Tình hình Thái Lan tiếp tục diễn biến căng thẳng khi trong ngày 25/5 có
khoảng 1.000 người tuần hành ở thủ đô Bangkok để phản đối cuộc đảo chính
bất chấp tuyên bố trước đó của chính quyền quân sự kêu gọi người dân
không biểu tình và cấm tụ tập quá 5 người.
Theo các nhân chứng và phóng viên tại hiện trường, những người biểu tình
đã tuần hành khắp thành phố sau khi có cuộc đối đầu căng thẳng với các
binh sĩ có vũ trang tại một trung tâm bán lẻ.
Trước đó, nhiều cuộc biểu tình và tuần hành cũng đã diễn ra để phản đối
việc quân đội lên nắm quyền từ ngày 22/5. Đơn cử trong ngày 24/5, khoảng
1.000 người cũng đã biểu tình phản đối đảo chính quân sự. Những người
này đã đối đầu với hàng trăm binh sỹ trước khi phải giải tán.
Trong tuyên bố đưa ra sáng nay (25/5), Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng
Prayuth Chan-ocha, tiếp tục kêu gọi người dân không tham gia biểu tình
đường phố. Theo ông, các nguyên tắc dân chủ thông thường không thể được
áp dụng trong thời điểm hiện nay.
Tướng Prayuth đưa ra cảnh báo trên trong lúc các binh sĩ đang phong tỏa
ra khu vực trung tâm thủ đô Bangkok để ngăn chặn biểu tình tái diễn. Ông
cũng biện minh cho vụ bắt giữ hàng chục quan chức chính phủ dân sự vừa
bị lật đổ, trong đó có cả cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Trong động thái liên quan, Hội đồng gìn giữ hòa bình và trật tự (NPOMC) -
cơ quan được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan - đã tổ
chức cuộc họp với các quan chức kinh tế của chính phủ và các thể chế
liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế trong nước, nhất là
vấn đề trả nợ cho nông dân.
Theo người phát ngôn của chính quyền quân sự, trong cuộc họp, đại diện
NPOMC đã đồng ý thông qua khoản ngân sách đặc biệt cho nông dân và sẽ
bắt đầu phát tiền trả nợ cho họ vào đầu tuần tới.
Đây là những người đã bán gạo cho chính phủ của bà Yingluck theo chương
trình thu mua lúa gạo gây tranh cãi. Tuy nhiên, những đấu đá chính trị
nội bộ và căng thẳng do biểu tình bùng phát từ tháng 10 năm ngoái khiến
chính phủ của bà Yingluck chưa thể thanh toán tiền nợ cho nông dân./.
(TTXVN)