Thứ Bảy, 23/2/2013 22:10'(GMT+7)
Tận dụng cơ hội từ FTA để đẩy mạnh xuất khẩu
Để đạt mục tiêu năm 2013 xuất khẩu đạt khoảng 126,1 tỷ USD (tăng 10% so
với năm 2012) trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn này, việc tận dụng những
ưu đãi thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa
Việt Nam và các nước, được coi là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu
giúp doanh nghiệp tiếp tục gia tăng xuất khẩu vào nhiều thị trường.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công
Thương) cho biết: Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang một số nước có FTA
đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, trong đó khu vực ASEAN tăng trưởng
khoảng 27,2%; Nhật Bản tăng 39%, Hàn Quốc tăng 18%, nên tổng kim ngạch
xuất khẩu đạt 53,5 tỷ USD. Dự kiến, sau khi kết thúc phiên đàm phán TPP
(hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) và đàm phán FTA với EU thì
dung lượng thị trường FTA sẽ lớn hơn rất nhiều, chiếm đến khoảng 86% kim
ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Trần Bá Cường,
Trưởng phòng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - chuyên gia đàm phán Vụ
Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua,
không ít doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được những ưu thế của FTA.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về FTA và các
cách tận dụng FTA, nên áp dụng vào thực tế còn lúng túng. Doanh nghiệp
cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các
đối tác trong các FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Ốtxtrâylia, Hàn
Quốc... Cùng với đó, hầu hết doanh nghiệp chưa nắm bắt được hay cập nhật
đầy đủ các thông tin về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch
động thực vật. Doanh nghiệp chưa nghiên cứu cụ thể về quy tắc xuất xứ,
mức cắt giảm thuế quan trước khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất
khẩu. Điều này dẫn đến những rủi ro có thể phát sinh khi xuất khẩu.
Hiện Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt đề án tăng cường quản lý chứng nhận xuất xứ. Theo đề án này,
Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập trung vào các
giải pháp, xây dựng và đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách khuyến
khích phát triển và thủ tục đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ,
nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đáp ứng được tiêu chí hàm lượng
nội địa hóa và xuất xứ hàng hóa. Mặt khác, đơn giản hóa thủ tục hành
chính, rút ngắn thời gian cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) thông qua việc
tăng cường cấp C/O điện tử. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nâng cấp, hoàn thiện hệ
thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, tạo điều kiện cho doanh
nghiệp, đồng thời có kế hoạch triển khai việc trao đổi xuất xứ điện tử
cho một số đối tác lớn trong khu vực. Đặc biệt là nghiên cứu đề án tự
chứng nhận xuất xứ theo hướng cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất
xứ hàng hóa cho mình và duy trì việc phổ biến chứng nhận xuất xứ. Bên
cạnh việc tuyên truyền, một số giải pháp hành chính thiết thực khác đã
và đang được triển khai như rút ngắn thời gian cấp C/O cho hàng hóa từ 3
ngày xuống còn 4 - 8 tiếng trong ngày, cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt
động xuất khẩu./.
Uyên Hương (TTXVN)