Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 9/2/2014 15:14'(GMT+7)

Tạo lập kỹ năng sống cho giới trẻ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, anh tôi ở thành phố cùng các con, cháu về quê chúc Tết ông bà. Từ nhỏ sống ở thành phố, nên khi về quê, các cháu rất thích thú và có phần lạ lẫm. Chuyến về quê có lẽ cũng thoảng qua như mọi lần, nếu không xảy ra một “sự cố”, khi cả nhà ra nghĩa trang dòng họ, lúc người lớn đang mải sắp lễ, thắp hương, thì mấy cháu nhỏ chạy tung tăng đùa nghịch, cứ vô tư đi cả giày, dép nhảy ào xuống thửa ruộng cạnh đó, rồi đứng khóc. Nhìn những đôi giày, dép đắt tiền và quần áo của các cháu bê bết bùn đất, bố cháu nổi nóng, quát mắng, chê chúng là “gà công nghiệp”, còn tôi thì cảm thông, an ủi: “Các cháu quen sống ở thành phố, hầu như suốt ngày ở trường, ở nhà, làm sao phân biệt được ruộng nước, ruộng khô!”.

Trên đây là một ví dụ về tình trạng các trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên… ít được quan tâm giáo dục, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh, cuộc sống và kỹ năng cần thiết để xử lý, giải quyết các tình huống đặt ra. Nói rộng hơn, việc thiếu kỹ năng sống còn làm cho một bộ phận lớp trẻ hiện nay có quan niệm sống và lối sống lệch lạc, vô cảm, thậm chí có những hành động, việc làm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người không dễ quên những đoạn video clip từng được tung lên internet, với hình ảnh các nam thanh nữ tú đánh “hội đồng” bạn cùng trường, cùng lớp, trong khi các bạn khác thản nhiên đứng nhìn, dùng điện thoại di động ghi hình, không ai can ngăn, cũng không nhờ người lớn can thiệp. Một bộ phận lớp trẻ, học sinh, sinh viên, do ảnh hưởng của internet, game, phim ảnh…, bị rơi vào “thế giới ảo”, thường có những hành động bột phát, hành xử thiếu kiềm chế, thái độ lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của người khác; thụ động, thiếu nghị lực sống, vươn lên, khó hòa nhập, thích nghi với cộng đồng và môi trường xung quanh.

Xã hội phát triển, môi trường tiếp xúc mở rộng, với nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò, quan hệ xã hội…, đòi hỏi mỗi người, nhất là lớp trẻ phải có những phương thức tiếp cận, thích ứng và ứng xử phù hợp trước các mối quan hệ, các vấn đề xã hội mới nảy sinh; có đủ khả năng, bản lĩnh để xử lý các tình huống xảy ra, đương đầu và vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia và các bậc phụ huynh cho rằng, ở nhà trường, các học sinh, sinh viên còn chịu nhiều áp lực về học văn hóa, tiếp thu kiến thức đơn thuần, ít được dạy, hướng dẫn về kỹ năng sống, cũng như vận dụng những kiến thức, hiểu biết vào hình thành, rèn luyện kỹ năng sống, xử lý các tình huống đặt ra trong cuộc sống thường ngày; biết phân biệt cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai... Không ít bậc cha mẹ, do quá bận bịu với công việc, cuộc sống mưu sinh, không có thời gian quan tâm, dạy dỗ, rèn luyện kỹ năng sống cho con cái, không hiểu và đồng cảm được với con trẻ; còn các em không gần gũi, tâm sự với bố mẹ, nên khi các em bị trầm cảm, stress, thậm chí quyên sinh…, bố mẹ mới bất ngờ, thì đôi khi đã muộn.

Kỹ năng sống là khả năng thích nghi với cuộc sống của mỗi cá nhân, biết vận dụng những hiểu biết của mình trong cuộc sống, có những hành động, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Việc hình thành kỹ năng sống là cả quá trình giáo dục, rèn luyện từ trong gia đình, nhà trường và xã hội, như dạy cho các em hiểu giá trị của cuộc sống, hình thành phát triển nhân cách, biết cách xử lý các mối quan hệ, đương đầu với những tình huống khó khăn trong cuộc sống và có kỹ năng ứng biến, thích nghi với môi trường xung quanh... Nhà trường và phụ huynh học sinh cần phối hợp chặt chẽ, tạo sự cân bằng trong học tập của các em, vừa giúp các em nắm bắt kiến thức trên lớp, vừa có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại…, giúp các em giảm căng thẳng, có niềm vui trong học tập, biết tự chủ trong cuộc sống cá nhân, biết tự phục vụ bản thân, tự tin trong cuộc sống và tham gia hoạt động tại cộng đồng, đặc biệt là các em biết quan tâm, chia sẻ.

Những năm qua, chương trình “Học kỳ trong quân đội” là mô hình hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội, góp phần giáo dục, bồi dưỡng thanh, thiếu niên trong thời kỳ mới, qua đó giáo dục cho các em kiến thức về quốc phòng, an ninh, ý thức tự giác và kỷ luật, giúp các em tiếp cận kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, sự trải nghiệm để tự tin, trách nhiệm hơn trong cuộc sống, biết chia sẻ, quan tâm đến những người xung quanh. Tuy thời gian ngắn, nhưng qua chương trình này, nhiều em đã làm quen với đời sống người chiến sĩ, biết khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, thêm tự hào và yêu đất nước, quê hương, gia đình, tôn trọng các giá trị nhân văn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là một mô hình giáo dục truyền thống và kỹ năng sống hiệu quả đối với giới trẻ, cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng./.

Anh Quân (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất