Năm 2019, Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và thông tin đối ngoại tỉnh Tây Ninh (Ban Chỉ đạo 35-16 tỉnh) đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động tuyên truyền biển, đảo, thông tin đối ngoại, phân giới cắm mốc trên địa bàn tỉnh. Hằng tháng, đã ban hành công văn chỉ đạo, định hướng các nội dung trọng tâm báo chí và hệ thống tuyên giáo trên địa bàn tỉnh cần tập trung tuyên truyền, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trong các hội nghị báo cáo viên, họp giao ban an ninh tư tưởng hằng tháng, giao ban báo chí hằng quý do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức. Cùng với đó, các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cảu tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền biển đảo, thông tin đối ngoại, phân giới cắm mốc phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị, góp phần vào kết quả chung.
ĐẨY MẠNH THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI VÀ TUYÊN TRUYỀN BIỂN, ĐẢO
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và thông tin đối ngoại của tỉnh đã ban hành Chương trình công tác số 01-CTr/BCĐ, ngày 20/3/2019, Kế hoạch số 04-KH/BCĐ, ngày 20/3/2019 về tổ chức các hoạt động thông tin đối ngoại và đấu tranh phản các luận điệu sai trái, thù địch năm 2019. Từ đó, các cơ quan, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cụ thể hoá thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền gắn với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của đơn vị. Ban Chỉ đạo 35-16 tỉnh đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng công tác truyền thông và sử dụng mạng xã hội cho 350 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác truyên truyền từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và thông tin đối ngoại .
Các hoạt động tuyên truyền thông tin đối ngoại được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp; các phương tiện thông tin đại chúng; các đoàn ra, đoàn vào Tây Ninh; hoạt động giao lưu với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia; các hoạt động quảng bá hình ảnh văn hóa, ẩm thực, du lịch, danh lam thắng cảnh quê hương và con người Tây Ninh; tuyên truyền qua mạng xã hội…, tạo sự lan toả trong xã hội, góp phần tích cực trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế, văn hoá, lịch sử, truyền thống, hình ảnh tươi đẹp, yên bình của đất nước Việt Nam và quê hương Tây Ninh, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu, đầu tư vào Tây Ninh.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu Kế hoạch số 76-KH/TU, ngày 7/6/2018 và Chương trình phối hợp số 114-CTr/TU-ĐUQCHQ, ngày 22/6/2018 về phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Tỉnh uỷ Tây Ninh với Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, địa phương đơn vị đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền biển, đảo theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:
1) Tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30/5/2007 của Chính phủ và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2)Tuyên truyền về tình hình biển, đảo và kết quả đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt là trong thời gian Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, định hướng, giữ vững ổn định tư tưởng trên địa bàn tỉnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong xử lý các vấn đề trên biển.
|
Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, phù hợp với tình hình của địa phương, như: đăng tải thông tin, tài liệu tuyên truyền về biển, đảo và tình hình Biển Đông trên website của cơ quan, đơn vị và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trên các hệ thống quang báo, màn hình LED; qua hệ thống đài, trạm truyền thanh của huyện, xã; các hình thức cổ động trực quan, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật; tổ chức hội nghị triển khai; đăng tải trong Bản tin Thông báo nội bộ - tài liệu phục vụ nội dung sinh hoạt của các chi, đảng bộ trong tỉnh, trên các trang, nhóm Facebook công khai do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xây dựng hoặc tham gia quản trị và điều hành.Vai trò tuyên truyền của các cơ quan báo chí của tỉnh được phát huy, trong đó một số nội dung truyền hình của tỉnh hiện đã được phát bằng tiếng Khmer.
Các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thi đua yêu nước, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã tích cực tuyên truyền giới thiệu hình ảnh đẹp, sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước và thể hiện quan điểm, chia sẻ bài viết, bình luận trên Internet, mạng xã hội có nội dung ủng hộ, đồng tình với quan điểm chủ trương, giải pháp, đối sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo; phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình biển đảo.
PHÂN GIỚI, CẮM MỐC, QUẢN LÝ BIÊN GIỚI ĐẠT HIỆU QUẢ
Năm qua, các cấp uỷ, chính quyền có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng định hướng, nội dung yêu cầu, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới. Hình thức tuyên truyền tiếp tục được đổi mới theo hướng đa dạng, sát đối tượng, thiết thực, đạt hiệu quả, có sự kết hợp giữa tuyên truyền theo cách truyền thống với tuyên truyền qua mạng xã hội, qua đó giúp lan toả nhanh, hiệu quả các thông tin chính thống, tích cực về chủ đề phân giới, cắm mốc, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tiến độ phân giới, cắm mốc trên địa bàn tỉnh.
Vào các các dịp lễ, Tết cổ truyền của phía Campuchia, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các huyện biên giới đều tổ chức đoàn công tác đi thăm, chúc mừng, tặng quà cho các địa phương Campuchia giáp biên tỉnh Tây Ninh. Trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Campuchia sinh sống trên khu vực biên giới sang Việt Nam khám, chữa bệnh, thăm thân nhân, mua sắm đồ dùng sinh hoạt...
Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các lực lượng chức năng, các địa phương có đường biên giới thường xuyên tổ chức giao ban đối ngoại với chính quyền, công an, quân sự của các huyện giáp biên, các lực lượng đứng chân trên tuyến biên giới của Campuchia, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề mới phát sinh, không để phát triển thành điểm nóng. Các huyện, xã biên giới đẩy mạnh thực hiện phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự ấp, xóm khu vực biên giới”. Một số huyện thành lập Tổ tuyên truyền các xã biên giới gồm các đồng chí là báo cáo viên cấp huyện để triển khai tuyên truyền thường xuyên cho Nhân dân địa phương về tình hình biên giới và quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Campuchia…, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, xây dựng, giữ vững an ninh trật tự, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phân giới, cắm mốc biên giới và làm đường vành đai biên giới của địa phương.
Qua tuyên truyền, triển khai thực hiện, các cấp uỷ, chính quyền đều nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của địa phương, đơn vị để thực hiện. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ với quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta; có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xác định được đường biên giới trên đất liền với hệ thống mốc giới hiện đại giữa nước ta với các nước có chung đường biên giới.
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng chủ động, tự giác hơn trong phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, chính quyền, giúp ích trong việc tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới; chủ động tham gia tìm hiểu, tiếp thu thông tin chính thống, đấu tranh với các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với vấn đề biên giới, lãnh thổ… |
Có thể nói, công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trong năm 2019 được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh, cấp uỷ các cấp, chính quyền và tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền đảm bảo sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và hướng dẫn Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn; phù hợp với tình hình của địa phương.
Hình thức tuyên truyền tiếp tục được đổi mới, nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, sáng tạo được triển khai. Hoạt động đấu tranh, phản bác trên mạng xã hội và gỡ bỏ những thông tin xấu, độc về biển, đảo, phân giới, cắm mốc, thông tin đối ngoại của tỉnh hoạt động có hiệu quả và đang ngày càng mở rộng.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương với địa phương trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, khảo sát, trao đổi thông tin; sự phối hợp giữa các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã góp phần triển khai công tác tuyên truyền ngày càng thiết thực hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như: một số cấp uỷ, cơ quan đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, nên có lúc, có nơi chưa chỉ đạo kịp thời công tác tuyên truyền, nội dung tuyên truyền chưa sâu sát, dẫn đến một số cán bộ, đảng viên và một bộ phận người dân thiếu thông tin. Cán bộ biết tiếng dân tộc (Khmer) còn thiếu; việc tập hợp, vận động đồng bào đến nghe tuyên truyền còn khó khăn. Số lượng, mật độ thông tin về Tây Ninh trên các phương tiện truyền thông quốc gia chưa nhiều; chủ yếu mang tính phản ánh, truyền tải thông tin, các nội dung phân tích, tổng hợp đánh giá tình hình còn ít. Phương pháp, cách thức tiến hành thông tin đối ngoại có lúc chưa theo kịp những diễn biến nhanh chóng của cuộc sống, chưa đáp ứng yêu cầu được thông tin nhanh, toàn diện, có tính định hướng của người dân...
Trong khi đó, đường biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giáp Campuchia dài, một số đoạn chưa được phân giới, cắm mốc; tình trạng người Việt sinh sống ở Campuchia về nước ngày càng nhiều hơn, sinh sống tập trung tại một số địa bàn các huyện giáp biên giới đang đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự và công tác quản lý của chính quyền địa phương. Đời sống nhân dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động.
Cán bộ các huyện, xã biên giới, báo cáo viên, tuyên truyền viên nhìn chung chưa được đào tạo căn bản tiếng Khmer; trong tuyên truyền thiếu tài liệu bằng tiếng dân tộc – nhất là tài liệu bằng tiếng Khmer nên gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc trên tuyến biên giới; việc tập hợp, vận động đồng bào đến nghe tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.
Hình thức thông tin, tuyên truyền tuy được đổi mới, nhưng chất lượng có mặt còn hạn chế, sức thuyết phục chưa cao; chưa có nhiều bài viết sắc bén để phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề đối ngoại, biển đảo, chủ quyền biên giới quốc gia để chống phá chế độ, phá hoại mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước bạn láng giềng.
Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực về kinh tế, chính trị, đối ngoại tạo thuận lợi, cơ hội để phát triển đất nước. Trên địa bàn Tây Ninh, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề phân giới cắm mốc, người di cư tự do từ Campuchia về nước sinh sống tại các địa phương giáp biên giới của tỉnh đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, phức tạp về an ninh, trật tự… Đây là những nhân tố sẽ có tác động đến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia.
Để đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ, nội dung thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo, phân giới, cắm mốc theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại, biển, đảo và phân giới, cắm mốc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh t phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thông tin đối ngoại nêu trong Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”; “Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020” trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền thông tin đối ngoại năm 2020, biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu quảng bá về tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển, các dự án trọng điểm về kinh tế-xã hội, kêu gọi đầu tư của Tây Ninh đăng, phát trên các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc; phối hợp tổ chức các sự kiện văn hoá thể thao, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam, của Tây Ninh ra nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại nhân dân trong nhân dân hai bên biên giới.
Hai là, tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và chương trình hành động thực hiện của Chính phủ; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII” “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc định hướng nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng; kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng báo cáo viên để chủ động tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân khi có tình hình đột xuất, điểm nóng xảy ra gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng trong công tác tuyên truyền biển, đảo trên địa bàn tỉnh.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo công tác phân giới, cắm mốc tỉnh trong công tác tham mưu triển khai thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên địa bàn tỉnh; định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền kịp thời; cập nhật, cung cấp tài liệu tuyên truyền phân giới, cắm mốc để phục vụ công tác tuyên truyền ở các cấp, nhất là các huyện, xã biên giới, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng, các lực lượng vũ trang nắm tình hình, diễn biến công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các quan điểm, thông tin và hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam và các nước có chung đường biên giới.
Bốn là, phát huy thế mạnh của việc tuyên truyền trên các trang mạng xã hội – nhất là Facebook, Zalo; thông qua mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội và phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng Internet các cấp để tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các thông tin chính thống, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và công tác phân giới, cắm mốc nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Nguyễn Minh Triều
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh