Chuyến thăm châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào
dịp có nhiều kỷ niệm lớn trong quan hệ với các nước đi thăm. Xin Thứ
trưởng cho biết rõ hơn về ý nghĩa, nội dung của chuyến đi?
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Có thể nói, chuyến thăm ba nước Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và
Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày
20-28/5 là một chuyến đi có nhiều ý nghĩa. Đó là chuyến đi với những
tình cảm gắn bó, hữu nghị, đồng thời cũng là chuyến đi mở ra nhiều khả
năng hợp tác đầy hứa hẹn.
Hai trong ba nước mà Thủ tướng tới thăm lần này đúng vào dịp triển
khai những hoạt động kỷ niệm lớn. Với Liên bang Nga, hai bên kỷ niệm 25
năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị
giữa hai nước 1994-2019, đồng thời chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thiết lập
quan hệ ngoại giao 1950-2020.
Đây là các cột mốc lớn đánh dấu những giai đoạn phát triển quan trọng
trong quan hệ hai nước, mối quan hệ đã được thử thách qua những thăng
trầm của lịch sử và ngày càng bền chặt theo thời gian.
Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev khẳng định đó là những thập
kỷ của tình hữu nghị và sự cảm thông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã
nhấn mạnh quan hệ Việt-Nga là mối quan hệ thân thiết, thủy chung.
Điều đặc biệt là trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc và Dmitry Medvedev đã cùng khai mạc Năm chéo Việt-Nga (Năm Việt Nam
tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam), một sự kiện trọng đại lần đầu tiên
được tổ chức với hơn 200 sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức ở hai nước.
Những trao đổi rất thân tình giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng
thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Dmitry Medvedev và các
lãnh đạo Nga khác, cũng như sự chia sẻ của bạn bè Nga trong dịp này cho
thấy sự nồng ấm của quan hệ song phương, sự gắn bó, thủy chung giữa nhân
dân hai nước vẫn còn nguyên vẹn sau nhiều thập kỷ.
Trong năm 2019 này, Việt Nam và Thụy Điển cũng kỷ niệm 50 năm ngày
thiết lập quan hệ ngoại giao. Không một người Việt Nam nào có thể quên
hình ảnh của Thủ tướng Olof Palmer dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối chiến
tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Cả một thế hệ dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam đã hình thành ở Thụy
Điển và nhiều nước khác.
Thụy Điển đã trở thành nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết
lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1/1969)
và đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ hết sức to lớn, vô tư, trong sáng
trong nhiều thập kỷ qua.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào dịp này thực sự là một
chuyến đi nhiều cảm xúc, khi hai bên cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về
quan hệ lịch sử gắn bó trong từng câu chuyện, từng cuộc gặp, dù là với
lãnh đạo hay với bạn bè Thụy Điển.
Với Na Uy, tuy chưa phải là một năm kỷ niệm lớn, nhưng đây cũng là
nước phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa từ khá sớm và hai nước cũng sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50
năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021.
Nhân dân Na Uy cũng luôn thể hiện tình cảm trân trọng, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh và phát triển của nhân dân Việt Nam.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm đối với việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác này?
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Chuyến thăm của
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới ba nước cho thấy quan hệ Việt Nam với các
nước Nga, Thụy Điển và Na Uy đang phát triển ngày càng sâu rộng và đa
dạng trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Nga nhất trí cao quan hệ
hai nước còn rất nhiều tiềm năng cần được khai thác, có những lĩnh vực
hợp tác vừa mang tính chiến lược vừa mang lại những lợi ích thiết thực
cho cả hai nước.
Hai bên thống nhất các định hướng chiến lược và các biện pháp cụ thể
thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới; nhất trí cần
triển khai mạnh mẽ hơn nữa FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, phấn đấu đưa kim ngạch song
phương Việt Nam-Nga từ khoảng gần 5 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD vào
năm 2020 và những năm sau đó.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí đi đôi với việc tăng cường hơn nữa
những lĩnh vực hợp tác truyền thống như năng lượng, dầu khí, quốc
phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, hai nước cần tích cực triển khai mạnh
mẽ những hướng hợp tác mới trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông,
phát triển công nghệ cao, công nghệ số, thành phố thông minh, chính phủ
điện tử... Điều đó sẽ góp phần tạo nên nền tảng hợp tác ngày càng sâu
rộng hơn cho quan hệ hai nước.
Việc hai bên ký 14 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong dịp chuyến thăm thể hiện tiềm năng phong phú của hợp tác Việt-Nga.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Na Uy và Thụy
Điển lần này cũng có nhiều điểm nhấn hợp tác quan trọng. Cả hai nước đều
có những cam kết mạnh đối với việc thúc đẩy các hiệp định quan trọng
với Việt Nam.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven ủng hộ việc thúc đẩy sớm ký kết,
phê chuẩn và triển khai nhanh chóng Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA)
và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU.
Thủ tướng Na Uy nhất trí sẽ đẩy nhanh đàm phán tiến tới ký kết Hiệp
định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu
(EFTA) gồm 4 nước Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein.
Kết quả trao đổi trong chuyến thăm lần này cho thấy những tiềm năng mới và rất cụ thể của hợp tác song phương.
Với Na Uy, hàng loạt các sáng kiến liên quan đến các ngành kinh tế
biển, dầu khí, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh... đã được các đối
tác hai bên trao đổi, từ nuôi trồng thủy sản trên biển, nghiên cứu và
quản lý biển, đến vận tải biển, khai thác hiệu quả dầu khí trên biển, từ
phòng chống dịch bệnh cho cá đến tăng cường đào tạo năng lực cho ngành
thủy sản, hợp tác về chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlén. (Ảnh: TTXVN)
Sự chia sẻ giữa hai nước cùng có bờ biển dài, cùng hướng mạnh ra biển
và có một chiến lược biển lâu dài là cơ sở để thúc đẩy hợp tác.
Với Thụy Điển, ý tưởng về một quan hệ đối tác phát triển bền vững và
đổi mới sáng tạo được nêu trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng Năm này
của Công chúa kế vị Thụy Điển đã được hai nước tiếp tục bàn thảo cụ thể
và mở rộng hơn các lĩnh vực hợp tác trong chuyến thăm của Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc.
Những thành tựu về công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thụy Điển cùng với
việc nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức Thụy Điển đang có ý định vào
đầu tư, làm ăn ở Việt Nam đặt cơ sở cho nhiều lĩnh vực hợp tác mới giữa
hai nước.
- Theo Thứ trưởng, kết quả của chuyến đi này sẽ góp phần thúc đẩy
công tác đối ngoại và hội nhập cũng như phát triển bền vững đất nước
như thế nào?
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Qua chuyến thăm, sức sống của quan hệ Việt-Nga càng được khẳng định.
Trong các cuộc trao đổi, Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev và các
nhà lãnh đạo Nga đều nhiều lần nhấn mạnh tính chất đặc biệt, sự tin cậy
sâu sắc trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga và Việt Nam
là đối tác then chốt của Nga ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là sự đảm bảo vững chắc cho tương lai hợp tác rộng lớn giữa hai nước
trong thời gian tới.
Chủ đề hợp tác về phát triển bền vững trở thành điểm xuyên suốt trong
tinh thần hợp tác với Na Uy và Thụy Điển. Đó là câu chuyện bảo vệ rừng,
bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải biển, ứng phó với
biến đổi khí hậu trên cả bình diện song phương và đa phương.
Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao vai trò khu vực và quốc tế của
Việt Nam, mong muốn phối hợp với Việt Nam trên các diễn đàn đa phương
được thắt chặt hơn trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử vào vị trí Ủy
viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Các nước cũng muốn qua tiếng nói của Việt Nam để tăng cường quan hệ
với khu vực và với ASEAN khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc gìn giữ hòa bình, an ninh và
ổn định, nhất trí về tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không,
giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc
tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 tại Biển Đông và
trong khu vực.
Nhìn chung lại, chuyến thăm 3 nước Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công hết sức tốt đẹp, đem lại
nhiều kết quả cụ thể, củng cố và thắt chặt thêm những tình cảm hữu nghị,
gắn bó truyền thống với các nước bạn bè; đồng thời tạo thêm xung lực
mới, mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Cùng với các chuyến thăm và triển khai đối ngoại khác của chúng ta trong năm nay, chuyến thăm của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần quan trọng để công tác đối ngoại và hội nhập đất nước thành
công, thúc đẩy các mối quan hệ, đem lại lợi ích lớn cho đất nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.
(TTXVN)