Thứ Bảy, 30/11/2024
Sáng tác
Thứ Năm, 15/2/2018 23:21'(GMT+7)

Tết năm Tuất nói về hình tượng con cẩu trong nghệ thuật tạo hình dân gian

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số là nhiều năm, chó theo chủ đi chợ sắm tết, thấy các ông, bà bán tranh bầy đầy sạp, nào là tranh lợn, gà, trâu, ngựa,… nhưng riêng khỉ và chó năm nào cũng không ai vẽ để bán trang trí trong ngày Tết. Chả thế mà trong các dòng tranh Hàng Trống - Hà Nội, Đông Hồ - Bắc Ninh, tranh xứ Huế,… đã bao đời nay có ai vẽ tranh chó và khỉ để trưng bày trong nhà chào xuân đón tết cổ truyền đâu?. Trong thuyết tính tử vi “Lục thập hoa giáp” (60 năm cuộc đời), chó được xếp ở hàng thứ 11, gần cuối, trên cầm tinh con lợn, không phải nó đứng ở hàng thứ nào và trong tâm niệm xã hội vinh danh tốt xấu ra sao?, nhưng người đời cũng đã cảm nhận được chó là con vật nuôi trung thành nhất với chủ nhà.

Nhiều người trên thế giới, họ nuôi dưỡng chó, coi nó như một bạn thân thiết, đi cùng năm tháng, thậm chí người ta coi con vật này là nguồn động viên, sẻ chia buồn vui trong nhà mỗi khi đổi gió, trở trời. Bởi thế, không may chó chết, chủ nhà phải chôn cất nó và cảm xúc rơi nước mắt khi chia tay mãi mãi với con vật thân yêu của mình. Để nhìn nhận đúng về thân phận “con cẩu”, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chia tác dụng nó ra làm hai phần, ưu và khuyết hay nói cách khác nửa để yêu, nửa để ghét. Người ta thấy chó không những là vật nuôi để trông nhà, xua kẻ trộm cắp, có loại chó còn được ứng dụng vào cuộc truy tìm đối phương, khám phá tàng trữ ma túy, đồ vật khác lạ,… phục vụ lợi ích cho chủ. Đó chính là đặc tính mà ít con vật nào có được, đặc biệt về độ thính giác của nó để phát hiện kẻ xấu, làm càn, người đời có câu ca “chó đâu, chó sủa lỗ không, không thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”.

Tuy vậy, chó cũng là con vật mà người ta không có thiện cảm gì lắm, đó là mất vệ sinh, tham ăn, ăn tạp, thường mắc bệnh điên dại, cắn người lạ vô cớ thậm chí cả chủ nhà. Từ những đặc trưng yêu, ghét ấy, nên trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh, phần lớn người ta không tôn vinh nó vào những ngày linh thiêng như tết, hoan hỉ. Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam không ai vẽ chó để tôn thờ vì mặt ghét của nó đã bao trùm, mặt ưu mờ đi trong tâm thức của con người, ngay trong các thành ngữ của người Việt cũng đã thể hiện sự chua cay khi con người cảm thấy mình bị đối phương xuất hiện đưa lại những đen rủi vô cớ: “Ra ngõ gặp chó”.

Ở nước ta những quan niệm linh thiêng về con cẩu cũng khá phổ biến trong nhiều vùng, nhiều nơi, những bức tượng gỗ, tượng đá, đất nung còn lưu giữ, sử dụng trong các đền, nhà cổ, phản ánh cách nhận thức tâm linh của người xưa rất đa dạng, được thể hiện trong cách diễn đạt, biểu cảm rất hóm hỉnh ở mắt, mũi, miệng về con chó, hậu thế phải suy ngẫm. Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, những họa tiết, hoa văn còn in đậm nét người và chó, một triết lý hết sức sinh động về sự đồng hành thủy chung trong những hoàn cảnh thanh bình hay ở trận mạc đều có sự gắn bó bền chặt giữa người với con vật được minh họa theo lối tạo hình của người Việt thời kỳ cổ đại. Nhiều nơi trong nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, ngay ở đền thờ Hai Bà Trưng - Hát Môn, Hà Tây có hai chó đá canh giữ đền hiện còn lưu giữ được. Ở đền thờ Thọ Diên - Thọ Xuân, Thanh Hóa có hai chó đá được đặt trang trọng trước đền, người xem phải trầm trồ thán phục về tay nghề tạo hình của nghệ nhân Việt thời xưa.

Thời nay, nhiều nơi đã làm tượng chó bằng nhựa có hình dáng, màu sắc như thật, đặt trước nhà để canh giữ kẻ xấu, xua tà ma xâm nhập,… Những năm gần đây, nhất là thời kỳ mở cửa, tình hình xã hội có nhiều đổi thay từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường hội nhập quốc tế, bên cạnh người tốt, nhiều cán bộ hết lòng vì dân, dám hy sinh để làm việc thiện dù là ở cương vị nào, ở cấp nào, đã tỏ ra những tấm gương sáng, được nhân dân tin yêu, thế nhưng cũng còn “một bộ phận không nhỏ” sống xa hoa, tham nhũng, lừa trên, dối dưới, chạy chức, chạy quyền, hối lộ, do đó đã xuất hiện một dòng tranh châm biếm, phản ánh mặt trái của xã hội đã và đang là một vũ khí sắc bén góp phần chống tiêu cực hữu hiệu. Câu chuyện kể dân gian còn lưu lại đến thời nay: Ở vùng quê Kinh Bắc có một quan tham, lợi dụng chức quyền, ức hiếp dân lành, không kể đó là ai, thân cô, thế cô, thậm chí là người bạn cũ của ông cũng vậy, nghèo đến nỗi xét vào hạng cùng đinh cũng không tha. Vốn là quan tham, ông nhiều lần gợi ý thôn làng cống nạp tiền, lễ vật để rồi ông giảm thuế điền sản, suất đinh,… Thấy vậy, mấy ông đồ nghèo muốn chống lại quan tham này, đã cùng nhau vẽ một bức tranh, miêu tả con chó to đùng, miệng cắn quần, áo rách, răng nhe, mắt tráo tợn, rất ghê tởm, bức tranh vẽ trên một giấy bản, dưới tranh có ghi “chó cắn áo rách”, đúng lúc giao thừa, dân tình đang hân hoan nổ pháo, mấy ông đồ đem tranh đó ném vào trước sân nhà quan. Thấy tờ giấy to xuất hiện trước nhà, trong đó có hình con chó, cháu nhỏ nhặt đưa vào cho ông, lúc ông đang cười khà khà mừng năm mới, tay cầm bức tranh miệng nói to đây là điềm lành cho cả năm, bỗng đọc mấy chữ dưới bức tranh “chó cắn…” ông hét to, láo, bọn nào láo, chúng mày muốn chết hả, rồi ông ngất xỉu. Chuyện gì sẽ xảy ra, nhân nào quả nấy, báo hiệu cho một năm xấu sẽ đến với quan tham độc ác, hống hách, vô cảm với dân lành. 


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Từ những câu chuyện xưa, thời nay cũng vậy, không ít người vì lòng tham không đáy mà quên đi cả một truyền thống thuần phong mỹ tục “thương người như thể thương thân” làm nhiều điều sai trái để rồi cho dân gian sáng tác nhiều bức tranh đả kích, châm biếm sâu cay chống lại sự bất công trong xã hội. Vì quá mê tín, có người khi ra khỏi nhà để làm một việc gì đó nhất là kinh doanh, buôn bán, hoặc “chạy chọt” để lên quan, tiến chức mà gặp chó họ cho là “đen”, “thất bại” thường là phải quay lại nhà rồi đi tiếp.

Vì thích danh hão có những địa phương không hiểu vì sao? đạt được danh hiệu làng văn hóa, nhưng khi bước vào cổng làng, ngõ hẻm du khách cảm thấy có nhiều phân chó bốc mùi, hôi thối nồng nặc, gây bức xúc khó chịu. Dựa trên những mặt trái của chó đối với đời sống con người, trên nhiều tờ báo, tạp chí đã có những bức tranh châm biếm phê phán sâu sắc chế diễu bệnh thành tích. Dựa trên những câu chuyện có thật ấy, họa sĩ đã miêu tả một cổng thôn có trưng biển to “Làng văn hóa”, ở dưới đường làng vẽ nhiều chú cẩu chạy rông, chân vểnh lên đại, tiểu tiện bừa bãi, bên cạnh là mấy cháu nhỏ, tay bịt mũi, vội vàng bỏ chạy!, dưới bức tranh ghi tiêu đề “Thật thế sao?”.

Cũng là chuyện thật ở một địa phương, có đôi vợ chồng phó sếp nuôi một chú chó khôn lắm, khách quen đến nhà là nó mừng rỡ, đưa đón như người thân vậy, nhưng dù là người quen mà có hành vi bất bình thường, lục soát, khám phá gì đó trong nhà, nó gầm gừ, nếu không dừng tay là sửa to lên để báo cho chủ nhà biết. Câu chuyện cho hay, để muốn nhanh chóng lên làm cấp trưởng, ông phó này nghĩ ra kế làm đơn nặc danh, tố cáo sai sự thật cấp trưởng, gây lộn xộn nghi ngờ lẫn nhau làm bất ổn trong cơ quan. Từ chỗ nghi ngờ ông phó còn cất giấu đơn nặc danh tại nhà, một hôm, sếp đột ngột đến chơi nhà, vợ phó vui vẻ pha trà tiếp đón, thấy bà vợ cứ trò chuyện dài thế này thì làm sao lấy được đơn thư để làm chứng cứ xử lý thủ phạm này đây? Sếp bèn nghĩ ra cách để tách bà vợ ra mới hành động được, em ơi! sao trà có mùi mốc, tưởng sếp nói thật, bà vợ nói ngay, anh đợi em ra ngoài mua chè mới nhé, rồi vội đi ngay, ông sếp liền hành động tìm tòi ngăn kéo, bàn sách, tài liệu nhưng chưa tìm được gì? Thấy ông khách lục soát trong nhà, chó vừa gầm gừ, vừa sủa ngày một to, cùng lúc ấy, vợ phó trên đường về nhà đã khả nghi, cái quái gì mà chó sủa to thế, quả thật thấy đồ đạc, cánh tủ có chuyện bất thường nhưng bà vợ không nói gì. Thấy bất lợi và lúng túng, sếp hỏi, sao chó nhà em hay sủa vu vơ vậy? Vợ sếp phó vốn là giáo viên dạy văn nên nhanh miệng đáp bằng câu ca bỏ lửng “Chó đâu chó sủa lỗ không…”. Nghe vậy, sếp ngượng ngùng rồi chào em ra về, ngẫm lại câu sau “Không thằng ăn trộm…”. Dựa trên câu chuyện có thật ấy mà tờ báo địa phương có bức tranh châm biếm khá dí dỏm, cảnh báo về mưu đồ lật đổ lẫn nhau, để thay ngôi vị ở nhiều đơn vị, địa phương mà bức tranh chó sủa và kẻ trộm cắp được các họa sĩ dân gian miêu tả sinh động từ câu ca dao “Chó đâu chó sủa lỗ không?”…

Cũng tương tự như những câu chuyện phiếm ở một đơn vị nọ, có một vị quan, nếu nói về năng lực, trình độ, kiến thức chuyên môn thì quá yếu kém nhưng không hiểu vì sao mà chỉ có mấy năm liên tục lên nhiều chức, và khi có chức to rồi, ông ta trở nên quan liêu hống hách, tham lam, nhũng nhiễu, nói một đường, làm một nẻo gây bất bình trong công chúng. Thấy trớ trêu như vậy, nhiều họa sĩ đã lấy mấy câu thành ngữ “chó ngáp phải ruồi”, “lên voi xuống chó” vẽ tranh chế diễu vị quan tham bất tài nhưng giỏi mưu mẹo, chạy chọt để được một chức khá to mà người khác tài, đức cùng thời mơ cũng không được. Sự thật ấy, đã đi vào tranh châm biếm và được đăng lên báo, tranh mô tả một chú chó có đôi mắt lờ đờ, trông ngốc ngếch, miệng há to và một con ruồi bay vào miệng, chó ngậm từ từ, bức tranh có tên “chó ngáp phải ruồi”. Tiếp đó, họa sĩ logic câu thành ngữ thứ hai “lên voi xuống chó” miêu tả những vị quan quen nghề chạy chức, chạy quyền và khi đạt được chức quyền rồi, một việc phải làm là lừa lọc dân để cùng nhóm người mưu đồ, rút ruột công trình dự án, bằng cách khai lậu khối lượng, bớt vật liệu, làm giảm chất lượng sản phẩm, báo cáo sai sự thật lên cấp trên để tham ô, lấy tiền của dân của nhà nước tiếp tục đút lót để lên chức cao hơn, thực tế ấy đã bị nhân dân, nhà nước phát hiện và truy tố trước pháp luật, nhiều người có chức to nhưng không lâu đã khoác áo tù. Thực tế này là nội dung cho các họa sĩ, nghệ nhân dân gian sáng tạo nhiều tranh đả kích khá sâu cay, tạo dấu ấn trong tư duy hình tượng, người đời khi xem tranh phải nhớ lâu, suy ngẫm sâu. Tương tự cách vẽ đó, bức tranh biểu đạt một quan to vạm vỡ, từ trên lưng voi trượt xuống đất, ngay lúc đó, chó ôm chặt lấy quan chủ, miệng mếu máo, người xem tranh vừa buồn cười vừa giận, thật đáng đời cho quan tham.

Lại từ câu nói lóng “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, phảng phất đó đây, câu chuyện dân gian ở tỉnh lẻ giầu truyền thống văn chương Hà Nam xưa, có một ông quan lớn và chính ông thăng chức cho con mình cai quản một địa phương với chức Xã trưởng. Được chức rồi nhưng ông Xã này vì tài hèn, đức kém, tham lam, đi đâu cũng vênh váo, ăn nói xằng bậy, không coi ai ra gì, chỉ vì ta đây là con ông quan lớn Tỉnh. Một hôm quan xã vào nhà hàng nhậu nhẹt, say xỉn, đập phá, thấy vậy chủ quán can ngăn, quan hét to “mày không biết tao là con ai hả, chán sống rồi phải không, dẹp dẹp…!”, sợ quá chủ quán bèn làm đơn kiện. Được biết con mình quá đà, mấy người hầu nói với ông lớn là phải đi xem “bói” để làm lễ “tu tâm, tu đức” cho cậu xã. Quả thật, mấy hôm sau, quan lớn đến thầy tướng số, xem xong, thầy phán rất nhẹ nhàng: cậu nhà, sinh phải giờ bất lành “tiên thiên bất túc, hậu thiên bất lực”, nghe vậy, ông lớn ghê cả tinh thần, ngán ngẩm, ngậm ngùi mà không biết chia sẻ nỗi buồn cùng ai! Từ câu chuyện xưa đó, các họa sĩ ngày nay đã khái quát lại bằng ngôn ngữ tạo hình thành bức tranh châm biếm, có tựa đề hai chữ …“Cạy ai”… bỏ lửng, để người đời suy ngẫm về việc xưa và nay.

Nói chuyện về tranh con chó thì thú vị và phong phú lắm. Người đời ai cũng biết con vật này rất khôn, có trung, có hậu, có tình nghĩa với con người, khi chó chết chủ rơi lệ tưởng nhớ, chôn cất rất chu đáo nhưng cũng chính con người lại ngâm nga chén rượu với thịt chó, luôn miệng thật là ngon! thế mới lạ về cảm xúc của con người, một triết lý, ngẫm mà đắng cay đến kỳ lạ. Số là ở gia đình nông thôn nghèo có hai vợ chồng nuôi một cậu chó đã sống với chủ khoảng hai chục năm, không may bị bệnh và chết, bà vợ đưa đi chôn, hương khói để tỏ lòng thương tiếc, song cũng lúc đó ông chồng lẩn ra quán thịt chó nhậu no say bét nhè về nhà nằm ngủ li bì, thấy vậy, bà vợ hỏi vì sao ông nằm mãi không dậy, ông chồng nói vì tôi thương con cẩu quá không muốn ăn gì, mệt mỏi cả người rồi thiếp đi đấy mà! Dựa trên câu chuyện ấy, lại có tranh dân gian xuất hiện “bà chôn cất cẩu chết, ông xã đến quán nhậu thịt chó”, dưới tranh có tiêu đề “cũng là chủ nhà”.

Sự đời, ngẫm lâu mới thấy cay, số là ở một cơ quan nọ có ông sếp cỡ bự, bởi thế nhiều người đến cậy nhờ và được ông hứa rất nhiều người sẽ thăng quan tiến chức, họ cũng phong bì phong bao rồi chờ mãi không thấy tăm hơi, một hôm bỗng nghe công bố quyết định thấy lòi ra ông khéo mồm, kém tài nhưng nặng bao. Thấy vậy, mấy ông “đua chạy” lòng đau như cắt mà không làm gì được, đành ngậm đắng nuốt cay. Được biết sếp tâm sự với người thân trong cơ quan, hằng đêm, ông nằm ngủ thường mơ gặp chó, chắc là có điềm không may, người âm báo để đề phòng. Biết chuyện có thật đó, các ông bị lừa, vừa mất tiền lại không có chức bèn nhờ họa sĩ vẽ một bức tranh chó ngao đợi để đưa “sếp” du ngoạn địa ngục trước nhiệm kỳ, dưới tranh có tiêu đề “chó ngao đang đợi ông”. Bức tranh được gửi qua bưu điện, “sếp” mở tranh ra đọc mấy dòng chú thích mà rợn cả trốc gáy, tức giận, mặt đỏ bầm, lập tức tai biến rồi hôn mê, đời là thế, rất công bằng, sòng phẳng theo luật nhân quả mà.

Trong văn học nghệ thuật cách thức miêu tả con chó khác nhau, triết lý khác nhau, nhưng dù cách thức nào, văn, thơ, họa, nhạc cũng đều có một cái lý chung là mối quan hệ giữa người và vật, giữa nhân và quả, dù người đó cầm tinh con gì thì bao giờ cũng lấy nhân đức làm trọng. Lẽ đời là vậy, những tiêu cực quan tham, nhũng nhiễu, bất chấp luật pháp, coi trời bằng vung cũng sẽ bị dân phê phán, đấu tranh, dù chưa tìm được chứng cứ nhưng dư luận quần chúng có lúc còn mạnh hơn cả phép nước, mà những bức tranh châm biếm hành vi ấy về quan tham đang rung động đất trời.

Từ những dư luận phê phán của dân chống tiêu cực ở nhiều địa phương, ngành,… được văn học nghệ thuật, báo chí phản ánh liên tục, đều khắp nhất là thời kỳ mở cửa là minh chứng cho sức mạnh đấu tranh tổng hợp của xã hội. Những bức tranh châm biếm minh họa, câu ca dao, thành ngữ nói về con chó là sự đúc kết bao đời nay về triết lý xã hội sâu sắc của mối quan hệ giữa con người và thế giới động vật mà con cẩu là một ví dụ.

Năm Tuất đến, nhiều người cũng không muốn sinh con vào năm cầm tinh con chó, họ cho rằng số đời không được thuận lợi may mắn. Suy nghĩ ấy là sai rồi, không phải ai sinh vào năm Tuất cũng xấu, cũng đen đủi, nhiều người sinh vào năm Tuất cũng làm to, kinh doanh cũng phát tài đó thôi! Con người muốn trưởng thành phát đạt không thể là mưu, mẹo, luồn lách, lừa đảo, dối trá, trộm cắp mà phải phấn đấu đi lên từ chính nỗ lực của bản thân, có tài giỏi, đức độ trong sáng thì ai cũng làm nên sự nghiệp vẻ vang cả. Số đời công bằng lắm, chả thế mà câu ca, thành ngữ nói về chú cẩu tốt xấu cũng rành rọt được con người ghi nhận đó sao! Chỉ có điều ngày tết năm Tuất, chó biết thân phận, phải vào góc nhà, xoay lưng nằm tròn, mắt lim dim, yên tĩnh, tưởng như đã ngủ say nhưng đôi tai vẫn vểnh lên, thính lắm, nếu ai đó có mưu mô, trộm cắp ắt phải được một đòn sấm sét, quan tham năm Tuất hãy coi chừng! 

Họa sĩ - Nhà báo Hoàng Hoa Mai
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Tỉnh Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất