Thứ Sáu, 6/12/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 31/7/2024 14:52'(GMT+7)

Tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu định hướng những nội dung trọng tâm của Hội nghị.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu định hướng những nội dung trọng tâm của Hội nghị.

Sáng 31/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024 nhằm đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.

Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

TĂNG TRƯỞNG VỀ SỐ ĐẦU SÁCH, BẢN SÁCH TRONG BỐI CẢNH KHÓ KHĂN CHUNG

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung xuất bản phẩm; bảo đảm việc chỉ đạo, định hướng thống nhất, kịp thời và thuyết phục.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản). Trong đó, Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn và tăng hơn 29% về bản); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản).

Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản trong 6 tháng đầu năm về cơ bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo đánh giá hoạt động xuất bản và nội dung xuất bản phẩm 6 tháng đầu năm 2024.

Về nội dung xuất bản phẩm và hoạt động xuất bản bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản; hoạt động xuất bản đạt nhiều kết quả nổi bật: 1) Xuất bản nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 2) Xuất bản các ấn phẩm đa dạng về đề tài, chuyên sâu về nội dung, phát huy vai trò định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho bạn đọc; 3) Tăng cường khai thác bản quyền, xuất bản các đầu sách dịch; đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại Đảng, Nhà nước; 4) Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình biên tập và quản lý xuất bản phẩm theo chuẩn quốc tế; 5) Triển khai tích cực các chương trình sách quốc gia.

Việc triển khai thực hiện Quy định số 100-QĐ/TW ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Hướng dẫn 115-HD/BTGTW, ngày 15/9/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Quy định 100-QĐ/TW, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, hiệp y bổ nhiệm lãnh đạo nhà xuất bản được thực hiện đúng quy định; công tác đào tạo, quy hoạch lãnh đạo nhà xuất bản được quan tâm, chú trọng và đi vào nền nếp; công tác tổng kết thi hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật về xuất bản được quan tâm.

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành kế hoạch tổng thể, kèm đề cương chi tiết; kế hoạch khảo sát tiến hành đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền những chủ trương, quan điểm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2024.

TIẾP TỤC XUẤT BẢN VÀ GIỚI THIỆU MỘT SỐ CUỐN SÁCH QUAN TRỌNG CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2024, dù phải đối mặt với những tác động không mong muốn của xuất bản thế giới và những hạn chế nội tại của ngành, tuy nhiên với ý chí, quyết tâm cao, cách làm chủ động, sáng tạo, công tác xuất bản phẩm đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Thứ nhất, nhiều ấn phẩm có chủ đề chuyên sâu, có giá trị lý luận và thực tiễn như các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng, chấn hưng phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam được quan tâm, chú trọng, tạo được sức lan tỏa tích cực; vấn đề gìn giữ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ thông qua nhiều ấn phẩm được xuất bản ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả cao.

Tiếp tục xuất bản và giới thiệu một số cuốn sách quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh. Ngành xuất bản vinh dự, tự hào với những đóng góp quan trọng, tổ chức xuất bản giới thiệu hơn 30 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hệ thống hóa tư tưởng, lý luận quý quá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ hai, xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị, tuyên truyền sâu sắc, nổi bật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; các sự kiện, hoạt động quan trọng của đất nước, thực hiện xuất bản được nhiều đầu sách, bộ sách lớn có giá trị nội dung, đồ sộ về số lượng, dữ liệu lịch sử, đẹp về hình thức, thực sự ý nghĩa, điển hình như: Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024); Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử với 85 đầu sách được xuất bản, góp phần tái hiện lại trang sử hào hùng, chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Đảng, Nhà nước và Nhân Dân ta... được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Vũ Thùy Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) báo cáo đánh giá một số hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thứ ba, bên cạnh các ấn phẩm, đề tài được xuất bản phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị thì các dòng sách phục vụ thị trường, độc giả nhiều lứa tuổi, thành phần được các nhà xuất bản đặc biệt quan tâm, đầu tư khai thác tốt, có tính phổ thông, gần gũi, cung cấp nhiều giá trị tri thức, giúp độc giả nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức...; góp phần thúc đẩy sự phát triển nói chung của nền kinh tế - xã hội, được xuất bản với số lượng lớn báo hiệu sự chuyển biến tích cực về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và quần chúng nhân dân,

Thứ tư, việc các nhà xuất bản chú trọng xuất bản các đầu sách dịch; đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại; tăng cường công tác truyền thông, phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số của nhà xuất bản cho thấy nhận thức chính trị của nhà xuất bản và nhu cầu quảng bá, giao lưu, ký kết, trao đổi bản quyền là nhu cấp cấp thiết.

Thời gian qua, công tác quảng bá, giới thiệu những nội dung cuốn sách hay, hấp dẫn, có giá trị trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng số, mạng xã hội góp phần quảng bá, phát hành sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được toàn ngành quan tâm, đầu tư, chú trọng, coi đó giải pháp quan trọng trong việc đưa sách ra thị trường cho thấy hoạt động xuất bản đang ngày càng chuyên nghiệp.

Thứ năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản tiếp tục được tăng cường và đổi mới thực chất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản phát triển. Đặc biệt, đang tập trung tiến hành tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024; xây dựng Kế hoạch tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 với nhiều kế hoạch, hoạt động phong phú từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản vẫn còn một số hạn chế: tình trạng những xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản. Tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn còn diễn ra, thậm chí có nơi để tình trạng này kéo dài đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải có văn bản nhắc nhở. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, so với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách còn rất nhỏ bé, khiêm tốn; thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài...

Đồng chí Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội phát biểu.

Tại Hội nghị, lãnh đạo một số nhà xuất bản đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và phương hướng để đưa công tác xuất bản ngày càng phát triển hơn trong thời gian tới. 

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN BÁ VĂN HÓA VIỆT NAM RA THẾ GIỚI

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành xuất đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá”; thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành xuất bản phải luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản quan tâm để triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đối với hoạt động xuất bản.

Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu, xây dựng được nền xuất bản hiện đại, độc lập, tự chủ, đáp ứng nhu cầu thị trường và việc thụ hưởng văn hóa, tri thức của Nhân Dân. Tuy nhiên, sau 20 năm triển khai, một số nội dung của Chỉ thị đã bộc lộ những hạn chế, không phù hợp tình hình thực tiễn. Do đó, trong năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

"Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm, đề nghị các cơ quan và toàn ngành phối hợp chặt chẽ, tổ chức đánh giá, tổng kết theo Kế hoạch đã ban hành của Ban Tuyên giáo Trung ương, có báo cáo đày đủ về Ban để tổng hợp, tham mưu, đề xuất, chuẩn bị cho tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW", đồng chí Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị.

Hai là, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ tuyên truyền Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, trước mắt là Đại hội đảng bộ cấp cơ sở; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo, tiền bối tiêu biểu, sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương và các ngành, nhất là kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 70 năm Giải phóng Thủ đô; 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Trước mắt, chuẩn bị chu đáo việc xuất bản 2 bộ sách (khoảng 8 - 10 đầu sách) lớn, tuyên truyền phục vụ Đại hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng; 100 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ba là, sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành xu hướng của truyền thông và xuất bản. Trí tuệ nhân tạo với các nền tảng mới sẽ tham gia sẽ tham gia nhiều và hiệu quả các khâu trong công tác xuất bản; ứng dụng thương mại điện tử và phát hành sách trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội đang là xu hướng chính trong kinh doanh xuất bản phẩm. Do đó, các nhà xuất bản cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; tăng cường cơ chế đặt hàng, bảo đảm điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản.

Các nhà xuất bản chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên, người lao động; chủ động hợp tác đào tạo cán bộ chuyển đổi số về các công nghệ số áp dụng trong xuất bản, đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bốn là, tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nhất là việc tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII theo hướng nâng tầm vị thế, uy tín của Giải theo chức năng, nhiệm vụ.

Các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tăng cường hỗ trợ để các nhà xuất bản triển khai Chương trình sách Quốc gia, Chương trình sách mục tiêu và các Chương trình phát triển văn hóa đọc cộng đồng theo phương thức xã hội hóa.

Tích cực và chủ động hợp tác và liên kết nhằm xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà xuất bản, tác giả, trường học, thư viện và các tổ chức văn hóa khác để chia sẻ tài nguyên, kiến thức và kỹ năng. Tạo ra các liên kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất bản và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Năm là, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, quản lý hoạt động xuất bản, nhất là trong triển khai thực hiện Quy định 100-QĐ/TW, Hướng dẫn 115 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; quản lý nội dung xuất bản phẩm, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành; Xây dựng, triển khai chiến lược phát triển nhà xuất bản, chiến lược chuyển đổi số xuất bản; hoàn thiện đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; phối hợp tổ chức thật tốt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII./.

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất