Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 13/11/2018 16:20'(GMT+7)

Tây Ninh đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

Sản xuất rau VietGAP tại HTX Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Sản xuất rau VietGAP tại HTX Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch đất trồng trọt đạt hơn 100 triệu đồng/ha; thu hút ít nhất hai nhà máy sản xuất chế biến rau quả, cây ăn quả gắn với vùng nguyên liệu…


Ðể đạt mục tiêu này, tỉnh đã đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần chuyển biến rõ nét về cơ cấu sản xuất; trong đó phát triển mạnh cây ăn trái, tạo đột phá về giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tại Tây Ninh đã hình thành 12 mô hình sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cây trồng theo hướng gắn với công nghệ cao, góp phần tăng giá trị và thu nhập cho người dân, gồm: Sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP; bưởi da xanh; chuối già xuất khẩu; rau trong nhà màng (nhà kính); hoa lan cắt cành; phát triển dứa Queen trên đất lúa, đất phù sa vùng cao; chuyển đổi đất lúa sang trồng nhãn, sầu riêng và cây ăn trái có giá trị kinh tế khác; chăn nuôi lợn sử dụng công nghệ trại lạnh, kín, tự động hóa…


Ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp các công ty triển khai 40 mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 14,8% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (tăng 31,9% so với năm 2015), sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng về chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu ngành trồng trọt chuyển biến rõ nét theo hướng sản xuất tập trung, hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến; phát huy thế mạnh của từng vùng gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường.


Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các quy hoạch ngành liên quan; xác định vùng chuyên canh thu hút các dự án nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy xây dựng một số ngành hàng theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và thí điểm đổi mới đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất