Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 28/8/2018 14:29'(GMT+7)

Thanh Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng

Khu lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Rừng Thông  - nơi Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa ngày 20/02/1947. ​(Ảnh: Tư liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Khu lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Rừng Thông - nơi Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa ngày 20/02/1947. ​(Ảnh: Tư liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Theo số liệu khảo sát, toàn tỉnh có 135 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng (32 di tích quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh). Đó là những địa điểm đánh dấu sự ra đời và hoạt động của tổ chức đảng; là địa điểm hoạt động bí mật của những chiến sĩ cộng sản; là những nhà máy, xí nghiệp, công xưởng sản xuất vũ khí, đồ dùng phục vụ cho kháng chiến; là nơi cất trữ, tiếp tế lương thực, đạn dược cho chiến trường,…

Cũng như các loại hình di tích khác, di tích lịch sử cách mạng cũng chứa đựng những giá trị riêng, có thể nêu lên những giá trị tiêu biểu như: Giá trị về lịch sử và khoa học; giá trị về văn hóa, truyền thống, đạo đức và lòng yêu nước; ngày nay còn có giá trị về phát triển kinh tế du lịch. Bởi lẽ, hệ thống di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ghi dấu ấn về sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong quá trình lãnh đạo cách mạng; thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và công lao to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa trong suốt chiều dài các cuộc trường chinh của thế kỷ XX, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Di tích lịch sử cách mạng ở Thanh Hóa là biểu tượng cho truyền thống yêu nước, cho sức mạnh đoàn kết quân dân và hợp tác quốc tế; biểu tượng cho tính cách của người Thanh Hóa: kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Ngày nay, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong các hoạt động giáo dục truyền thống và tham quan du lịch của tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung; từ ý nghĩa, giá trị của hệ thống di tích lịch sử cách mạng nói trên, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển du lịch[1], giai đoạn 2016- 2020, trong đó nhấn mạnh: "Tập trung xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch gắn với các di tích lịch sử cách mạng của tỉnh nhằm giới thiệu với du khách về truyền thống cách mạng của nhân dân Thanh Hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ"; UBND tỉnh ban hành Quyết định 2060/2013/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017- 2025 và đang tham mưu xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng và truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ chủ trương, chính sách của tỉnh, ban tuyên giáo các cấp đã cùng các các địa phương, các ngành trong tỉnh cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, tập trung vào tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu ý nghĩa và giá trị của di tích; tôn tạo, tu bổ, khoanh vùng bảo vệ; kiểm kê, lập hồ sơ, xếp hạng di tích,... Một số di tích đã được quan tâm bảo tồn và phát huy khá tốt, đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong tỉnh, tiêu biểu như: Di tích Hàm Hạ, Di tích Rừng Thông (huyện Đông Sơn), di tích nhà thờ họ Vương (xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa) Khu di tích Yên Trường (Yên Định), di tích cách mạng thôn Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân), di tích Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Huyện Như Thanh), di tích Chiến Khu Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành), Tượng đài các lão dân quân Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa),…

Các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích cách mạng được các địa phương tổ chức thông qua công tác tuyên truyền, báo công, hoạt động tham quan, dã ngoại vào các dịp đặc biệt như: Ngày thành lập Đảng (3/2), ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), ngày sinh nhật Bác (19/5), Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7). Nhiều địa phương làm tốt công tác tổ chức cho các lớp đối tượng Đảng đến dâng hương, báo công tại các điểm di tích - nơi thành lập chi bộ, đảng bộ địa phương; tổ chức tuyên truyền thông qua sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội;  thông qua báo, đài của tỉnh, mạng xã hội; thông qua các cuốn sách Di tích và danh thắng Thanh Hóa, Địa chí và Lịch sử đảng bộ địa phương; bản tin sinh hoạt chi bộ, cho đoàn, chi hội,...

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nêu trên, song, nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức như giá trị của di tích, so với di tích tín ngưỡng, tôn giáo còn khá khiêm tốn. Công tác xã hội hóa để thu hút đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng còn rất ít; công tác khoanh vùng, căm mốc bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những di tích cách mạng gắn với các hộ gia đình; công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích có lúc còn chậm. Nhiều di tích chỉ còn là dấu tích về địa điểm, không còn yếu tố gốc như: Hầm bí mật, địa điểm ngoài trời, nhà dân,…Công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích chưa được thực hiện thường xuyên; tài liệu liên quan đến các di tích còn thiếu, hình thức nghèo nàn, đơn điệu nên khó hấp dẫn đối tượng là học sinh. Công tác bố trí cán bộ chưa được quan tâm, hầu hết các khu di tích cách mạng đã được xếp hạng chưa có người hướng dẫn. Việc dựng biển chỉ dẫn vào di tích chưa được quan tâm; di tích chưa được xếp hạng hầu như không có bia ghi thông tin sự kiện liên quan,...

Thanh Hóa đang cùng với cả nước tiến hành đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Nhiệm vụ giữ gìn các giá trị truyền thống, trong đó có truyền thống cách mạng của Đảng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang đứng trước không ít thách thức, trước âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và những kẻ phản cách mạng. Để di tích lịch sử cách mạng ở Thanh Hóa phát huy được giá trị trong đời sống, nhất là trong giáo dục lý tưởng cách mạng và truyền thống yêu nước cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế, thiết nghĩ, ban tuyên giáo các cấp trong tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh để tham mưu có hiệu quả hơn nữa cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh. Xin đề xuất một số giải pháp cơ bản nên được quan tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng thông qua việc ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, nhất là những địa điểm là nơi thành lập chi bộ, đảng bộ, đầu tiên của các huyện, các xã; nơi ghi dấu hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong giai đoạn từ 1930- 1975.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng theo đúng Luật Di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần quan tâm khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ, dựng bia ghi thông tin về sự kiện lịch sử gắn với địa điểm đối với những di tích chưa được xếp hạng, đặc biệt, những điểm di tích là nơi thành lập chi bộ, đảng bộ các huyện miền núi để có sự bảo vệ kịp thời, tránh việc mất dấu vết sẽ khó khăn cho việc lập hồ sơ, xếp hạng di tích; lập hồ sơ khoa học xếp hạng đối với những di tích chưa được xếp hạng nhưng có nhiều ý nghĩa, giá trị như: Những nơi thành lập chi bộ, đảng bộ đầu tiên của một số địa phương; nâng cấp xếp hạng từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia đối với các di tích cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng,…

Tăng cường hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng với các địa phương trong khu vực và cả nước.

Thứ ba, tăng cường đầu tư nguồn lực để tu bổ, phục dựng, bảo quản di tích; xây dựng hệ thống đường giao thông; đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền như: Xây dựng phòng trưng bày truyền thống, dựng bia lưu niệm, các biển hiệu ghi chú thông tin, trang thiết bị (tăng âm, loa máy) tuyên truyền, thiết bị chiếu sáng,…; đầu tư nguồn lực đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ văn hóa các cấp, hướng dẫn viên tại các khu tích lịch sử cách mạng.

Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng. Xã hội hóa nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Nên quy định rõ những nội dung có thể xã hội hóa, không xã hội hóa tràn lan dẫn đến tình trạng làm méo mó, biến dạng di tích.

Thứ tư, đổi mới hình thức tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử cách mạng, cần tập trung: Đẩy mạnh việc biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương; tăng cường các hoạt động thi tìm hiểu về lịch sử đảng bộ địa phương gắn với tìm hiểu về các di tích lịch sử cách mạng thông qua các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa; đổi mới tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; đổi mới phương pháp trong giáo dục lịch sử trong chương trình học chính khóa và ngoại khóa của các trường cho phù hợp với đối tượng; nên có các sản phẩm văn hóa giới thiệu về di tích như: Sách bỏ túi (mini book), ảnh (postcard); làm biểu trưng di tích trong quà lưu niệm,...

Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử cách mạng cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ việc của cấp ủy và ngành chức năng. Trong đó, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tuyên truyền, giáo dục của Hội Cựu Chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo; đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương có di tích và các ngành, tổ chức liên quan đến di tích.

Thứ năm, phát huy giá trị của di tích thông qua hoạt động tham quan du lịch góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương. Nên xây dựng một số hoạt động kỷ niệm các sự kiện lịch sử cách mạng gắn với di tích thành sản phẩm du lịch về nguồn; xây dựng tour thường xuyên giữa các di tích lịch sử cách mạng với di tích lịch sử văn hóa và các điểm tham quan khác trong tỉnh.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng, cần có sự quan tâm đúng mức của cả hệ thống chính trị. Có như vậy, mới thể hiện sự tri ân của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa ngày nay đối với sự hy sinh quả cảm của thế hệ cha, ông một cách thiết thực; xứng đáng là những người viết tiếp trang sử vàng truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng./.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa


[1] Một trong 5 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất