Thứ Hai, 27/11/2017 21:16'(GMT+7)
Tập huấn về lý luận quản lý văn học nghệ thuật
(TG)-Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa tổ chức khai mạc Lớp tập huấn “Nâng cao trình độ nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay”.
Đến tham dự có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNT TW); PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch LLPBVHNT TW; đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ; đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy…
Hơn 240 học viên tham gia lớp tập huấn là cán bộ chỉ đạo, quản lý, tham mưu phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ của các Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy; các cán bộ quản lý Nhà nước về văn hóa – văn nghệ; lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và Hội địa phương; những cán bộ chuyên nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Ngoài ra, còn có một số cán bộ, giáo viên giảng dạy, nghiên cứu văn học, nghệ thuật bộ môn văn học, nghệ thuật ở các trường có mảng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật... các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo đó, từ 22 đến 25/11, các học viên sẽ được học các chuyên đề: “Quán triệt đường lối, quan điểm văn học, nghệ thuật của Đảng trong tình hình hiện nay”; “Kỹ năng viết bài phê bình văn học, nghệ thuật”. Bên cạch đó, các học viên cũng được nghe thông tin về tình hình điện ảnh, nghệ thuật múa, sân khấu, âm nhạc, tình hình lý luận - phê bình văn học, tình hình văn học, báo chí – xuất bản… những năm gần đây.
Phát biểu tại lễ khai mạc PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận LLPBVHNT TW nhấn mạnh, trong hơn 30 năm qua, Đảng ta đã có các Nghị quyết, Chỉ thị, Văn kiện của Đảng về công tác lãnh đạo văn hóa, văn nghệ được ban hành, trong đó có những Nghị quyết có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 9 về “Xây dựng và phát triển văn hoá con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… Ở nghị quyết này, Đảng chỉ rõ một số yếu kém, khuyết điểm của văn học, nghệ thuật: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn khá lạc hậu và bất cập, chưa giải đáp được nhiều vấn đề thiết yếu của đời sống. Lý luân văn học, nghệ thuật mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp, tình chiến đấy của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, dễ dãi, thiếu hệ thống tiêu chí tin cậy, văn hóa phê bình bị xem nhẹ…
Chính vì thế lớp tập huấn nhằm mục đích cung cấp thông tin về tình hình văn học, nghệ thuật nói chung, về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng; giúp đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo văn học nghệ thuật, đội ngũ những người hoạt động báo chí chuyên sâu về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nắm bắt tình hình, có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp để phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới. Qua đó, giúp học viên nắm vững các quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật nói chung và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng; trên cơ sở đó, vận dụng có hiệu quả vào công tác và hoạt động văn học, nghệ thuật của mình, góp phần tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong hoạt động văn học, nghệ thuật, góp sức làm lành mạnh đời sống văn hóa – văn nghệ của đất nước cũng như của từng ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương./.
Tấn Vĩnh
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