Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rà soát lại các khâu, thủ tục
vay vốn, thiết kế, đánh bắt, cải hoán phương tiện, tập trung nhanh và
hiệu quả chương trình đánh bắt cá xa bờ, đáp ứng mong đợi của ngư dân và
đồng bào cả nước.
Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chiều
24/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã
đến thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietubes (Khu công nghiệp Đông
Xuyên), thăm hỏi ngư dân đánh bắt xa bờ ở Cảng Cát Lỡ (Thành phố Vũng
Tàu), khảo sát thực địa tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 3.
Thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietubes - doanh nghiệp liên doanh giữa
Việt Nam với Nhật Bản và Na Uy, chuyên gia công các loại đường ống dẫn
cho ngành dầu khí, dây chuyền sản xuất ống dẫn cho ngành dầu khí, Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp trao đổi với cán bộ, công nhân
nhà máy về tình hình hoạt động của đơn vị.
Chủ tịch nước căn dặn, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông
nghiệp sang công nghiệp cần có sự chuẩn bị. Nhưng sau 30 năm đổi mới,
công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công. Thực tế đòi hỏi các bộ,
ngành, địa phương cần tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các ngành
công nghiệp dịch vụ, phụ trợ theo hướng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
toàn cầu, có sự phân công lao động ở từng công đoạn.
Các doanh nghiệp nội cần dựa vào điều kiện đặc thù, chuyên biệt để phát
triển. Vietubes là doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế, có sản phẩm
nhận được chứng chỉ chất lượng của các tổ chức quốc tế. Bởi vậy trong
bối cảnh doanh nghiệp cả nước tham gia nền sản xuất hội nhập sâu,
Vietubes cần cố gắng vươn lên, đi tiên phong để hỗ trợ các đơn vị nhỏ.
Thăm ngư dân đánh bắt xa bờ tại Cảng Cát Lỡ, Chủ tịch nước đặt nhiều câu
hỏi với đại diện chính quyền tỉnh, thành phố về tiến độ triển khai Nghị
định 67, những thuận lợi và trở ngại ngư dân phải đối mặt khi ra khơi
đánh cá, triển vọng về xuất khẩu của ngư nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch nước đánh giá cao thế mạnh kinh tế hải sản của thành phố Vũng
Tàu với lợi thế 3 mặt giáp biển; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động,
xây dựng được đội tàu, thuyền đánh bắt xa bờ; đưa sản lượng đánh bắt hải
sản năm 2014 đạt 181.000 tấn, giá trị sản xuất: 4.800 tỷ đồng.
Ghi nhận kiến nghị của các ngư dân, Chủ tịch nước nhấn mạnh Chiến lược
biển Việt Nam đến năm 2020 đã định hướng đưa Việt Nam thành quốc gia
mạnh về biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong
phú. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rà soát lại các khâu,
thủ tục vay vốn, thiết kế, đánh bắt, cải hoán phương tiện, tập trung
nhanh và hiệu quả chương trình đánh bắt cá xa bờ, đáp ứng mong đợi của
ngư dân và đồng bào cả nước.
Chủ tịch nước cho rằng hiện nay Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành được đội
tàu hàng ngàn chiếc, với cơ cấu phân chia rõ chức năng đánh bắt và dịch
vụ, do vậy cần tiếp tục phát triển theo hướng chuyên sâu, phát huy tính
năng hỗ trợ nhau trên biển.
Chủ tịch nước căn dặn, bà con cần tích cực đánh bắt cá tại vùng biển
thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời hiểu rõ ngư trường quốc tế và pháp
luật nước sở tại, hạn chế tình trạng bị nước ngoài bắt giữ xử phạt.
Thăm công trường xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, Chủ tịch
nước hoan nghênh nhà đầu tư Nhật Bản đã tích cực triển khai dự án với
nhiều phương tiện, nhà xưởng được tập kết nhanh; tiến độ giải phóng mặt
bằng khẩn trương, đã hình thành được bộ máy nhân sự điều hành dự án với
sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài và lao động Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị các nhà đầu tư tập trung lựa chọn ngành nghề đặc
thù phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam như cơ khí nông nghiệp, giao
thông...
Nhắc đến những mô hình kinh tế ưu việt của Nhật Bản về khu công nghiệp,
khu chế xuất, Chủ tịch nước cho rằng, nếu làm tốt, sản phẩm của khu công
nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ sẽ nhanh chóng được thị trường chấp nhận.
Đi liền với ngành công nghiệp chuyên sâu, các nhà đầu tư cần chú trọng
thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp phụ trợ; cụ thể hóa các cam
kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Khu Công nghiệp Phú Mỹ 3 được xây dựng từ chủ trương hợp tác của hai
Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, theo hướng chuyên sâu về cơ khí chế tạo
và điện tử, có quy hoạch 1.050ha.
Đến nay, Khu công nghiệp đạt giá trị thực hiện gần 490 tỷ đồng gồm các
hạng mục giải phóng mặt bằng, hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc,
giao thông nội bộ.
Nhân chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước đến Khu Công nghiệp Phú
Mỹ 3, các nhà đầu tư Nhật Bản kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng nội
dung thúc đẩy hợp tác cấp cao với Nhật Bản để thu hút các dự án công
nghiệp lớn có tính lan tỏa, tạo bước đột phá trong đầu tư, đồng thời
hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất.../.
(TTXVN)