Chiều 18-11, ông Bùi Văn Đức - tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (cơ quan quản lý Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư) - đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề trong một tháng rưỡi, trung tâm dự báo đã đưa ra năm bản tin dự báo chưa chính xác trong các trận mưa, bão.
Ông Đức cho biết:
- Tôi thừa nhận các lần dự báo sai vừa rồi làm người dân và các cấp lãnh đạo bức xúc. Bản thân chúng tôi cũng bức xúc vì không ai muốn đưa ra dự báo sai.
“Dự báo sai, đau lắm”
* Sau những lần đưa ra các dự báo sai gây nhiều thiệt hại nặng nề, ông muốn nói điều gì với người dân?
- Tôi đánh giá đúng là trong một tháng rưỡi vừa rồi chất lượng dự báo phải nói có cái chưa được đảm bảo. Điều đó rất đáng tiếc. Bản thân chúng tôi thật sự thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nói ra câu này đau lắm nhưng phải nói với nhân dân là chúng tôi đã làm hết khả năng, trách nhiệm của mình và rất chia sẻ với thiệt hại của bà con. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng cho công tác dự báo, đặc biệt là Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư.
* Ông đánh giá thế nào về hậu quả của dự báo sai?
- Dự báo sai làm mất công sức, nhân lực, vật lực phòng tránh. Ở Nhật Bản, dự báo sóng thần 100 lần có khi chỉ đúng một lần nhưng vẫn phải sơ tán theo quy trình, vì chỉ cần một lần có thật đã gây hậu quả lớn.
Chúng tôi rất muốn dự báo chính xác nhưng khả năng dự báo có hạn. Hiện nay lũ quét, dông tố, lốc chưa dự báo được. Cái này chúng tôi đang “bó tay”. Bão thì dự báo tiến bộ hơn. Mưa định lượng gần như chưa dự báo được. Việc này không chỉ VN mà nhiều nước trên thế giới chưa làm được. Dự báo mưa ở từng vĩ độ có sự khác nhau. Ở vĩ độ càng cao dự báo càng dễ, các nước ở vĩ độ thấp như VN dự báo càng khó.
Khả năng của mình kém nhiều nước lại ở vùng dự báo khó nên càng khó. Cho nên dự báo định tính có hoặc không có hoặc dự báo có mưa vừa, to, rất to có thể dự báo được, nhưng cụ thể dự báo 50 hay 100mm khả năng hiện nay chưa làm được vì cơ sở khoa học chưa có. Nhưng vẫn phải đưa ra dự báo để đề phòng, phục vụ công tác chỉ đạo.
Về dự báo mưa, sắp tới phải thành lập một bộ phận chuyên trách để tích lũy kinh nghiệm phục vụ đầu tiên là cho dự báo thủy văn. Đây là bài toán chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và kêu gọi các nhà khoa học của nước ta tham gia nghiên cứu, vì dự báo mưa định lượng là dự báo khó khăn nhất hiện nay. Trên thế giới cũng chưa có cơ sở khoa học để dự báo định lượng về mưa.
Vẫn không dự báo được nếu mưa như ở Hà Nội vừa qua
* Những yếu tố dẫn đến dự báo sai là do những nguyên nhân nào, thưa ông?
- Khoa học dự báo chung của cả thế giới về các yếu tố dẫn đến sự hình thành và diễn biến của cơn bão là cực kỳ dễ sai. Trong khi đó hệ thống quan trắc của chúng ta hiện nay chưa được đầy đủ. Các quy luật diễn biến vật lý cũng rất phức tạp, trong khi các mô hình kỹ thuật số dự báo hiện nay chưa tích hợp hết được các quy luật này. Nếu đưa được hết vào, chỉ cần một mô hình dự báo chứ không cần nhiều.
Chúng tôi dùng nhiều mô hình nhưng mỗi hình có ưu nhược điểm khác nhau. Khi mô phỏng, nghiên cứu, hiệu chỉnh mô hình thử mô phỏng lại những trận bão, trận mưa đã xảy ra, chẳng có mô hình nào cho kết quả trùng khít với những gì đã diễn ra.
Thông thường độ chính xác của một mô hình chỉ đảm bảo được 60%, mô hình nào chuẩn thì đến 65% là cùng. Còn lại 35-40% là khả năng sai. Giới hạn chính xác của các mô hình chỉ đến thế. Có khi dùng ba mô hình tham khảo được kết quả tốt nhưng dùng đến 10 mô hình có khi độ chính xác giảm sút vì trung bình hóa, không có trọng tâm, trọng điểm.
* Trung tâm sẽ có những cải tiến nào để tránh sơ suất có thể xảy ra trong những lần dự báo tới?
- Sau những lần này, từng cá nhân, từng bộ phận nhỏ sẽ phải rút kinh nghiệm và thậm chí cả Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư và trung tâm quốc gia cũng phải rút kinh nghiệm thông qua hội nghị dự báo sắp tới.
Tôi khẳng định lần sau nếu có xảy ra những trận mưa như vừa qua ở Hà Nội, chắc chắn xác suất lớn là chúng tôi cũng không dự báo được. Tôi cũng bảo mọi người dù không dự báo được định lượng nhưng phải cảnh báo được sự nguy hiểm sắp đến để người dân phòng tránh. Trong khí tượng thủy văn cũng như trong bất cứ ngành khoa học nào, với mỗi trường hợp cực đoan như trận lụt ở Hà Nội vừa qua đều rút ra được bài học quý giá để mổ xẻ.
Chưa thể tiếp nhận siêu máy tính
Một vài năm gần đây, Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường đầu tư cho trung tâm rất nhiều, nhưng so với các nước cũng có sự khác nhau. Tôi vừa đi công tác ở Hàn Quốc về và nhận thấy các trạm quan trắc của họ là tự động, tự đo, tự truyền và mật độ dày hơn VN nhiều lần. Thiết bị của họ cũng tốt hơn rất nhiều, thông tin của họ cực kỳ hiện đại và nhanh chóng. Máy móc thiết bị để xử lý mình còn lâu mới so được, họ có cả một trung tâm tính toán gọi là super computer và con người của họ được đào tạo bài bản, lương rất cao.
Hiện tại ở VN cơ bản các trạm quan trắc khí tượng thủy văn đều quan trắc bằng thiết bị truyền thống, rất ít tự động và truyền tin không phải là tự động. Nếu quan trắc và truyền tin tự động, ngay lập tức ở Hà Nội có thể biết thời tiết ở các khu vực như Vũng Tàu, Côn Đảo thế nào. Nhưng ngay tại đó chúng ta quan trắc mất 15 phút rồi biến số liệu thành điện báo ra Hà Nội cũng mất đến 5 phút. Thường là 30 phút sau quan trắc chúng tôi mới nhận được điện của các trạm này.
Thứ hai, độ dày của mạng lưới quan trắc cũng không bằng. Về khí tượng, chúng ta có chỗ đến 100km mới có một trạm khí tượng, trạm quan trắc mưa thì không dưới 30km mỗi trạm, trạm đo mưa 5km/trạm. Ngay ở Hà Nội, tại Láng mưa rất to nhưng ở bờ hồ có thể không mưa. Muốn đo lượng mưa chính xác, độ dày của các trạm phải dày hơn. Việc truyền tin của mình hiện nay cũng có nhiều phương tiện nhưng nói chung là chậm so với họ rất nhiều.
Về xử lý thông tin, hệ thống máy tính của mình so với trong nước là hiện đại, máy tính có thể tính được một lúc hàng vạn phép tính nhưng để giải quyết một bài toán dự báo thời tiết, máy tính đó chưa là cái gì hết. Nếu Nhà nước có trang bị cho chúng tôi máy tính super computer, chúng tôi lại chưa thể tiếp nhận được vì con người chưa đủ để khai thác. Thứ hai, hạ tầng hiện nay chưa tiếp nhận được. |
(Theo Tuổi Trẻ)