Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 3/5/2014 21:3'(GMT+7)

Tập trung nhân lực, vật lực giám sát xử lý dịch sởi

* Đó là khẳng định của ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hải Phòng trong buổi làm việc với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến làm Trưởng đoàn, thị sát đột xuất công tác phòng chống dịch sởi tại Hải Phòng trong ngày 3/5. Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, tính đến ngày 2/5, địa phương đã ghi nhận 366 trường hợp nghi mắc sởi/rubella tại 15/15 quận, huyện. Đã gửi 90 mẫu trong đó có 22 mẫu dương tính với virut sởi, 5 mẫu nghi ngờ và 21 mẫu âm tính. Đặc biệt lưu ý chùm ca bệnh tại trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, quận Lê Chân.

Ngày 16/4, Trung tâm y tế quận Lê Chân nhận được thông báo về 11 học sinh lớp 9a4 nghỉ học do sốt phát ban. Trung tâm y tế quận đã tiến hành điều tra và lấy mẫu 8 trường hợp. Kết quả điều tra cho thấy, ca bệnh đầu tiên khởi phát ngày 11/4, sau đó từ 13-15/4 có thêm 10 ca mắc mới. Hiện tại các ca bệnh đã ổn định và đi học bình thường, không xuất hiện thêm ca bệnh mới.

Tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Khánh cho biết, mặc dù không công bố dịch, song thành phố vẫn phòng, chống sởi như chế độ có dịch. Tình hình dịch tại địa phương dù có xu hướng chững lại, nhưng vẫn có thể có diễn biến phức tạp do trong dịp nghỉ lễ dài ngày, số người di trú lớn làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện toàn hệ thống y tế của thành phố đang hoạt động theo chế độ có dịch. Các trung tâm y tế quận huyện tăng cường công tác giám sát ca bệnh tại các bệnh viện cùng cấp và cộng đồng. Phát hiện kịp thời các ca bệnh để tiến hành cách ly, điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm. Luôn có các cán bộ giám sát tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp, Bệnh viện đa khoa Kiến An, Bệnh viện Nhi…

Tại buổi thị sát, làm việc, ông Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng chống sởi của thành phố Hải Phòng, đặc biệt tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi của địa phương đạt cao hơn bình quân chung cả nước hơn 10%, đạt 98%. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, thường trực công tác phòng, chống dịch dù dịch đang có dấu hiệu chững lại. Ngành tiếp tục phối hợp với Trung ương cung ứng đủ lượng vắc xin cùng các trang thiết bị cần thiết; tiếp tục báo cáo kịp thời diễn biến dịch bệnh để cùng Bộ có phương án xử lý kịp thời như thời gian qua. Ông Tiến cho biết thêm, sẽ cùng Bộ giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ xem xét, nghiên cứ lại độ tuổi tiêm vắc xin phòng chống sởi để tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ em.

* Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 2/5, toàn tỉnh ghi nhận 402 ca sốt phát ban nghi mắc sởi, trong đó có hơn 360 ca được chẩn đoán mắc bệnh sởi (tăng thêm gần 60 ca so với thời điểm cuối tháng trước), 38 ca được xét nghiệm có kết quả dương tính với virus sởi. Trong số này có 22 trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc sởi; 28 trường hợp đã tiêm mũi 1 vẫn bị sởi; còn lại là chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trẻ nhỏ nhất bị mắc sởi là 1 tháng tuổi, người mắc bệnh sởi lớn nhất là 40 tuổi.


Bác sỹ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, vấn đề đang quan tâm nhất của ngành y tế hiện nay là tỷ lệ tiêm vaccine miễn phí cho trẻ từ 9-24 tháng tuổi chỉ đạt 47,5%. Như vậy, tỷ lệ đối tượng ngoài chương trình tiêm chủng miễn phí chiếm tới 52,5% sẽ tạo ra nguy cơ nhiễm bệnh cao. Trước đó, qua thống kê, khảo sát từ các trung tâm y tế cho thấy, có khoảng 37 ngàn trẻ trong độ tuổi từ 9-24 tháng tuổi chưa được tiêm phòng bệnh sởi và đến nay đã có khoảng 35 ngàn trẻ đã được tiêm mũi 1 và tiêm nhắc mũi 2. Hiện Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, Thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tiếp tục vận động người dân đưa con đến các trạm y tế để tiêm phòng ngay cả trong những ngày nghỉ lễ.

Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, hiện tình trạng bệnh tay chân miệng trên bàn tỉnh cũng đang tăng cao. Đến hết tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.348 ca bệnh tay chân miệng (giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái ). Tuy nhiên, số ca mắc từ giữa tháng 4 đến nay tăng nhanh, với trên 100 ca/tuần. Riêng các tuần thứ 15, 16 lên đến hơn 130 ca. Dịp nghỉ lễ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã tiếp nhận khoảng 30-40 trường hợp điều trị nội trú/ngày. Số ca mắc bệnh tập trung nhiều tại TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Long Thành. Hiện bệnh tay chân miệng đang đi vào đỉnh dịch đợt I vào tháng 5, tháng 6 và đỉnh dịch đợt II sẽ vào tháng 11, tháng 12.

Theo khuyến cáo của Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, khi bắt đầu vào mùa mưa, sẽ là cao điểm của các bệnh: sởi, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Do vậy, người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân, nhất là rửa tay thường xuyên với xà phòng; hạn chế đến nơi đông người. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế để tiếp nhận, cấp cứu và phân tuyến điều trị những bệnh nhân sởi tại bệnh viện nhằm hạn chế tối đa tình trạng chuyển tuyến, tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp khác./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất