Theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg
quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh trung học phổ thông ở
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mỗi tháng được hỗ
trợ 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm
học/học sinh.
Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ
trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9
tháng/năm học/học sinh.
Trao
đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Xuân Thủy, Phó Vụ
trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học
2011 - 2012 số học sinh phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn, do nhà xa trường, phải ở lại trường và và khu vực gần
trường để học là 109.420 em, trong đó có gần 25.000 học sinh cấp trung
học phổ thông, học sinh dân tộc Kinh chiếm khoảng 10%.
Ở
các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi tỉnh có 1 trường phổ
thông dân tộc nội trú cấp tỉnh đào tạo cấp trung học phổ thông và mỗi
huyện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện đào tạo cấp trung
học cơ sở. Trong đó, chỉ có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ
sở ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện được vào học ở
trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, số học sinh còn lại phải học ở
các trường trung học phổ thông đóng trên địa bàn huyện.
Bình
quân ở mỗi huyện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chỉ có từ 1-2
trường trung học phổ thông, trong khi địa bàn rộng và địa hình cách trở.
Vì vậy, đa số học sinh trung học phổ thông thường trú tại các vùng đặc
biệt khó khăn, do nhà ở xa trường nên không thể đi học và trở về nhà
trong ngày, phải ở lại trường hoặc ở trọ gần khu vực trường để học tập.
Phần
lớn học sinh phải tự lo chỗ ở và chi phí ăn uống, sinh hoạt, trong khi
khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm của gia đình các em thường không
liên tục, học sinh có thể bị đứt bữa, đặc biệt vào những kỳ giáp hạt,
dẫn đến tình trạng nhiều học sinh bỏ học.
Hỗ trợ để học sinh hoàn thành cấp học
Cũng
theo ông Thủy, một số địa phương đã nỗ lực huy động các nguồn lực, ban
hành chính sách để hỗ trợ đối tượng học sinh trung học phổ thông phải ở
lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập do nhà ở xa trường hoặc
địa hình cách trở. Cụ thể như tỉnh Lào Cai hỗ trợ 20% mức lương tối
thiểu chung/học sinh/tháng; tỉnh Lai Châu hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu
chung/học sinh/tháng.
Tuy
nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi,
đối tượng học sinh này vẫn chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Vì thế, Quyết định 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học
phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ góp
phần khắc phục tình trạng bỏ học, tạo điều kiện cho đối tượng học sinh
trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn có thể duy trì và hoàn thành cấp học nhằm tạo nguồn đào tạo nhân
lực có chất lượng cao cho vùng này.