Thứ Bảy, 27/7/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 9/12/2020 0:17'(GMT+7)

Tây Ninh: Phát triển du lịch hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh, thu hút hàng triệu lượt du khách về thăm viếng mỗi năm

Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh, thu hút hàng triệu lượt du khách về thăm viếng mỗi năm

 

THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ HỢP TÁC, LIÊN KẾT VÙNG

 Để đánh giá, xác định đúng tiềm năng, lợi thế của ngành du lịch Tây Ninh, năm 2017 tỉnh đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế du lịch Tây Ninh “Tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển”, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Qua hội thảo, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 68- CTr/TU ngày 5/10/2017 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 25/1/2018 về việc phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035”; Quyết định số 1099/QĐ-TTg, ngày 5/9/2018 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 tạo cơ sở mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU, để liên kết hợp tác phát triển du lịch, Tây Ninh đã ký kết với các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu), với Hà Nội, Thanh Hóa; thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Đồng thời, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh đã ký kết với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai; ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế với tỉnh Kampong Cham, tỉnh Svay Riêng, Prey Veng,Tboung Khmum (Campuchia); ký kết thoả thuận hợp tác với Chính quyền thành phố Gimhae và ChungJu (Hàn Quốc).

Đồng thời, Tây Ninh đã liên kết để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đã thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đúng theo quy định của Chính phủ; cam kết đảm bảo những lợi ích chính đáng, dành những ưu đãi phù hợp nhất theo quy định của pháp luật và hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để giảm chi phí và thời gian trong triển khai dự án đầu tư.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư cho từng dự án và tỉnh đã mời được các nhà đầu tư chiến lược: Tập đoàn Sungroup đầu tư vào Khu Du lịch núi Bà Đen - xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh núi được Guinness World Records công nhận kỷ lục “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”, Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại - Shophouse và khách sạn 5 sao VINCOM,…Đến nay, toàn tỉnh có 5 khu du lịch, 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 608 cơ sở/6.773 phòng 1. Các khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí như: Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; Khu du lịch Long Điền Sơn; Trung tâm Thương mại - Giải trí Cà Na; Trung tâm học tập sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh…chủ yếu thu hút khách du lịch nội địa.

UBND tỉnh đã:

1) Chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua liên kết, tổ chức các lễ hội, giải thi đấu thể thao, các sự kiện văn hóa, từ đó đã tạo hiệu ứng rất tốt việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, vùng đất Tây Ninh.

 2) Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, danh mục dự án mời gọi đầu tư, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến khách du lịch trong và ngoài nước; tham gia các ngày hội, hội chợ Du lịch quốc tế, nội địa tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông và Tây Nam bộ.

3) Tổ chức Lễ hội Xuân núi Bà Tây Ninh hằng năm; Lễ kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển (1836 - 2016); Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai (26/1/1960 - 26/1/2020) và tổ chức thành công các hoạt động thể thao mang tầm quốc gia như: Giải Bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền Long An; giải bóng chuyền vô địch Quốc gia PV Gas vòng II, bảng A và Chung kết nữ, xếp hạng nam (năm 2017); tổ chức thành công “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ Đô; Lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần II (năm 2018), Hội nghị liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Nam bộ (năm 2020).

Ngoài ra, các hoạt động lễ hội của tôn giáo như: Lễ Vía Đức Chí Tôn, Hội Yến Diêu Trì Cung (Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh), Lễ hội Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu  cũng góp phần thu hút đông đảo du khách gần xa khắp mọi miền đất nước, khách quốc tế đến với Tây Ninh.

4) Liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và các trường cao đẳng, đại học khác tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyển dụng nguồn lao động đã được đào tạo chuyên ngành cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ buồng, lễ tân, nhà hàng, môi trường ứng xử văn minh du lịch, chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, xúc tiến marketing du lịch, du lịch cộng đồng,… Các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch liên kết tour tuyến và các dịch vụ du lịch trên toàn quốc và quốc tế.

Trong giai đoạn 2015-2019, Tây Ninh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu du lịch là 32,59%; riêng năm 2019 đã đón được 3.319.381 lượt khách (tăng bình quân 19,63%), doanh thu 2.645 tỷ đồng; GRDP chiếm tỉ trọng 4,48% GRDP của tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch chịu thiệt hại nặng, doanh thu và khách du lịch giảm mạnh, ước đạt 1.973.736 lượt, giảm 22% so cùng kỳ, đạt 64% so kế hoạch; doanh thu ước đạt 620 tỷ đồng, giảm 29% so cùng kỳ, đạt 48% so kế hoạch.

GIẢI PHÁP ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết vùng trong phát triển du lịch của Tây Ninh còn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa đa dạng phong phú, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí. Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch thụ động trong việc tìm kiếm đối tác liên kết, nhất là doanh nghiệp lữ hành, nên chưa tạo ra các chương trình liên kết du lịch mới, hấp dẫn.

Trong khi đó, hiệp hội Du lịch chưa thực hiện hết vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề doanh nghiệp còn vướng mắc, nhất là gặp khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xúc tiến du lịch; trong liên kết, hợp tác phát triển thế mạnh du lịch của tỉnh và vùng cũng còn lúng túng về phương thức, cách làm; chưa liên kết hết các vùng miền trong cả nước như: vùng Tây Nam bộ, vùng Tây nguyên, Trung bộ, vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc.

Trong thời gian tới, ngành du lịch của tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp để tạo động lực phát triển  đột phá như sau:

Một là, mở rộng liên kết phát triển du lịch với các vùng du lịch Tây Nam bộ, Trung bộ, vùng Tây Bắc và Đông Bắc trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hàng năm, xây dựng chương trình cụ thể tổ chức thực hiện theo bản thỏa thuận liên kết hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Thành phố Hà Nội và các vùng, miền, tỉnh, thành trong cả nước.

Hai là, liên kết hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh thu hút nguồn nhân lực chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nhóm nghề phục vụ cho phát triển du lịch và dịch vụ du lịch cho lao động nông thôn. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở đào tạo, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp, khoá đào tạo nghề dịch vụ, du lịch chất lượng cao.

Ba là, xây dựng các chương trình liên kết, tập trung vào 5 nội dung chính:

1) Thường xuyên trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tình hình hoạt động du lịch theo từng năm, sản phẩm du lịch, thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch. Tổ chức các chương trình tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành, vùng miền.

2) Lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết, thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của địa phương. Định hướng cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác, tạo điều kiện gắn kết hệ thống kinh doanh doanh lữ hành, lưu trú, ăn uống, mua sắm, vận chuyển khách du lịch, phát triển và tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề.

3) Kết nối các Hiệp hội Du lịch tỉnh, thành phố và các vùng miền nhằm nâng cao chất lượng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để tạo thành sản phẩm du lịch chung vùng, miền cùng quảng bá, tiếp thị và chào bán cho du khách. Đồng thời, tổ chức các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến điểm du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành, vùng trong liên kết.

4) Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực du lịch. Liên kết thường xuyên thông tin về chương trình, khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên để các tỉnh thành viên cử cán bộ hoặc giới thiệu doanh nghiệp tham gia.

5) Chủ động lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Liên kết, hỗ trợ kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tới lĩnh vực du lịch cho các tỉnh thành trong liên kết. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong liên kết đến đầu tư phát triển du lịch tại địa phương, tạo các diễn đàn kết nối hoạt động doanh nghiệp trong khu vực phát triển ý tưởng đầu tư khai thác sản phẩm du lịch.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá của cơ quan báo chí tỉnh và các tỉnh, thành phố, vùng trong Chương trình liên kết chia sẻ thông tin, bài viết, phóng sự giới thiệu tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến du lịch của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương. Tăng cường hợp tác giữa các Trung tâm Xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phố trong Chương trình liên kết trong việc phối hợp các Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách.

Phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến tới các thị trường mục tiêu thị trường nội địa và quốc tế; các địa phương cùng liên kết hợp tác và quảng bá tại sự kiện trong nước và quốc tế. Triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chiến lược quảng bá marketing điện tử song phương, đa phương các địa phương trong vùng.

Trao đổi, cung cấp thông tin về hạ tầng du lịch, giao thông và các dịch vụ tại các tỉnh, thành phố trong liên kết. Trên cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, liên kết cùng nhau thúc đẩy, phát huy lợi thế để phát triển liên kết vùng đặc biệt là khai thác đường hàng không, khai thác du lịch đường sông, đường bộ. Kêu gọi thu hút các dự án lớn đầu tư phát triển du lịch liên vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh thành trong liên kết

Tháng 6/2020, Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nhằm tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch; tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19; tạo ra các tour kích cầu du lịch trong vùng.

Minh Thu

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất