Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ
Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng về ý nghĩa chuyến thăm và tiềm năng
hợp tác song phương trong thời gian tới.
- Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6, Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm lần này?
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng: Tổng thống Yoon Suk-yeol đã chọn Việt Nam, nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á để tiến hành
chuyến thăm và thời điểm chuyến thăm diễn ra chỉ 6 tháng sau khi hai
nước vừa nâng cấp quan hệ cho thấy tính chất đặc biệt của mối quan hệ.
Đánh giá một cách tổng thể, quan hệ Việt-Hàn được xây dựng trên hai nền tảng chính là lòng tin và lợi ích đan xen.
Chuyến đi này là sự thể hiện củng cố lòng tin và tăng cường lợi ích đan
xen.
Về lòng tin, các chuyến thăm, trao đổi cấp cao luôn là các biện pháp
tăng cường lòng tin trước hết là qua sự trao đổi ở tầm cá nhân lãnh đạo
cấp cao.
Từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol lên cầm quyền hơn một năm trước, các
cuộc điện đàm/gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra và việc Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự coi trọng đặc biệt của
Chính phủ Hàn Quốc và cá nhân ngài Tổng thống đối với quan hệ song
phương. Điều này ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa lãnh
đạo cao cấp hai nước, từ đó mở ra sự trao đổi thăm viếng dày đặc giữa
các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước.
Về đan xen lợi ích, chắc chắn các kết quả cụ thể đạt được trong
chuyến thăm lần này sẽ mở ra sự phát triển giữa hai nước trên tầm cao
mới của quan hệ theo khuôn khổ mới là đối tác chiến lược toàn diện. Quan
hệ giữa hai nước sẽ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu vì lợi ích
của hai nước, cũng như của người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk-yeol diễn ra trong bối
cảnh quan hệ Việt-Hàn phát triển đặc biệt tốt đẹp trên tất cả các mặt và
do đó, chuyến thăm sẽ góp phần tạo xung lực mới cho hợp tác giữa hai
nước trong năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu, từ chính trị,
ngoại giao đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học,
công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân.
Trên cơ sở triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao mà hai nước đạt
được trong chuyến thăm này, từ đó càng làm nổi bật tính chất đặc biệt
của mối quan hệ song phương.
Về tính chất đặc biệt trong bối cảnh chuyến thăm, thời điểm chuyến
thăm diễn ra có những điểm đáng chú ý như chuyến thăm của Tổng thống
Yoon Suk-yeol diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các mục
tiêu mà Đại hội Đảng XIII đề ra, trong đó có mục tiêu phát triển đất
nước đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện
đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển,
thu nhập cao.
Về đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa
quan hệ; thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu,
nhất là với các đối tác chiến lược, trong đó có Hàn Quốc.
Việc đón đoàn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm cấp Nhà nước cho
thấy Việt Nam coi trọng cao độ ý nghĩa đặc biệt của hợp tác Việt
Nam-Hàn Quốc và tầm quan trọng của mối quan hệ này trong tổng thể chiến
lược phát triển đất nước nói chung, và chính sách đối ngoại của Việt Nam
nói riêng.
Về phía Hàn Quốc, chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc
đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước
thời gian qua nói chung và nhiều thành quả về phục hồi kinh tế-xã hội
sau đại dịch COVID-19 nói riêng.
Về đối ngoại, Hàn Quốc đang thúc đẩy nhiều chính sách đáng chú ý, nổi
bật là “Tầm nhìn quốc gia chủ chốt toàn cầu” (GPS); Chiến lược Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương, Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc."
Do đó, việc Việt Nam đón Tổng thống Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước cũng
là thông điệp Việt Nam ủng hộ và tin tưởng Chính phủ và nhân dân Hàn
Quốc sẽ thực hiện thành công các chính sách và mục tiêu phát triển trong
tương lai, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định của khu vực và
thế giới.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc lần này diễn ra trong
bối cảnh vận động địa chính trị, địa kinh tế rất phức tạp, khó lường gần
đây. Vì thế, chuyến đi càng làm nổi bật tầm quan trọng của hợp tác
Việt-Hàn trên các lĩnh vực gồm hợp tác giữa các nước vừa và nhỏ trong
việc thượng tôn pháp luật quốc tế, giữ ổn định trật tự quốc tế dựa trên
các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế - những cơ sở quan trọng để
bảo vệ quyền lợi của các nước vừa và nhỏ cũng như để các nước này đóng
góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế trong bối cảnh
cạnh tranh nước lớn đang gia tăng, toàn cầu hóa bị thách thức bởi các
vấn đề toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ; nâng cao vai trò trung tâm của
ASEAN trong việc xây dựng và củng cố cơ chế an ninh khu vực cũng như hòa
bình, thịnh vượng khu vực dựa trên sự chủ động và tích cực ngày càng
cao của Việt Nam trong ASEAN, vai trò Việt Nam điều phối quan hệ
ASEAN-Hàn Quốc trong 2 năm tới và chính sách ngày càng ưu tiên hợp tác
với ASEAN của Hàn Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
và sáng kiến đoàn kết ASEAN (KASI) mà chính quyền Tổng thống Yoon
Suk-yeol vừa thông qua...
- Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Việt Nam và
Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trên các hầu hết các lĩnh
vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa-xã hội. Xin Đại sứ cho biết những
thành tựu lớn của quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong giai đoạn vừa
qua và tiềm năng hợp tác song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng: Trong 30 năm qua, quan hệ
Việt-Hàn đã phát triển nhanh chóng và có hiệu quả, hợp tác trên tất cả
các lĩnh vực gồm chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn
hóa, trên các tầm quan hệ song phương và đa phương.
Trạng thái hợp tác giữa hai nước đã chuyển từ “song trùng lợi ích”
(overlapping) sang một mức cao hơn, đó là “lợi ích đan xen”
(interwining); cộng với việc các khuôn khổ, thể chế hợp tác song phương,
đa phương liên tục được củng cố, lòng tin ngày càng sâu sắc, quan hệ
nhân dân ngày càng sâu đậm, quan hệ Việt-Hàn ngày càng có cơ hội phát
triển.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng. (Ảnh: TTXVN)
Những thành tựu đáng chú ý có thể kể đến như quan hệ chính trị, sự
tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước luôn được
củng cố và tăng cường qua các thời kỳ; là nền tảng vững chắc để quan hệ
song phương Việt Nam-Hàn Quốc trên các lĩnh vực khác phát triển sâu rộng
và bền vững.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước đã 2 lần nâng
cấp quan hệ, từ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21 (năm 2001) đến đối tác
hợp tác chiến lược (năm 2009) và Đối tác chiến lược toàn diện (năm 2022).
Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc, điện đàm giữa lãnh đạo
cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Hai nước đã thiết
lập và vận hành ổn định các cơ chế đối thoại cũng như hợp tác trên hầu
hết các lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế là nhân tố then chốt và đóng góp hết sức to lớn cho
quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế diễn ra với tốc độ nhanh chóng, quy mô
to lớn và hiệu quả. Hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu
của nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.
Nhân viên Samsung Việt Nam bên dây chuyền sản xuất. (Ảnh: Vietnam+)
Hiện Hàn Quốc duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (FDI) hợp tác
thương mại; Hàn Quốc là nước bạn hàng lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung
Quốc và Mỹ); thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đứng đầu trong thương
mại với các nước ASEAN, chiếm từ 45-50% tổng thương mại của Hàn Quốc
với toàn bộ khối ASEAN. Đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam đứng đầu ASEAN,
chiếm khoảng 35% tổng đầu tư của Hàn Quốc trong toàn bộ khối và 45%
doanh nghiệp Hàn Quốc tại ASEAN đang hoạt động tại Việt Nam.
Mối quan hệ, giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng sôi động, là
cơ sở để thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, giáo dục và địa phương.
Theo thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng
đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 230.000 người gồm lao động, người
kết hôn di trú, thực tập sinh và nghiên cứu sinh, người thăm thân.
Cộng đồng người Hàn Quốc cũng có tới 200.000 người làm ăn và sinh
sống ở Việt Nam. Hơn 60 tỉnh thành địa phương của Việt Nam đã ký 76 văn
bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương tương ứng của Hàn Quốc.
Có thể nói, trạng thái đan xen lợi ích giữa hai nước về mặt kinh tế
đã trở nên ngày càng sâu sắc ở cả cấp độ nhà nước, doanh nghiệp, và con
người.
Sự hợp tác thành công giữa hai nước đã đem lại một vị thế mới cho cả
hai nước trên diễn đàn khu vực và thế giới. Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa
Việt Nam và Hàn Quốc đã giúp củng cố vị thế của từng nước trong tổng
thể quan hệ đối ngoại của mình cũng như trong nhóm các nước tầm trung
đang chung tay duy trì sức sống của chủ nghĩa đa phương trong quan hệ
quốc tế đương đại.
Công ty Youngbag Việt Nam Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Tiềm năng hợp tác song phương còn rất lớn nếu hai bên khai thác tối
đa khuôn khổ quan hệ chiến lược toàn diện và nhận thức đầy đủ về chất
chiến lược và toàn diện của mối quan hệ song phương. Trước mắt, hai bên
cần tiếp tục khai thác tính bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế từ góc
độ nhân lực/lao động, chuỗi giá trị/chuỗi cung ứng, chuyển giao công
nghệ, cân bằng thương mại…
Tiếp đó, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như ứng
phó biển đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển xanh, năng lượng sạch,
ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác công nghiệp quốc phòng, và phối hợp
trong khuôn khổ hiệp định/cơ chế thương mại RCEP, CPTPP, IPEF, APEC...
Ngoài ra, hai bên cần đẩy mạnh giao lưu nhân dân (du lịch, giáo
dục-đào tạo, văn hóa-xã hội, văn học-nghệ thuật, kết nghĩa địa phương,
từ thiện...).
Cuối cùng, hai bên mở rộng không gian hợp tác trên phạm vi khu vực và
toàn cầu, tập trung vào các vấn đề hòa bình, hợp tác, ổn định khu vực;
thượng tôn pháp luật, củng cố chủ nghĩa đa phương, giải quyết các vấn đề
an ninh truyền thống, phi truyền thống và các điểm nóng khu vực v.v.
- Tại Hàn Quốc hiện có hơn 250.000 người Việt Nam đang sinh sống,
học tập và làm việc. Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng trao đổi
nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Hàn Quốc?
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng:
Cộng đồng hơn 250.000 người Việt Nam ở Hàn Quốc và khoảng 200.000 người
Hàn Quốc ở Việt Nam là cơ sở con người vô cùng quan trọng cho quan hệ
song phương Việt-Hàn.
Nguồn tiềm năng này nếu được khai thác tốt sẽ góp phần củng cố quan hệ trên những lĩnh vực sau:
Tăng cường hiểu biết lẫn nhau: từng cá nhân đã trở thành “đại sứ nhân
dân” hằng ngày quảng bá về những điểm tương đồng về văn hóa - nhất là
ẩm thực, quan hệ xã hội - cho đến hoàn cảnh lịch sử, phát triển. Người
Việt Nam ở Hàn Quốc dù là phụ nữ lấy chống Hàn Quốc, sinh viên, lao
động, đều thành công nhất, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội sở
tại, từ đó gây thiện cảm với người dân sở tại. Cộng đồng là những người
trực tiếp tạo nền tảng chính trị-xã hội cho quan hệ hai nước và là tác
nhân trực tiếp của mối quan hệ giao lưu nhân dân và địa phương hai bên.
Tạo các mắt xích kết nối cho quan hệ nhà nước, doanh nghiệp và địa
phương. Cộng đồng người Việt đang đóng vai trò ngày càng quan trọng
trong kết nối thương mại/đầu tư thông qua liên kết với các đối tác Hàn
Quốc-Việt Nam hoặc thông qua hoạt động kinh doanh của mình ở Hàn Quốc
hoặc Việt Nam.
Lực lượng trí thức sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã và đang đóng
vai trò lớn hơn trong việc tiếp thu kiến thức, công nghệ tiên tiến của
Hàn Quốc, và theo đó đóng vai trò trong quá trình chuyển giao công nghệ
của Hàn Quốc. Lực lượng lao động đang góp phần giảm sức ép về thiếu nhân
lực của Hàn Quốc, đồng thời cũng là lực lượng tiếp thu công nghệ, trình
độ quản lý và tác phong công nghiệp để sau này về Việt Nam đóng góp vào
phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như vào các dự án đầu
tư-thương mại song phương. Giao lưu nhân dân do đó ngày càng trở thành
ưu tiên trong quan hệ toàn diện và chiến lược Việt-Hàn.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
TTXVN