Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 2/4/2013 22:23'(GMT+7)

Tập trung tín dụng đầu tư cho Tây Bắc phát triển

Thu hoạch chè búp tươi tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN).

Thu hoạch chè búp tươi tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN).

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc tại Tuyên Quang, ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức tọa đàm “Các giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc”.

Khó như tín dụng vào... Tây Bắc

Vùng Tây Bắc có tới 12 tỉnh nhưng đến hết 31/12/2012, tổng huy động trên địa bàn Tây Bắc chỉ trên 76 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ trên 100 nghìn tỷ đồng, quy mô quá thấp so với một tỉnh ở đồng bằng. Bởi vậy, mở rộng tín dụng cho Tây Bắc cũng là chủ đề nóng hổi trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Bắc diễn ra vào 3/4/2013.

Tính đến hết tháng 2/2013, trung bình mỗi tỉnh chỉ huy động được trên 6.300 tỷ đồng và cho vay trên 9 nghìn tỷ đồng. Không cần phải so sánh với những địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, con số huy động và cho vay của 12 tỉnh Tây Bắc gộp lại so với một số địa phương khác rất thấp. Ví dụ, tính đến hết tháng 2/2013, số dư huy động và cho vay lần lượt đối với Đồng Nai trên 80 nghìn tỷ đồng - 67,6 nghìn tỷ đồng; Bình Dương: 75.835 tỷ đồng – 53.686 tỷ đồng.

Một điểm khác đáng lưu ý là hoạt động tín dụng Tây Bắc chủ yếu do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank,
BIDV, Vietinbank, Vietcombank cùng với nguồn vốn tín dụng vi mô chính sách từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội cho vay.

Tuy nhiên, tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang phàn nàn: “Thời gian cho vay của ngân hàng thì kéo dài, trong khi không cho doanh nghiệp thế chấp máy móc, hàng tồn kho để vay vốn thì làm sao sản xuất được?”

Cũng theo ông Thập, một trong những nguồn cung cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là hệ thống ngân hàng thương mại nhưng hiện nay dư nợ của khối doanh nghiệp này còn rất khiêm tốn mà hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp, tổng công ty lớn hay những khoản vay có quy mô nhỏ hẳn như cho vay nông dân, hộ sản xuất. "Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nguồn vốn huy động của ngân hàng luôn dư thừa trong khi vốn để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại luôn thiếu," ông Thập nói.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, với thực trạng lãi suất cao trong thời gian qua, các doanh nghiệp vùng Tây Bắc đã luôn gặp khó khăn lớn với việc thanh toán tiền lãi từ các khoản vốn đi vay.

Theo vị lãnh đạo này, việc đánh giá khả năng trả lãi của doanh nghiệp được thể hiện qua chỉ số khả năng thanh toán lãi vay. Đáng chú ý là chỉ số này ở hai tỉnh Lào Cai và Điện Biên cao hơn mặt bằng chung của cả nước, dù đã giảm mạnh trong năm 2011. Bốn tỉnh còn lại đều có khả năng trả lãi vay thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, nhất là Hòa Bình, nơi mà các doanh nghiệp luôn chỉ kiếm được thu nhập gấp khoảng 2,5 lần các khoản lãi suất vay vốn.

“Để thanh toán lãi suất các khoản vay đã là một vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp, chứ chưa nói đến việc thanh toán các khoản vốn gốc. Điều này cho thấy lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao trong thời gian qua đã trở thành gánh nặng tài chính rất lớn đối với các doanh nghiệp,” lãnh đạo VCCI phàn nàn.

Hợp lực nguồn vốn từ 3 "ông"

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại nhận định, do khu vực Tây Bắc có địa hình phức tạp núi cao nhiều, là khu vực sinh lời thấp, chi phí cao, nhiều rủi ro khách quan (thiên tai, dịch bệnh, khả năng trả nợ của khách hàng thấp)… Đặc biệt, do chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên luồng vốn đầu tư thương mại, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng thường không đổ vào nhiều.

Song, đại diện các ngân hàng đều cho hay, thời gian tới họ sẽ tiếp tục mạnh dạn mở rộng sự hiện diện tại vùng Tây Bắc.

Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, ngân hàng này đã được cấp phép mở chi nhánh tại 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Ông Khang cho rằng dù là miền núi hay đồng bằng đều có khó khăn cũng như cơ hội cho các ngân hàng. Và Sacombank kỳ vọng đem lợi thế ngân hàng bán lẻ với tính chuyên nghiệp cao trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn về vùng Tây Bắc.

Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Võ Trí Thành-Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, để mở rộng tín dụng vùng Tây Bắc, cần phải kết hợp tín dụng từ 3 “ông”: Tín dụng thương mại, tín dụng chính sách (Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội) và tài chính vi mô từ các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

"Ba 'ông' này phải kết hợp với nhau và tập trung tín dụng vào những loại hình doanh nghiệp có tính lan tỏa đến doanh nghiệp vệ tinh, tạo việc làm, giảm hộ nghèo," ông Thành nhấn mạnh.

Còn ông Thập-đại diện các doanh nghiệp trong khu vực, cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặt khác cần có những giải pháp về phía các tổ chức tín dụng.

"Các ngân hàng thương mại cổ phần cần phải mở rộng mạng lưới, địa bàn hoạt động ở vùng Tây Bắc như là một phần nghĩa vụ với kinh tế đất nước, thay vì chỉ chọn các thành phố lớn để hoạt động," ông Thập nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, ngành ngân hàng cần có chính sách phù hợp để giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý, giảm chi phí cho vay cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu cần thiết, các tổ chức tín dụng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc cử cán bộ tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình lập hồ sơ vay vốn...

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tín dụng phải gắn liền với sản phẩm mang tính chuỗi giá trị. Ví dụ, nông dân trồng rừng thì phải liên kết với người mua gỗ, chế biến gỗ, người bán máy móc sản xuất gỗ… và ngân hàng thương mại giữ vị trí trung tâm kết nối các mắt xích này với nhau. Làm như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ giảm thiểu được sự ràng buộc cho vay gắn với tài sản bảo đảm, để từ đó mạnh dạn cho vay theo dòng tiền.

“Để có thể triển khai mô hình này ở Tây Bắc, nhà nước nên thành lập một trung tâm quy tụ một số ngân hàng thương mại, kết nối hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành du lịch và sản xuất nông lâm,” ông Hòe nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, không chỉ tạo ra chuỗi liên kết trong vùng Tây Bắc mà nên mở rộng sang các địa bàn khác như Hà Nội, các vùng lân cận đồng bằng sông Hồng… Phó Thống đốc đặc biệt nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ các nguồn vốn cũng như tổng thể các chính sách tín dụng, đầu tư… để việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn khu vực thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất