Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 4/11/2019 12:27'(GMT+7)

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Thực hiện nghiêm kê khai tài sản, thu nhập

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2019, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử... Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước đạt 82,99%.

Đáng chú ý, việc kê khai tài sản, thu nhập tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, đạt 99,9% số người phải kê khai. Công khai bản kê khai đạt 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm; đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý 2 trường hợp.

Ngoài ra, việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng truyền thống tốt đẹp để đưa hối lộ, tham nhũng. Có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng. Cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỷ đồng.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Kiến nghị thu hồi hơn 81.000 tỷ đồng

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.585 cuộc thanh tra hành chính và 252.499 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng và trên 819 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 102 vụ, 181 đối tượng...

Các cơ quan thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.123 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, xử lý, thu hồi 8.163 tỷ đồng (đạt 51%), 340 ha đất (đạt 38%); xử lý hành chính 1.445 tổ chức, 3.800 cá nhân; đôn đốc việc khởi tố 146 vụ, 28 đối tượng…

Năm 2019, qua công tác tự kiểm tra nội bộ phát hiện 26 vụ, 30 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 69 vụ, 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 17 vụ, 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua hoạt động kiểm toán phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

“Trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Dự báo trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện.

Đặc biệt, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng, chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; tổ chức thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với việc thi hành các quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động tố tụng; kiên quyết, khẩn trương áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường các biện pháp tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cần tăng cường phối hợp, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất