Thứ Năm, 24/10/2024
Xã hội
Thứ Hai, 25/3/2019 15:49'(GMT+7)

Tham vấn chính sách bảo hiểm y tế cho các bệnh về mắt ở trẻ em

Nghiên cứu về dịch vụ chăm sóc mắt cho trẻ em của Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, ước tính ở Việt Nam hiện nay có 3.936.944 trẻ mắc tật khúc xạ (chiếm tổng số 16,67% số trẻ dưới 16 tuổi tại Việt Nam; 70.200 trẻ khiếm thị, chiếm 0,30%; dưới 1.334.101 trẻ lác/lé và dưới 236.124 trẻ sụp mi (1%).

Thực tế cho thấy, các bệnh về mắt của trẻ nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến một số gánh nặng y tế (thể chất và tinh thần), xã hội và kinh tế đối với cá nhân trẻ và gia đình trẻ. Bởi việc điều trị muộn hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn tới suy giảm thị lực và thậm chí là mù lòa. Điều trị càng muộn dẫn tới việc hiệu quả điều trị càng kém và chi phí càng cao.

Hiện nay, phần lớn trẻ em, khoảng 62% sử dụng dịch vụ chuẩn đoán các bệnh về mắt tại các cơ sở y tế tuyến trên; có khoảng 17% số trẻ đến các cơ sở y tế tuyến cơ sở và 12% số trẻ đến các phòng khám tư nhân để chuẩn đoán các bệnh về mắt.

Trung bình chi phí để điều trị cho một trẻ bị lác/lé là 350.000đ nếu có bảo hiểm y tế và 550.000đ nếu không có bảo hiểm y tế. Để điều trị các tật khúc xạ, chi phí từ tiền túi là 62.500đ đối với trẻ có bảo hiểm y tế và 205.000đ đối với trẻ không có bảo hiểm y tế, chưa kể chi phí kính mắt. Chi phí của kính mắt trung bình là 447.639đ/năm.

Chi phí trung bình của dịch vụ chẩn đoán, điều trị và theo dõi một ca trẻ em mắt tật khúc xạ lần lượt là 299.700đ, 281.640đ, 164.960đ và 34.950đ tại các tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã.

Dịch vụ chuẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh khiếm thị ở trẻ em chỉ có ở bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh. Dịch vụ chuẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh lác/lé trẻ em chỉ có ở các bệnh viện mắt tuyến trung ương và tuyến tỉnh cung cấp với chi phí trung bình ở mỗi nơi lần lượt là 4.149.400đ và 3.491.760đ.

Cùng đó, các nghiên cứu quốc tế sử dụng các tiếp cận so sánh số năm sống điều chỉnh theo chất lượng cũng đã chỉ ra rằng, việc điều trị 4 bệnh về mặt ở trẻ em (tật khúc xạ, khiếm thị, lác/lé và sụp) có các can thiệp có chi phí hiệu quả. 

Chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế nếu các bệnh/ tật mắt ở trẻ em được bảo hiểm y tế thanh toán thay đổi theo mức độ bao phủ dịch vụ y tế. Ngân quỹ bảo hiểm y tế ước tính cần để có thể bao phủ 100% chi phí cung cấp các dịch vụ chuẩn đoán, điều trị/điều chỉnh và theo dõi các ca tật khúc xạ, khiếm thị, lác/lé và sụp mi cho trẻ dưới 16 tuổi tại Việt Nam là từ 666 tỉ đồng – 872 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,37% - 5,65% quỹ Bảo hiểm y tế.

Tại Hội thảo, bà Lê Việt Anh, Điều phối viên về Vận động chính sách, tổ chức Orbis đã trình bày các giá trị mang lại khi đầu tư cho chương trình Phòng chống mù lòa cho trẻ em tại Bangladesh. Từ nghiên cứu này của Orbis cho thấy, lợi nhuận kinh tế dự tính cho việc đầu tư vào phòng ngừa và điều trị các bệnh có thể dẫn đến mù lòa ở trẻ em tăng khoảng 8 lần mỗi năm. Theo cách tiếp cận vòng đời, 1USD được đầu tư sẽ mang lại 250USD lợi ích kinh tế. Đây có thể là một đóng góp to lớn cho sự phát triển của Tổng sản lượng quốc gia. Những trường hợp mù lòa ở trẻ em hoặc từ sơ sinh sẽ gây ra những gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội hơn những người bị mù ở độ tuổi trưởng thành.

Đồng chí Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế và bà Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc bệnh viện  Mắt Thành Phố Hồ Chí Minh trong trình bày nghiên cứu của mình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của  việc thăm khám và điều trị kịp thời các bệnh về mắt ở trẻ em. Đồng thời, đề nghị, bảo hiểm y tế cần chi trả các chi phí khám, điều trị và theo dõi sau điều trị bệnh lác, lé và sụp mi cho toàn bộ trẻ em. Cần tăng cường nhận thức của cộng đồng về tật khúc xạ, gánh nặng mù lòa do hậu quả của tật khúc xạ không được chỉnh kính đang đè nặng nên vai người bệnh, gia đình, xã hội,v.v.. do đó, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục lối sống và sức khỏe học đường, phòng ngừa và phát hiện sớm trẻ mắc tật khúc xạ... 

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng đề nghị, nên mở rộng chính sách bảo hiểm y tế, thực hiện chi trả chi phí chẩn đoán lần đầu và điều chỉnh tật khúc xạ hằng năm của trẻ. Đây cũng là giải pháp đạt chi phí hiệu quả nhằm giảm gánh nặng y tế, xã hội và kinh tế của bệnh này.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng cần tăng cường củng cố năng lực của các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở đối với các dịch vụ chuẩn đoán, điều trị tật khúc xạ ở trẻ em; trong đó, có việc cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa về mắt, thành lập các khoa Nhãn nhi tại các bệnh viện...

Những ý kiến tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các dữ liệu một cách khoa học, toàn diện, thuyết phục và đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chính sách bảo hiểm y tế cho các bệnh về mắt ở trẻ em tại Việt Nam; nhằm mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ chăm sóc mắt của trẻ em và giúp trẻ em được thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ về chăm sóc bệnh ở mắt trong thời gian tới.

Thu Hằng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất