Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 31/7/2012 18:26'(GMT+7)

Tập trung nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ

GS Nguyễn Quang Thạch (Viện Nghiên cứu sinh học nông nghiệp, Hà Nội) hướng dẫn các cán bộ trẻ về  mẫu giống ươm tại phòng thí nghiệm.  ( Ảnh: THANH GIANG )

GS Nguyễn Quang Thạch (Viện Nghiên cứu sinh học nông nghiệp, Hà Nội) hướng dẫn các cán bộ trẻ về mẫu giống ươm tại phòng thí nghiệm. ( Ảnh: THANH GIANG )

Năm 1996, Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về định hướng phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) ra đời và được xem là một chiến lược dài hơi về KH và CN. Từ đó đến nay, rất nhiều nội dung đã được triển khai và đã có những kết quả nhất định: ban hành Luật Khoa học và Công nghệ; đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển KH và CN đã bảo đảm được mục tiêu đặt ra theo Luật KH và CN là đạt 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,5-0,6% GDP); hình thành nhiều tổ chức KH và CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hoạt động ngày càng hiệu quả; hình thành loại hình tổ chức KH và CN mới là doanh nghiệp KH và CN.

Việc đổi mới, nâng cao tiềm lực KH và CN thời gian qua đã đóng góp phần lớn vào gia tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Ðây cũng là minh chứng cho việc chúng ta đã thực hiện có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII): CNH, HÐH đất nước phải bằng và dựa vào KH và CN.

Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn phục vụ quá trình đổi mới như nghiên cứu về Ðảng, hệ thống chính trị đã tập trung vào việc đổi mới công tác tư tưởng và lý luận trong giai đoạn mới để từ đó định hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ðồng thời, có đóng góp mới trong nhận thức về thời đại, tình hình thế giới và chính sách đối ngoại.

Trong khoa học ứng dụng, hàng nghìn các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bảy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc. Ðiển hình như trong cơ khí chế tạo máy, các nhà khoa học nước ta đã làm chủ được các công nghệ CAD, CAM, CNC trong thiết kế chế tạo các loại máy công cụ như máy phay CNC, máy tiện,... đa chức năng, tiêu thụ trong nước và bước đầu xuất khẩu; ngành đóng tàu sau 15 năm đã rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với thế giới từ 70 đến 80 năm xuống còn 20 - 30 năm, hiện được đánh giá xếp thứ năm thế giới về năng lực đóng mới; thiết kế và làm chủ công nghệ chế tạo cơ khí thủy công áp dụng trong ngành thủy lợi, công nghiệp, an ninh - quốc phòng đem lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng; thiết kế, chế tạo máy và trạm biến áp điện từ 220 kV trở lên, đạt tiêu chuẩn châu Âu;...

Trong nông nghiệp, KH và CN đóng vai trò lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà-phê, hạt tiêu, điều, cao-su. Ðến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận... Nhờ đó, hơn 80% diện tích lúa đã được trồng bằng các giống mới. Năng suất lúa bình quân năm 2007 đạt 49,5 tạ/ha, gấp 2,4 lần năm 1980 và năm 2010 đạt hơn 52,3 tạ/ha, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.

Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII ra đời cách đây đã 16 năm. Mặc dù chúng ta đã thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung được đưa ra trong Nghị quyết nhưng kết quả thực hiện một số nội dung vẫn còn khiêm tốn.  Thị trường công nghệ chưa phát triển được. Vốn đầu tư cho KH và CN đã dần được tăng lên nhưng vẫn thấp so yêu cầu và việc sử dụng trong thực tế còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Chi đầu tư phát triển KH và CN ở địa phương thấp hơn mức chi tối thiểu theo quy định hoặc được sử dụng chưa đúng mục đích. Từ thực tế nói trên, các chuyên gia lĩnh vực KH và CN nhận định rằng, những chủ trương của Nghị quyết vẫn đúng, nhưng cần phải có quan điểm, cách tiếp cận mới phù hợp hoàn cảnh hiện tại.

Theo Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Văn Tùng, Tổ phó Tổ biên tập Ðề án "Phát triển KH và CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", việc xây dựng nghị quyết mới về KH và CN chính là triển khai những nội dung và cụ thể hóa các chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước trong các nghị quyết, trong đó chỉ rõ phát triển KH và CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, quan điểm phát triển KH và CN được đưa ra trong dự thảo đề án là ưu tiên và tập trung nguồn lực để KH và CN là động lực then chốt của quá trình CNH, HÐH; tập trung, nâng dần đầu tư của Nhà nước cho KH và CN song song với huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực và xây dựng tiềm lực KH và CN mạnh; phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KH và CN; doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ; đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH và CN; đổi mới  cơ chế quản lý kinh tế theo hướng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ðề án tập trung giải quyết những khâu yếu và ách tắc đang cản trở sự phát triển và đóng góp của KH và CN trong quá trình CNH, HÐH đất nước. Một trong những mục tiêu quan trọng Ðề án đưa ra là khắc phục được về cơ bản những rào cản chính về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển KH và CN hiện nay, đặc biệt là cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính cho KH và CN; tạo đột phá về cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân lực KH và CN, đặc biệt là nhân tài KH và CN cả trong và ngoài nước.

Ðề án cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp lớn như tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng với sự phát triển KH và CN; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH và CN; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường tiềm lực KH và CN; phát triển thị trường KH và CN; chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế về KH và CN; phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Việc xây dựng nghị quyết mới về KH và CN là cơ sở để thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các ngành, lĩnh vực kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Nguyên Hạnh- Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất