(TG)-Trong nhiều năm qua, việc phát triển Đảng trong văn nghệ sĩ dường như chưa tạo được chuyển biến khi nhiệm kỳ 5 năm các Hội văn học, nghệ thuật TPHCM chỉ kết nạp được 5 đảng viên, gồm cả nhân viên văn phòng hội và nghệ sĩ. Điều này cho thấy dự báo trong thời gian tới sẽ thiếu lớp văn nghệ sĩ là đảng viên để kế thừa, lĩnh hội và lãnh đạo công tác Đảng tại các hội văn học, nghệ thuật của TP nếu không có giải pháp tháo gỡ các khó khăn.
NHỮNG BẤT CẬP
Tại TPHCM, có 9 Hội văn học, nghệ thuật, với tổng số hội viên lên đến 5.350 hội viên. Đặc điểm hội viên rất đa dạng, từ các hội viên là các văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật nhà nước (số này không nhiều), văn nghệ sĩ tự do…
Về tổ chức Đảng, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP lãnh đạo về mặt Đảng đối với tổ chức đảng trực thuộc, Đảng đoàn có 4 thành viên gồm: 1 Bí thư Đảng ủy, 1 Phó Bí thư, 2 ủy viên. Đảng ủy Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật thành phố có 9 thành viên, gồm 1 Bí thư, 1 Phó Bí thư, 1 Ủy viên Ban Thường vụ, 6 ủy viên.
Có 11 chi bộ trực thuộc, 101 đảng viên (trong đó có 8 đảng viên miễn sinh hoạt). Chi bộ đông đảng viên nhất là Chi bộ Hội Mỹ thuật TP với 17 đảng viên, Chi bộ Hội Sân khấu 14 đảng viên, Chi bộ Hội Nghệ sĩ múa 14 đảng viên, Chi bộ Hội Điện ảnh 13 đảng viên, Chi bộ Văn phòng Liên hiệp 9 đảng viên, Chi bộ Hội Kiến trúc 7 đảng viên, Chi bộ Báo Văn nghệ 6 đảng viên, Chi bộ Hội Âm nhạc 5 đảng viên, Chi bộ Hội Nhà văn 4 đảng viên, Chi bộ Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số 4 đảng viên. Liên hiệp và các Hội văn học, nghệ thuật TP không có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn Đảng bộ Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP kết nạp được 5 đảng viên; nhiệm kỳ 2015 – 2020 kết nạp được 5 đảng viên. Trong nhiệm kỳ 5 năm kết nạp được 5 đảng viên là con số rất ít so với số lượng hội viên, dẫn đến việc thiếu lớp đảng viên kế thừa để lãnh đạo công tác Đảng tại các Hội là rất lớn. Việc phát triển Đảng trong văn nghệ sĩ hiện nay có nhiều khó khăn và bất cập từ công tác tổ chức và cả từ phía hội viên.
Hiện nay việc kết nạp đảng viên được thực hiện theo Hướng dẫn số 01- HD/TW ngày 20/9/2016, Hướng dẫn 29-HD/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng. Theo đó, việc kết nạp đảng viên trong các Hội chính trị xã hội, nghề nghiệp chỉ được kết nạp những cán bộ trong bộ phận văn phòng, thành viên trong Ban Chấp hành Liên hiệp và các Hội,… đây là một trong những yếu tố làm hạn chế nguồn kết nạp Đảng tại các Hội. Trên thực tế có những hội viên mong muốn phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và kết nạp Đảng tại Hội nhưng theo quy định họ không thuộc đối tượng được phát triển Đảng tại Hội. Đây là vấn đề mấu chốt làm hạn chế việc phát triển Đảng tại các Hội, dù trong Hội có nguồn phát triển đảng viên nhưng nếu chỉ là hội viên, không công tác tại văn phòng Hội, không nằm trong Ban chấp hành các Hội thì cũng không thuộc diện cảm tình Đảng.
Thêm nữa, cấp ủy Chi bộ các Hội chủ yếu tập trung việc duy trì sinh hoạt tại chi bộ, công tác tư tưởng, giáo dục chính trị cho đối tượng trước và sau khi kết nạp Đảng chưa được phát huy, vì vậy còn xảy ra tình trạng đảng viên chưa tìm hiểu kỹ các nguyên tắc và chế độ sinh hoạt Đảng, thiếu rèn luyện bản lĩnh chính trị, thiếu kiến thức lý luận chính trị, chưa đi đầu, tiêu biểu, gương mẫu trong giới văn nghệ sĩ.
Ngoài ra, việc phát triển Đảng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ về thực hiện hồ sơ, sưu tra lý lịch, tiến trình thực hiện mất nhiều thời gian, việc chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần làm nhiều nghệ sĩ trong diện phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn do đặc thù công việc không ổn định về thời gian và địa điểm, nghệ sĩ không quen với việc viết hồ sơ... Có nghệ sĩ thực hiện đến nay đã 5 năm vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, có nghệ sĩ từ khi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng đến khi được kết nạp Đảng là 8 năm.
Về phía hội viên, do tính chất nghề nghiệp và tâm lý, đa số chỉ muốn tham gia hội để có nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp, nhiều văn nghệ sĩ có tâm lý không muốn tham gia vào các vấn đề chính trị hay đứng vào các tổ chức chính trị vì như thế họ không đảm bảo được thời gian hoạt động nghề nghiệp cũng như thời gian sinh hoạt. Đồng thời, một số nghệ sĩ cho rằng đứng vào hàng ngũ của Đảng sẽ khó tham gia vào một số chương trình biểu diễn có yếu tố nước ngoài. Đó cũng là lý do hiện nay rất khó để tìm nguồn phát triển Đảng trong văn nghệ sĩ.
Một số nghệ sĩ đã đứng vào hàng ngũ Đảng nhưng do thời gian và địa điểm hoạt động nghề nghiệp không ổn định vì vậy không đảm bảo chế độ sinh hoạt Đảng theo quy định. Có trường hợp bỏ sinh hoạt Đảng, có trường hợp vì lý do riêng đã xin ra khỏi Đảng...
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Từ thực tiễn trên cho thấy việc phát triển đảng viên trong văn nghệ sĩ thời gian tới cần có những giải pháp, hướng mở hơn đối với giới văn nghệ sĩ. Trước mắt cần tập trung một số giải pháp:
Về phía Ban Tuyên giáo Thành ủy, cần phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP, Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể thao TP đánh giá lại việc kết nạp Đảng trong văn nghệ sĩ thời gian qua; đề xuất tháo gỡ một số quy định để mở rộng đối tượng kết nạp Đảng, đó là vấn đề then chốt. Đồng thời, tạo nhiều diễn đàn cho văn nghệ sĩ có nơi sinh hoạt chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng nòng cốt trong văn nghệ sĩ.
Đảng ủy Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP và cấp ủy các Hội cần chú trọng quan tâm công tác phát triển Đảng trong văn nghệ sĩ, thu hút hội viên trẻ, tăng cường công tác giáo dục chính trị trong hội viên, tạo nguồn kết nạp Đảng.
Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP xem xét tháo gỡ các quy định hoặc đề xuất mở rộng đối tượng kết nạp Đảng tại các Hội; đồng thời có quy định cơ chế sinh hoạt đặc thù cho các đối tượng như văn nghệ sĩ hay những người làm công tác mà thời gian và địa điểm không cố định; có sự uyển chuyển, linh hoạt hơn trong việc thực hiện hồ sơ kết nạp Đảng và linh động xem xét các trường hợp tha thiết muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Về phía cấp ủy chi bộ, cần kiên nhẫn giải thích, động viên văn nghệ sĩ là đối tượng Đảng; hướng dẫn tận tình, đồng thời phân công đảng viên giúp đỡ, hỗ trợ văn nghệ sĩ trong việc khai hồ sơ; làm tốt công tác tư tưởng trước khi kết nạp Đảng.
Thực tế trong xu thế hiện nay, việc phát triển Đảng trong văn nghệ sĩ sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần có những cơ chế, quy định thông thoáng hơn để thu hút, kết nạp văn nghệ sĩ vào Đảng, tạo lớp kế thừa văn nghệ sĩ là đảng viên để định hướng tư tưởng, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước vào giới văn nghệ sĩ, từ đó định hướng văn học, nghệ thuật đi theo đường lối của Đảng.
Mai Anh