Tác phẩm Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán, có miêu tả về Côn Đảo như sau: “Tất cả tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian. Nghe người ta nói ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa…”.
Nhưng đó là Côn Đảo của những năm tháng còn chiến tranh khốc liệt. Còn hôm nay, hoa đã nở trên mảnh đất mà máu xương của những người cộng sản kiên trung đã đổ xuống.
Trên hành trình về thăm Côn Đảo anh hùng, địa điểm đầu tiên mà tôi và du khách đặt chân đến là mộ bà Phi Yến với tích xưa:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
Chuyện kể rằng, bà Phi Yến là một trong những người vợ của chúa Nguyễn Phúc Anh (tức Nguyễn Ánh). Năm 1783, để tránh lực lượng Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đưa đoàn tùy tùng của mình trong đó có bà ra Côn Đảo.
Cùng thời điểm này, chúa Nguyễn Ánh liên tục gặp thất bại và có ý định cầu viện Pháp. Bà Phi Yến không những không đồng ý với quyết định trên mà còn khuyên chúa Nguyễn Ánh không nên cõng rắn cắn gà nhà. Vì lời khuyên này mà bà đã bị biệt giam trong một động đá.
Sau khi nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh) lúc bấy giờ mới chỉ vừa 5 tuổi, đòi mẹ khóc thảm thiết và bị Nguyễn Ánh chém chết.
Bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, vô cùng đau xót. Bà đứng hoài trước mộ con và khóc. Dân làng thương tâm mà hát ví: “Gió đưa cây Cải về trời, Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay” .
Bà Phi Yến còn nổi tiếng với câu chuyện vì bị một gã sở khanh sàm sỡ một bên cánh tay mà tự chặt tay rồi liều mình tự vẫn để vẹn toàn danh tiết.
Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự hiếu thảo của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng, lập nên miếu Bà cùng miếu Cậu để thờ.
Quá khứ hào hùng
Trong câu chuyện của người hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi (những du khách về thăm Côn Đảo) cảm nhận sâu sắc được sự đau thương của một thời quá khứ mất mát và hào hùng. Thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Côn Đảo là nơi đã giam giữ những chiến sĩ cộng sản và người ái quốc.
Bởi vậy, nhắc đến Côn Đảo còn là nhớ đến những hy sinh vĩ đại của những người cộng sản kiên trung, khuất bất. Những người đã biến “địa ngục trần gian” với những màn lóc thịt, chẻ xương, giam hãm trong chuồng bò, chuồng cọp… thành trường học cách mạng. Thời Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, nhiều sĩ phu yêu nước bị đày ra đây như cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn An Ninh…
Những năm sau, có hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên với những cái tên đã đi vào lịch sử như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Võ Thị Sáu, Trương Mỹ Hoa… cũng bị giam cầm. Họ không khuất phục, đầu hàng trước những đòn roi thâm độc của kẻ thủ để viết nên những bản hùng ca vĩ đại trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cũng tại đây, hơn 20.000 đồng chí cộng sản đã nằm lại. Hiện ở nghĩa trang Hàng Dương chỉ mới tìm được 1.921 phần mộ, trong đó chỉ có 713 phần mộ tìm được họ tên, quê quán. Còn lại là rất nhiều những ngôi mộ không tên. Nhưng ai ai cũng biết, những con người như thế đã làm nên đất nước của ngày hôm nay.
Tôi cùng du khách viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc. Dù ngày hay đêm thì nghĩa trang này vẫn luôn đông khách viếng thăm các liệt sĩ, viếng thăm phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Khí phách hiêng ngang của chị Sáu khiến kẻ thù cũng phải kính phục, kiêng nể và khi chị mất thì có rất nhiều giai thoại về sự linh thiêng của chị.
Ở nghĩa trang này, ban đêm những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén nhang làm cho nghĩa trang trở nên lung linh huyền ảo, tạo nên cảm giác ấm cúng trong lòng người đi viếng mộ. Tiếng nhạc trầm trầm, dịu nhẹ cộng hưởng cùng tiếng sóng biển âm vang và tiếng gió như một bản hòa tấu ru giấc ngủ ngàn đời của các anh hùng, liệt sĩ, những người con yêu nước nằm lại nơi này.
