; hay trại sáng
tác trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, đã tăng cơ hội cọ xát
cho các nhà làm phim trẻ, được thực hiện các dự án phim dài. Tuy nhiên,
môi trường này vẫn chưa đủ để giúp người làm phim trẻ đạt đến sự chuyên
nghiệp, từ đó kích thích điện ảnh Việt phát triển.
Đạo
diễn Đặng Ngọc Dũng, giảng viên lớp Teen filmmaker của TPD, cho biết:
“Rất nhiều bạn trẻ đam mê nhưng nếu phim của họ làm ra chỉ để xem trên
Youtube, đưa lên mạng xã hội thì một mặt khó kích thích tài năng, mặt
khác sự đánh giá sẽ hạn chế. Lượng người xem lớn không có nghĩa tác phẩm
thật sự chất lượng về cả nội dung và nghệ thuật”. Bởi vậy, khó nhất của
người trẻ hiện nay là họ làm được phim, có lượng khán giả nhất định,
nhưng lại không biết tác phẩm của mình đang ở mức nào.
Chúng
ta hướng đến nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam và đang cố gắng tạo
không gian cho các nhà làm phim trẻ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu
cầu. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, không gian đó trước hết là cơ chế
tài chính minh bạch, các giải thưởng điện ảnh, các trại sáng tác khuyến
khích người trẻ làm phim. “Điện ảnh phản ánh hơi thở thời đại nên luôn
cần đến những góc nhìn sáng tạo, mới mẻ. Nhìn vào đam mê, nhiệt huyết
của nhà làm phim trẻ, nhìn cách họ sản xuất tác phẩm điện ảnh và nhìn
vào giải thưởng điện ảnh những năm gần đây vinh danh không ít đạo diễn,
diễn viên trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào chất lượng điện ảnh
Việt Nam trong tương lai. Quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện khuyến
khích họ tiến lên chuyên nghiệp”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói.