Một bản “ly hôn” dài 585 trang với một tuyên bố chính trị kèm theo các phụ lục là kết quả của cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bất thường về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) diễn ra chớp nhoáng trong buổi sáng hôm 25/11 vừa qua. Kẻ ở người đi, dù hai bên đều đạt được hầu hết mục tiêu mong muốn, song khó tránh khỏi những cảm xúc vui buồn xen lẫn lo lắng.
Hội nghị thượng đỉnh EU và Anh diễn ra ở Brussels sáng 25/11 không có tranh luận cũng như biểu quyết nhưng đã ngã ngũ toàn bộ nội dung mà hai bên đàm phán căng thẳng trong suốt 17 tháng qua. Xét trong bối cảnh những căng thẳng chính trị dồn dập tại cả Anh lẫn trong nội bộ EU thời gian gần đây, thỏa thuận Brexit đạt được ngày 25/11 là giải pháp cùng thắng cho cả hai phía.
Với EU, thỏa thuận Brexit này là minh chứng cho sự đoàn kết giữa 27 nước thành viên, ngay từ những thời điểm đầu tiên của cuộc đàm phán. Sự đoàn kết hiếm có từ trước đến nay giúp cho EU giành được một thỏa thuận về cơ bản gần như đáp ứng được tất cả yêu cầu mà liên minh này đặt ra ngay từ đầu, từ việc Anh phải chi trả "hóa đơn ly hôn" trị giá 39 tỷ bảng đến quyền công dân.
Đặc biệt, thỏa thuận đề cập đến bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc. Nói như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, thỏa thuận đạt được là "điều duy nhất có thể", "một thông điệp không thể rõ ràng hơn" cho những người vẫn còn gièm pha thỏa thuận tại Anh cũng như ảo tưởng về việc đàm phán một thỏa thuận khác.
Với London, dù chưa thể coi thỏa thuận Brexit này là "thắng lợi" nếu so sánh với các đòi hỏi và quan điểm cứng rắn ban đầu của Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng ít nhất việc có được thỏa thuận này cũng tránh cho xứ sở Sương mù điều tồi tệ nhất là ra đi trong hỗn loạn.
Sự nhượng bộ cần thiết để thông qua thỏa thuận là cách để Anh đạt được lợi ích tốt nhất cho đất nước, như: Có quyền kiểm soát đường biên giới, ngân sách tài chính, luật pháp của Anh, đồng thời là sự tôn trọng mong muốn của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Bên cạnh đó, các điều khoản trong thỏa thuận cũng bảo đảm dây chuyền nguồn cung, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, duy trì quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ với EU, bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ của Anh, tôn trọng cam kết không "biên giới cứng" giữa Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh. Điều này có thể tạo ra sự tự tin lớn hơn cho phía Anh trong giai đoạn đàm phán Brexit thứ hai sắp tới.
Nói một cách ngắn gọn, sau nhiều tháng đàm phán, tranh cãi nảy lửa, hội nghị thượng đỉnh EU-Anh ngày 25/11 đã hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của mình là thông qua thỏa thuận có lợi cho cả hai phía.
Có thể nhận ra những cảm xúc vui mừng của Thủ tướng Anh Theresa May khi trút bỏ một phần gánh nặng trong vụ "ly hôn lịch sử" này. Trước đó, bà Theresa May đã đặt cược cả tương lai chính trị của mình vào cuộc đàm phán Brexit và thực tế bà không còn đường lùi bởi thời hạn Anh rời EU vào ngày 29/3/2019 đã tới quá gần. Nếu Anh không đạt được thỏa thuận "chia tay" với EU, đó chẳng khác nào một "ngón đòn hiểm", vừa gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Anh, vừa làm xói mòn nghiêm trọng uy tín chính trị của bà May.
Hài lòng vì đạt được thỏa thuận bảo toàn được lợi ích và tôn trọng các "ranh giới đỏ", song cũng có sự nuối tiếc đối với những nhà đàm phán EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh đây là khoảnh khắc đáng buồn, "một bi kịch" tương tự như những gì giới chức EU đã nói vào ngày 24/6/2016, khi cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý đã lựa chọn rời khỏi mái nhà chung EU, hay ngày 29/3-/017, khi nước Anh chính thức kích hoạt "cuộc chia tay" không thể đảo ngược giữa hai bên.
Nhưng làm thế nào để "cuộc ly hôn" diễn ra êm thấm mới thực sự là bài toán khó cho cả EU và Anh. Dù bản thỏa thuận thông qua ngày 25/11 được gọi là "lịch sử" song nó lại chứa đựng những yếu tố gây chia rẽ trong nội bộ nước Anh. Trở ngại lớn nhất đối với thỏa thuận Brexit là sự phản đối mạnh mẽ của giới lập pháp Anh. Bà May sẽ phải vận dụng cả "con tim và khối óc" để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ bản thỏa thuận Brexit mà khó khăn lắm mới có được.
Theo kế hoạch, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận vào giữa tháng 12 tới. Với tình hình chính trị tại Anh hiện nay thì kết quả của cuộc bỏ phiếu này vẫn còn là một ẩn số khó lường và số phận của thỏa thuận vẫn còn rất bấp bênh. Nếu Thủ tướng May không có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội, mọi thứ sẽ trở lại vạch xuất phát và khi đó tình thế sẽ phức tạp, thậm chí rơi vào hỗn loạn. London có thể sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 mà không đạt được một thỏa thuận nào về tương lai quan hệ song phương với EU hậu Brexit. Đương nhiên, với kịch bản như vậy, số phận chính trị của Thủ tướng May sẽ bấp bênh hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, ngay cả khi được Quốc hội Anh thông qua, thỏa thuận Brexit cũng khó có thể vượt qua "ửa ải" Nghị viện châu Âu nếu như đàm phán song phương giữa Anh và Tây Ban Nha đối với chủ quyền ở Gibraltar-vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland không thành công. Nếu Madrid không phê chuẩn thỏa thuận Brexit tại Nghị viện châu Âu, điều này đồng nghĩa mọi nỗ lực trước đây của Anh và EU sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Có thể nói, thỏa thuận Brexit đạt được ngày 25/11 là màn kết có hậu sau 17 tháng nỗ lực đàm phán không ngừng để đạt một "khế ước ly dị" khả dĩ nhất. Thế nhưng, nó cũng tạo ra những thách thức mới buộc cả EU và Anh phải vượt qua để tránh một kịch bản xấu xảy ra, đẩy cả khu vực vào tình thế hỗn loạn./.
Linh Oanh (Báo QĐND)