Nghĩa trang Hàng Dương từ lâu được nhắc đến như một điểm du lịch tâm linh độc đáo. Có nhiều người hay đi viếng mộ ở nghĩa trang này vào lúc nửa đêm. Bởi mọi người quan niệm rằng, lúc nửa đêm là thời khắc mà cõi dương và cõi âm có thể kết nối với nhau thông qua ý niệm. Người dân nơi đây quan niệm rằng phải tới giờ tý mới linh nghiệm. Người dân Côn Đảo và du khách cũng tin rằng chị Sáu rất linh thiêng và viếng chị vào đêm rằm, nhất là vào lúc 12 giờ đêm, lời cầu nguyện sẽ càng linh ứng.
Điều này cũng lý giải vì sao vào những ngày rằm, mùng một, dòng người vào viếng nghĩa trang Hàng Dương dường như không dứt. Đặc biệt, vào đêm giao thừa hàng năm, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân Côn Đảo ra nghĩa trang Hàng Dương để viếng mộ, thắp nhang cầu phúc, cầu may và cầu an lành cho cuộc sống bản thân cũng như gia đình. Và đây cũng là một nét văn hóa rất riêng của người Côn Đảo mà những nơi khác không có được.
Một điều đặc biệt nữa là, những người đến với nghĩa trang này, dù vào ban đêm nhưng đều tỏ ra bình thản khi len lỏi đi giữa các dãy mộ trong bóng tối nhập nhòa, không có cảm giác sợ hãi ma quỷ. Đứng giữa trời đất linh thiêng, mọi người lầm rầm khấn nguyện. Có lẽ lòng thành đã giúp cho tôi và mọi người quên đi nỗi sợ. Thêm vào đó, sâu thẳm trong suy nghĩ của tôi và chắc mọi du khách cũng vậy thì nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người đã quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, do vậy muốn cho lời cầu linh nghiệm, mọi người đã thể hiện tinh thần yêu nước, muốn cầu cho “Quốc thái Dân An” trước, sau đó cầu cho bản thân mình.
Đứng lặng người trước những ngôi mộ, chúng tôi khâm phục về sức mạnh phi thường đã in sâu vào từng trái tim, khối óc của những con người anh hùng mà không một đòn tra tấn dã man nào có thể làm lung lay ý chí và có thể làm họ cúi đầu khuất phục. Trước cái chết, trước sự tra tấn tàn khốc dã man, những chiến sĩ kiên trung vẫn ung dung tự tại đối mặt với kẻ thù.
Tôi và du khách cũng đã lặng người đi trước những ngôi mộ, những câu chuyện kể tội ác của kẻ địch. Bây giờ nhà tù tàn khốc năm xưa vẫn còn đó nhưng Côn Đảo hôm nay đã khác, không còn là địa ngục gữa trần gian nữa. Quá khứ đau thương và bi tráng đang dần khép lại, dần lùi vào dĩ vãng để mở ra cho Côn Đảo ngày nay phát huy tiềm năng lợi thế của mình..
Chuyến thăm Côn Đảo thật ý nghĩa với tôi về lại cội nguồn. Thật xúc động khi viếng thăm những di tích lịch sử đậm đặc ký ức đau thương, với hệ thống nhà tù khắc nghiệt, để lại cho tôi và du khách bài học: Hãy sống sao cho xứng đáng với cha ông!
Côn Đảo thân thiện, bình yên
Dân số của Côn Đảo ước chừng khoảng 7.000 người, với 200km đường bờ biển và hàng chục bãi tắm đẹp mang dáng vẻ hoang sơ, đem lại cảm giác thích thú, mới lạ cho du khách khi đặt chân tới đây. Đó là những bãi biển nước xanh trong vắt, những khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá tốt, bầu không khí trong lành và cuộc sống yên bình của người dân trên đảo.
Hòn đảo xinh đẹp này từng được tạp chí Travel+Leisure của Mỹ bình chọn là một trong những hòn đảo bí ẩn quyến rũ nhất thế giới, với mô tả nơi này có "những vách đá dốc đứng bên cạnh những bãi biển hoang sơ và làn nước xanh trong vắt". Hòn đảo xinh đẹp này đang thực sự trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều người.
Một du khách nhận xét, Côn Đảo “mang vẻ đẹp của sự tĩnh lặng”, mang lại những cung bậc cảm xúc ngọt ngào, dễ chịu, khác xa với cuộc sống náo nhiệt nơi phố thị.
Quả thật, dạo quanh nhiều con đường, bãi biển, điểm du lịch tại Côn Đảo, tôi nhận thấy quán xá đã mọc lên nhiều hơn, thực đơn cũng khá phong phú đa dạng. Tuy nhiên, ở đây không có trình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách. Cũng không có tình trạng người bán gợi ý ăn món đắt tiền để thu lợi, gây khó chịu cho du khách như ở một số nơi khác.
Con người ở Côn Đảo luôn tỏ ra thân thiện, hiền hòa và chân chất. Ở những phiên chợ, tôi không thấy có tình trạng nói thách và người dân nơi đây cũng không có thói quen nói thách.
Đúng như nhận xét của nhiều người, đến Hòn Đảo, ngoài việc được thưởng thức nguồn hải sản tươi ngon, còn có một "đặc sản" khác đó chính là sự thân thiện, nhiệt tình và tấm lòng chân chất của người dân xứ đảo.
Một điều làm tôi và du khách ngạc nhiên không kém nữa là dù không thấy cảnh sát giao thông đứng ngoài đường, ở các ngã ba, ngã tư, hay “núp lùm” nhưng người dân ở đây vẫn tự giác tuân thủ giao thông một cách đáng ngạc nhiên.
Trung tâm du lịch tầm cỡ
Với vị trí thuận lợi, nằm gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Nam Bộ, thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi tắm, bãi san hô đẹp, hệ sinh thái rừng biển kết hợp, và nhất là khu di tích hệ thống nhà tù khét tiếng trên thế giới do Pháp xây dựng… Côn Đảo có đủ mọi yếu tố để phát triển thành một trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực.
Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg đã vạch ra định hướng: Xây dựng Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch-dịch vụ chất lượng cao, tương xứng với vị trí tiền tiêu, bảo đảm an ninh - quốc phòng, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của cả vùng phía Nam, của cả nước và hội nhập quốc tế.
Thực hiện quyết tâm trên, Đảng bộ, chính quyền, cùng nhân dân Côn Đảo đang nỗ lực từng ngày để biến mảnh đất này thành một thiên đường du lịch trong tương lai. Chỉ tính trong năm 2013, doanh thu dịch vụ, du lịch của huyện Côn Đảo đạt 976,26 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch đạt 301 tỷ đồng.
Thống kê của UBND huyện, năm qua có trên 90.000 lượt khách du lịch đến đảo, trong đó, khách quốc tế trên 17.000 lượt người. Dự kiến năm 2014, Côn Đảo sẽ đón trên 94.000 lượt khách du lịch, nâng doanh thu du lịch lên 350 tỷ đồng, góp phần vào thu ngân sách trên 1.032 tỷ đồng.
Hiện tại, Côn Đảo sở hữu nhiều bờ biển đẹp như bãi Đất Dốc, bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre...Vườn quốc gia Côn Đảo với gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng nước, là quê hương của các loài yến, rùa biển, cá heo và là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại quần thể bò biển (Dugong).
Đến với Côn Đảo, du khách còn có cơ hội bơi lặn ngắm san hô. Theo các nhà khoa học, san hô ở đây rất đa dạng về chủng loại với san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, khối… đều thuộc sách đỏ của Việt Nam.
Du lịch tâm linh cũng là một thế mạnh của mảnh đất này với nghĩa trang Hàng Dương ngày đêm ấm áp những ánh đèn, với đường lên Vân Sơn Tự mờ mờ, ảo ảo. Chỉ ngước mặt lên mà tưởng như tay chạm nóc trời,… và rất nhiều địa danh khác nữa.
Ngoài du lịch, Côn Đảo còn có ngư trường lớn, phạm vi đánh bắt hải sản rộng, rất thuận tiện cho các dịch vụ hậu cần, xây dựng các cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu. Ngoài ra, trên quần đảo còn có khoảng 10 điểm có thể khai thác được yến sào.
Với những tiềm năng như thế, thời gian tới hy vọng Côn Đảo sẽ phấn đấu trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế; khu vực bảo tồn di tích lịch sử có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển của quốc gia và trở thành tiền đồn quốc phòng an ninh quan trọng của đất nước.
Riêng tôi, đến với Côn Đảo hôm nay như một hành trình về lại cội nguồn với biết bao bài học đầy ý nghĩa. Trên đường về, nước trong vắt lạ thường, hoa nở ngợp trời Côn Đảo như nhắc nhở mọi người rằng, máu xương cha ông đã đổ xuống để chúng ta có ngày hôm nay. Hãy luôn trân trọng, nâng niu và gìn giữ nó!
ThS. Phạm Thị Vui,
PGĐ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương