(TG)-Để mở rộng diện bao phủ cũng như cân đối Quỹ BHXH, theo khuyến nghị của các chuyên gia, cần thực thi chính sách hỗ trợ có điều kiện để tạo thói quen cho người dân tham gia BHXH, cũng như đơn giản hóa quy trình thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách; xóa bỏ rào cản về ranh giới hành chính, địa phương trong việc tham gia vào hệ thống BHXH.
24% lực lượng lao động tham gia BHXH
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, từ 1/1/2018, lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam được bổ sung vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, về mặt chính sách đã tạo điều kiện cho tất cả đối tượng có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động được tham gia BHXH. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Vụ BHXH, BHXH Việt Nam, năm 2016 có 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động, tương đương với khoảng 28% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong khi đó, ngày càng nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia BHXH. Năm 2016 có 3,7 triệu lao động trong 179 nghìn doanh nghiệp tư nhân tham gia BHXH bắt buộc. Bình quân một doanh nghiệp tư nhân có gần 21 người tham gia BHXH bắt buộc. Đa phần các doanh nghiệp là nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh nghiệp đóng BHXH dưới 10 lao động chiếm 78,54% tổng số doanh nghiệp đang tham gia BHXH; doanh nghiệp từ 10 đến dưới 50 lao động chiếm 16,83%, từ 50 đến dưới 500 lao động chiếm 4,17% và từ 500 lao động trở lên chiếm 0,45%.
Vụ trưởng Vụ BHXH, BHXH Việt Nam Phạm Trường Giang cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự phù hợp về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và BHXH; cũng như chưa thực thi chính sách hỗ trợ để tạo thói quen tham gia BHXH. Mặt khác, chính sách BHXH tự nguyện thực sự chưa hấp dẫn vì thiếu chế độ ngắn hạn; chưa gắn chính sách BHXH với các chương trình khác của Chính phủ theo hướng tích cực và chưa thể hiện rõ yếu tố văn hóa gia đình trong xây dựng, thực hiện chính sách BHXH. Quy trình thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách chưa thuận lợi, còn rào cản về ranh giới hành chính, địa phương trong việc tham gia vào hệ thống BHXH.
Cân đối trong đóng - hưởng
Từ ngày 1.1.2018, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH sẽ gia tăng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập như diện bao phủ còn ở mức thấp, nhiều người chưa được tham gia BHXH, nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.
|
Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cho biết, tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu của nước ta hiện nay đã bằng 20 lần mức lương cơ sở, tương đương 6 lần mức tiền lương trung bình tháng đóng BHXH; còn tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu đang tăng cao, trong khi tỷ suất tích lũy 1 năm đóng BHXH quá cao, tỷ lệ hưởng lương hưu quá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể, ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 108.549 người đóng BHXH trên 12 triệu đồng/tháng; trong khi đó ở Hà Nội có 43.255 người; ở Bình Dương có 14.224 người.
Nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là một gánh nặng lớn cho Quỹ BHXH. Theo đó, tuổi nghỉ hưu trung bình là 54,2 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi (so với quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (so với quy định là 55 tuổi); còn tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu là 79,5 tuổi, nữ là 80 tuổi. Tính trung bình thời gian hưởng BHXH là 25,3 năm. Nếu như ở Trung Quốc, đóng 20% lương trong vòng 35 năm, hưởng lương hưu bằng 35% lương đóng trong vòng 20 năm; ở Đức đóng 19,6% lương trong vòng 37 năm, hưởng lương bằng 30% lương trong vòng 20 năm; thì ở Việt Nam là đóng 22% lương trong vòng 28 năm, hưởng lương hưu bằng 70% trong vòng 25 năm. Giả định hệ thống hưu trí vẫn vận hành như hiện tại, tỷ số phụ thuộc của hệ thống (tính bằng tỷ số giữa số người thụ hưởng và số người tham gia) sẽ tăng nhanh. Nói cách khác tỷ số hỗ trợ của hệ thống sẽ giảm. Cụ thể, nếu như năm 2000 có 34 người đóng cho 1 người hưởng, thì đến năm 2004 là 19 người đóng cho 1 người hưởng năm 2014 là 8,7 người đóng cho 1 người hưởng, đến năm 2020 còn 6 người đóng cho 1 người hưởng. Theo ông Giang, khoản thu BHXH hôm nay chính là khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai, với sự mất cân đối đóng - hưởng, mức đóng càng cao gánh nặng mà Nhà nước phải chịu trong tương lai càng lớn.
Trước nguy cơ mất cân đối quỹ, ông Micheal Cichon - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị, tiền lương đóng BHXH tối đa không nên quá 10 lần mức lương tối thiểu. Kinh nghiệm một số nước cũng cho thấy như ở Đức tiền lương hưu của một người tối đa bằng 2 lần mức lương trung bình của xã hội, còn ở Trung Quốc, tiền lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 3 lần mức tiền lương trung bình tháng đóng BHXH. Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội Chang-Hee Lee cũng cho rằng, Việt Nam cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH phù hợp theo hướng trách nhiệm của địa phương; tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và BHXH; thực thi chính sách hỗ trợ có điều kiện để tạo thói quen tham gia BHXH; bổ sung chế độ ngắn hạn đối với chính sách BHXH tự nguyện. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin BHXH cho người lao động; gắn việc tham gia BHXH cho người lao động là một trong những điều kiện mà doanh nghiệp tiếp cận các chương trình ưu đãi của Nhà nước…
Bảo Văn (Báo ĐBND)