Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội
nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu là Bí thư các tỉnh, thành phố khu vực miền
Trung - Tây Nguyên đã tập trung thảo luận, chỉ ra những bất cập trong
công tác cán bộ; đồng thời nêu lên những giải pháp nhằm triển khai tốt
hơn công tác cán bộ trong thời gian tới.
Đó là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, uy tín; cán bộ
phải nỗ lực rèn luyện, học tập để thích nghi với tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, tránh tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân. Nếu cán bộ thực
sự sát dân, nắm thực tế và linh hoạt, có thể đưa ra những quyết định
đúng, thậm chí có quyết định hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất về
người, tài sản cho nhân dân.
Một số ý kiến cũng cho rằng, trong đãi ngộ cán bộ cần có chính sách rõ ràng, ổn định để cán bộ yên tâm cống hiến.
Cán bộ và công tác cán bộ là nguồn gốc của mọi quyết sách, vì vậy việc
lựa chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ là cực kỳ quan trọng. Nếu “đặt” cán
bộ sai vị trí, không những không làm được việc mà thậm chí còn làm ẩu,
làm sai.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra một số nguy cơ khi một số cán bộ ưa xu nịnh,
nếu một số người vì nịnh mà được cân nhắc lên vị trí cao, dẫn đến tình
trạng những cán bộ bám đất, bám dân, bám cơ sở ít mối quan hệ nên không
được điều động, bổ nhiệm đúng chỗ, đúng vị trí sẽ sinh ra nản lòng, thui
chột ý chí phấn đấu, chiến đấu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ
đạo Đề án nhấn mạnh công tác cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, tuy nhiên
để tìm ra cách làm hay, hiệu quả, mang tính đột phá, phù hợp với tình
hình mới là công việc không dễ dàng.
Vì vậy, cần huy động công sức, trí tuệ của toàn hệ thống và đông đảo
nhân dân. Thẳng thắng nhìn nhận rằng hiện nay, bộ máy còn cồng kềnh,
hoạt động kém hiệu quả, mức chi thường xuyên cho đối tượng hưởng ngân
sách còn cao.
Mặc dù thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lực lượng nòng
cốt là đảng viên đã nỗ lực xây dựng đất nước có vị thế như hiện nay,
song công tác cán bộ vẫn còn ngổn ngang.
Trung ương đã chỉ rõ, một số cán bộ có biểu hiện “tự diễn biến,” “tự
chuyển hóa,” tham nhũng, chạy chức chạy quyền, hoạt động kém hiệu lực,
hiệu quả, cán bộ hoạt động chưa ngang tầm với đòi hỏi của đất nước trong
tình hình mới… dẫn đến làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Vì vậy, để xây dựng được chính sách đối với cán bộ cần đột phá về lựa
chọn, tìm kiếm nhân tài; kiểm soát quyền lực, có cơ chế thay thế nếu cán
bộ không đảm đương tốt chức trách, nhiệm vụ được giao…
Sau hội nghị này, Ban tổ chức sẽ phân tích, đánh giá, tổng hợp một cách
khách quan, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về dự thảo Đề án trước
khi trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, Khóa XII./.
Theo TTXVN