Ngày 29/9, tại buổi lễ ở Dinh tổng thống Áp-ga-ni-xtan, ông A-sơ-ráp
Ga-ni (Ashraf Ghani) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tân Tổng thống
Áp-ga-ni-xtan, kết thúc 13 năm cầm quyền của ông Ha-mít Ca-dai (Hamid
Karzai) kể từ khi chế độ Ta-li-ban sụp đổ hồi năm 2001. Buổi lễ có sự
tham gia của khoảng 1.400 quan khách cả trong nước và quốc tế.
Tại lễ tuyên thệ, ông A.Ga-ni khẳng định sẽ tuân thủ và bảo đảm thực thi Hiến pháp, pháp luật. Ngay sau khi tuyên thệ, ông A.Ga-ni đã lập tức ra sắc lệnh bổ nhiệm ông Áp-đun-la Áp-đun-la (Abdullah Abdullah) làm nhà điều hành cấp cao, một chức vụ mới tương đương thủ tướng Áp-ga-ni-xtan. Đây được coi là một thay đổi lớn về cách thức lãnh đạo mà Áp-ga-ni-xtan áp dụng từ năm 2001.
Người dân Áp-ga-ni-xtan đang hy vọng hai nhà lãnh đạo mới của đất nước sẽ hợp tác với nhau để giúp ổn định nền kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Các nhà phân tích chính trị cũng tin rằng, một chính phủ thống nhất có thể mang lại ổn định cho đất nước Áp-ga-ni-xtan. Những bế tắc trong tiến trình bầu cử kéo dài nhiều tháng qua tại Áp-ga-ni-xtan đang khiến quốc gia Nam Á, vốn kiệt quệ sau các cuộc chiến này, lún sâu hơn vào khó khăn kinh tế, an ninh và chính trị.
Hơn 10 năm cầm quyền của Tổng thống Ca-dai, Áp-ga-ni-xtan vẫn chìm trong nghèo đói, tham nhũng, bạo lực và thường xuyên phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài (vốn đang giảm mạnh). Trong khi đó, phiến quân Ta-li-ban thì không hề ngơi nghỉ cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền và thậm chí giành từng tấc đất với quân chính phủ.
Lễ nhậm chức tổng thống diễn ra trong bối cảnh an ninh được tăng cường tại Ca-bun do lo ngại phiến quân Ta-li-ban tìm cách phá hoại buổi lễ hoặc tấn công các quan chức quốc tế. Ngay trước khi lễ nhậm chức diễn ra, một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một chốt cảnh sát gần sân bay ở thủ đô Ca-bun làm 4 dân thường thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Trên trang mạng xã hội Twitter, Ta-li-ban đã thừa nhận tiến hành vụ việc trên. Điều đó cho thấy, cuộc chiến chống lực lượng ngày càng táo tợn này chắc chắn là một trong những vấn đề lớn mà chính phủ mới phải tiếp nhận. Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan đã kêu gọi các phần tử nổi dậy Ta-li-ban tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sau cuộc nội chiến kéo dài 13 năm qua. Ông A.Ga-ni nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi các phe phái đối địch với chính phủ, đặc biệt là Ta-li-ban và Hizb-e-Islami (một nhóm phiến quân khác), tham gia các cuộc đàm phán chính trị".
Bên cạnh vấn đề bảo đảm an ninh, chính quyền của Tổng thống A.Ga-ni còn phải gánh vác nhiệm vụ khôi phục đời sống cho một đất nước chịu ảnh hưởng của chiến tranh và đói nghèo hàng thập kỷ qua. Theo báo cáo của IMF, GDP của nước này dự kiến giảm từ mức 3,6% năm 2013 xuống còn 3,2% trong năm nay. Được biết, tân chính phủ Áp-ga-ni-xtan sẽ lập tức đối diện với cuộc khủng hoảng tài khóa, buộc phải hoãn trả lương tháng 10 cho công chức do ngân sách hiện không có đủ 116 triệu USD cần thiết. Ngoài ra, một trong những việc đầu tiên mà ông A.Ga-ni được kỳ vọng sẽ thực hiện ở cương vị Tổng thống Áp-ga-ni-xtan là ký Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Mỹ, cho phép 12.500 binh sĩ thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu ở lại Áp-ga-ni-xtan nhằm huấn luyện lực lượng quân đội và cảnh sát mới của nước này.
Đầy rẫy khó khăn như vậy, song theo các nhà phân tích, nhiệm vụ trước tiên mà vị tân tổng thống và chính phủ mới của Áp-ga-ni-xtan phải giải quyết, đó chính là những mâu thuẫn trong nội bộ chính trường Áp-ga-ni-xtan hiện nay.
Việc ông A.Ga-ni nhậm chức tổng thống đánh dấu sự chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên ở Áp-ga-ni-xtan trong nhiều năm qua. Dù vậy, nó đã diễn ra không hề êm ả. Cả ông A.Ga-ni lẫn ứng cử viên đối thủ A.Áp-đun-la đều tuyên bố giành chiến thắng, đẩy cuộc bầu cử vào thế bế tắc kéo dài 3 tháng. Dưới áp lực của LHQ và Mỹ, hai ứng cử viên đã dần đi tới nhất trí thành lập một chính phủ thống nhất. Theo đó, ông A.Ga-ni sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng thống còn ông A.Áp-đun-la làm nhà điều hành cấp cao, tương đương vị trí thủ tướng. Chính vì vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Áp-ga-ni-xtan chỉ có thể tạm thời đưa nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua, bởi những mâu thuẫn sâu sắc liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua sẽ khiến Áp-ga-ni-xtan khó có thể hình thành một liên minh cầm quyền hoạt động thực sự hiệu quả.
Áp-ga-ni-xtan đã phải trải qua hàng chục năm xung đột và bất cứ một cuộc cạnh tranh quyền lực nào cũng sẽ xóa nhòa những lời tuyên bố rằng, sứ mệnh quân sự và dân sự tốn kém do Mỹ dẫn đầu đã giúp thiết lập một nhà nước thực sự ở Áp-ga-ni-xtan. Cạnh tranh quyền lực cũng đe dọa những cam kết viện trợ trị giá hàng tỷ USD, làm gia tăng sự nổi loạn và bất ổn sắc tộc... Trong bối cảnh đó, kẻ được lợi nhất có lẽ là Ta-li-ban./.
Ngọc Hà (QĐND)