Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam và Câu lạc bộ
Giám đốc xuất bản vừa tổ chức ra mắt, tọa đàm bộ năm cuốn sách do GS,
TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình
văn học, nghệ thuật T.Ư viết và chủ biên. Đây là những công trình tập
hợp các nghiên cứu, lý luận và đánh giá thực tiễn hoạt động trong lĩnh
vực văn hóa và văn học - nghệ thuật (VHNT) từ thời kỳ đầu đổi mới đến
nay.
Cuốn sách dày nhất và có sự tham gia của nhiều tác giả trong bộ sách
nêu trên là cuốn Định hướng và những nội dung cơ bản của lý luận văn
nghệ Việt Nam do Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia - Sự thật ấn
hành, dày 539 trang. Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc
trong ba năm qua của tập thể các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực văn
hóa, VHNT, thuộc đề tài khoa học cấp nhà nước, do GS, TS Đinh Xuân Dũng
làm chủ biên. Cuốn sách tập trung vào hai vấn đề lớn: Định hướng xây
dựng lý luận văn nghệ; Những nội dung cơ bản trong hệ thống lý luận văn
học - nghệ thuật Việt Nam. Các tác giả cuốn sách xác định năm định
hướng chính, trong đó bám sát thực tiễn của VHNT nước nhà, nhất là từ
khi công cuộc đổi mới bắt đầu năm 1986 đến nay; nhận định thực trạng
phát triển, biến đổi của lý luận VHNT trong thời kỳ này; nhận diện
những nhân tố tác động đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ giao lưu
và hội nhập quốc tế cùng sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Mác-xít, quan
điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về VHNT, xác định một cách
khoa học, khách quan vai trò của tư tưởng và quan điểm đó đối với việc
xây dựng lý luận văn nghệ ở Việt Nam cùng việc tiếp thu có chọn lọc và
phát triển tư duy lý luận văn nghệ truyền thống trong lịch sử dân tộc.
Về phần những nội dung cơ bản trong hệ thống lý luận VHNT, cuốn sách đã
nêu bật bảy nội dung về bản chất, các thuộc tính, đặc trưng và chức
năng của VHNT trong xã hội hiện đại; thể hiện được mối quan hệ bản chất
nghệ sĩ và quá trình sáng tạo; vấn đề các trào lưu và phương pháp sáng
tác nghệ thuật; tiếp nhận tác phẩm VHNT và vấn đề giáo dục thẩm mỹ
trong xã hội hiện đại.
Cuốn sách đã làm rõ những nội dung, thuật ngữ, khái niệm trên cơ sở
những tri thức lý luận mới, cập nhật và phù hợp với thực tiễn lịch sử
và thực tiễn nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sáng tác, sự
phát triển của lý luận phê bình VHNT Việt Nam, hướng vào việc giải
quyết những lúng túng, vướng mắc trong lý luận VHNT hiện nay… Trên cơ
sở những luận giải khách quan, khoa học, các tác giả cuốn sách đề xuất
các nội dung khoa học và các giải pháp có tính đột phá trong việc xây
dựng, phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế.
Hai cuốn sách tiếp theo của GS, TS Đinh Xuân Dũng là tác phẩm Văn
học - Tiếp nhận tác phẩm và suy nghĩ lý luận (NXB Hà Nội, dày 385
trang) cùng cuốn Văn hóa và con người Việt Nam hiện nay - Mấy suy nghĩ
từ thực tiễn (NXB Thông tin và Truyền thông, dày 329 trang). Đây là tập
hợp những công trình nghiên cứu, tiểu luận, bài viết tiêu biểu trong
quá trình giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của ông trong
lĩnh vực VHNT và văn hóa. Cuốn thứ nhất gồm hai phần nội dung: Tiếp
nhận tác phẩm và Suy nghĩ lý luận, mang đến những góc nhìn, cách tiếp
cận và phân tích với tầng lớp chiều sâu những tác phẩm, tác giả nổi bật
qua các thời kỳ của nền văn học cách mạng Việt Nam; đưa ra những kiến
giải sâu sắc về lý luận từ thực tiễn hoạt động VHNT nước nhà trong
chiến tranh, trong hòa bình, xây dựng đổi mới và thời kỳ công nghiệp
hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế. Cuốn thứ hai đề cập những nội dung cơ
bản về văn hóa trong mối liên quan xây dựng và hình thành nhân cách;
đưa ra những nhận định về xu thế vận động của văn hóa Việt Nam hiện
nay; xác định các giá trị đặc trưng của con người Việt Nam đương đại và
nhiệm vụ nuôi dưỡng, phát triển nhân cách; những mâu thuẫn cần tháo gỡ
trong giáo dục, trong xây dựng hệ thống lý luận văn hóa; trách nhiệm
và nhiệm vụ của VHNT trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam và
những giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa,
VHNT trong thời kỳ đổi mới và hiện tại.
Là người từng có 24 năm giữ những trọng trách trong lĩnh vực tuyên
huấn và văn hóa - văn nghệ của quân đội, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã có
nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về công tác tư tưởng và hoạt động
văn hóa đối với lực lượng vũ trang. Ông đã cùng một số nhà nghiên cứu
hoàn thành bộ sách hai tập Công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng
Quân đội Nhân dân Việt Nam do NXB Quân đội nhân dân ấn hành, trong đó
tập một: Công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng quân đội về chính
trị do ông làm chủ biên và tập hai: Văn hóa - văn nghệ và đời sống bộ
đội do ông trực tiếp viết. Bộ sách là tài liệu tham khảo không thể
thiếu đối với các cán bộ quân đội hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng-
văn hóa, giới thiệu một cách hệ thống những thành tựu, kinh nghiệm,
định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng quân đội về chính trị
thời kỳ mới; nuôi dưỡng và phát huy giá trị văn hóa trong nhân cách
người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; thực tế sáng tác văn học,
nghệ thuật về chiến tranh cách mạng và hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ cũng
như các vấn đề giáo dục thẩm mỹ, xây dựng đời sống văn hóa phong phú
cho cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang.
Theo GS, TS Đinh Xuân Dũng, bộ sách gồm năm cuốn mới được xuất bản
nêu trên là những sản phẩm khoa học đúc kết qua chặng đường 50 năm gắn
bó với công tác văn hóa, VHNT, trong đó có hai tác phẩm lớn nhất là
Định hướng và những nội dung cơ bản của lý luận văn nghệ Việt Nam và
Văn hóa và con người Việt Nam hiện nay - Mấy suy nghĩ từ thực tiễn được
tập trung xây dựng và hoàn thành trong 5 năm qua. Ông cũng cho biết,
năm cuốn sách này tuy riêng biệt, song lại có mối liên kết chặt chẽ,
tập trung những vấn đề văn hóa - VHNT gắn với vấn đề con người và toàn
bộ vấn đề đời sống gắn với các nội dung cơ bản, bức xúc cần giải quyết
trên lĩnh vực văn hóa, góp phần tuyên truyền triển khai thực hiện “Xây
dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát
triển bền vững của đất nước”. Cùng với đó là mối liên kết chung của
hoạt động thực tiễn và những suy ngẫm, đúc kết của GS,TS Đinh Xuân Dũng
trên các lĩnh vực, từ khi giảng dạy ở trường đại học cho đến khi hoạt
động trong quân đội và làm các công tác nghiên cứu, lý luận văn hóa,
VHNT do Đảng, Nhà nước giao. Có thể nói, bộ năm cuốn sách là những công
trình có giá trị, góp phần xây dựng nền móng lý luận văn hóa và VHNT
trong thời kỳ mới.
Nhân Dân Điện tử