(TG)- Sự dồn ép từ những vấn đề của địa phương, của quốc gia, cộng với việc tăng thời gian thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thêm 90 phút đã giúp phiên họp toàn thể của QH hôm qua có chiều sâu hơn.
Chủ động và nỗ lực
Các ĐBQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ các yếu tố tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, chú ý đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các tỉnh miền núi. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm chính sách cho người có công; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương hành chính. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước, tài sản của nhân dân.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển
|
Chính phủ nhiệm kỳ mới khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình đứng trước nhiều khó khăn. Đó là tình trạng nợ công, nợ xấu đã báo động, giải ngân chậm, đội vốn và lãng phí trong đầu tư. Cân đối thu chi nhiều bất ổn, chuyển nguồn hàng năm còn lớn, bội chi ngân sách tiếp tục tăng. Trong khi đó, một số vấn đề xã hội, môi trường mới phát sinh tạo sức ép không nhỏ, đặc biệt sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016.
Nhưng qua một năm, nhiều ĐBQH cho biết, cử tri cả nước ghi nhận sự chủ động và nỗ lực cao trong điều hành thực tế của Chính phủ, qua đó giúp giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Độ nhạy trong điều hành chính sách thể hiện qua chỉ đạo sát thực tiễn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thêm củng cố sự tin tưởng của nhân dân - ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) khẳng định.
Tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ không chỉ được thể hiện ở Trung ương. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, tinh thần liêm chính đã được thể hiện trong điều hành, quản lý của chính quyền nhiều địa phương. Cụ thể là, qua việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những vụ án tham nhũng, hay tiêu cực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xử lý nghiêm, dù có thể chưa được như mong muốn, song cử tri TP Hồ Chí Minh rất phấn khởi với kết quả ban đầu này. “Cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, để dân tin và để đất nước phát triển”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Phải rõ trách nhiệm
Tuy nhiên, các ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của nền kinh tế nước ta hiện nay. Đó không chỉ là những vấn đề cũ như tham nhũng, lãng phí, an toàn thực phẩm... mà nguy hiểm hơn là một số hạn chế đang “nóng” lên. Ngân sách đã xuất hiện dấu hiệu mất cân đối, sự ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Nợ công còn cao và có xu hướng tăng trong những năm tới, tạo áp ực trả nợ lớn. Chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn.
Điều khiến một số ĐBQH lo lắng nữa là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội. Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và “đâm thủng” pháp luật. Một thực tế đau lòng được ĐB Đặng Thuần Phong chỉ ra: tình trạng “chạy” diễn ra phổ biến, đến mức từ trong bụng mẹ đã phải “chạy” chỗ sinh đẻ.
Nhiều ĐBQH đề nghị, Báo cáo của Chính phủ phải làm rõ hơn các trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, đơn vị khi để xảy ra tình trạng này.
Giải pháp nào để tăng trưởng 6,7%?
Trong ngổn ngang những vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa đang đặt ra với Chính phủ, các ĐBQH cũng đặc biệt lưu ý về hiện tượng tăng trưởng GDP trong quý I.2017 thấp nhất trong 3 năm gần đây, có khả năng không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Đây là bài toán khó với các cơ quan chức năng trong năm 2017, thậm chí là trong những năm còn lại của giai đoạn phát triển 5 năm 2016 - 2020. Chia sẻ khó khăn với Chính phủ, ĐB Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần cân nhắc thực hiện nâng cao năng lực điều hành kinh tế, tài chính, để mang lại kết quả tăng trưởng bền vững hơn. Còn một số ĐBQH nêu rõ: Chính phủ nên nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu được QH đưa ra, trên cơ sở phát huy một số “điểm sáng” trong điều hành kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan trong thực hiện giải pháp cho các tháng cuối năm.
Để nói được trọn vẹn các mối quan tâm của cử tri, đồng hành với Chính phủ trong tình hình hiện nay, QH đã quyết định tăng thêm 90 phút để thảo luận về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các ĐBQH đã bắt lấy cơ hội này, đánh giá kỹ hơn những nguyên nhân của các vấn đề đặt ra với nước ta hiện nay. Đã có những giải pháp thuyết phục được đưa ra bởi chính các ĐBQH. Hy vọng rằng, từ việc đánh giá thẳng thắn và những gợi mở của ĐBQH, tình hình kinh tế - xã hội sẽ ngày càng chuyển biến tích cực hơn.
Phương Thủy (Báo ĐBND)