(TG) - Phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát đã và đang góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Mọi người cũng thường xuyên nhắc nhở nhau cần loại bỏ dần tâm lý đối phó, nghiêm túc tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Ngay từ đầu năm 2024, công an toàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về “xử phạt nguội” qua hệ thống camera giám sát. Đến nay, 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã lắp đặt hệ thống camera giám sát với khoảng 150.000 mắt tại các tuyến và nút giao thông trọng điểm. Trong đó, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông như: người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, vạch kẻ đường, điều khiển xe chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ xe không đúng quy định...
Thông qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng Công an tỉnh phân tích, xử lý các thông tin, hình ảnh từ hệ thống camera và thông tin, hình ảnh do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp để xử phạt nguội.
Qua thống kê, 9 tháng năm 2024, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt nguội 19.601 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 31,2 tỷ đồng. Tất cả các trường hợp vi phạm xử phạt nguội đều được cơ quan chức năng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh.
Khi nhận được thông báo vi phạm về trật tự ATGT của cơ quan công an gửi đến, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phải có mặt tại cơ quan công an để phối hợp giải quyết theo nội dung và thời hạn ghi trong thông báo. Nếu quá thời hạn mà tổ chức, cá nhân có liên quan không đến làm việc, cơ quan công an sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế và gửi cảnh báo đến cơ quan đăng kiểm theo quy định của pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống camera giám sát - phạt nguội đã và đang phát huy hiệu quả, đa số người tham gia giao thông đã nghiêm túc chấp hành các quy định, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Theo cơ quan công an, với việc áp dụng hệ thống camera vào kiểm soát các hoạt động giao thông đã giúp cho lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm chính xác, đồng thời còn giúp cảnh sát giao thông kịp thời quan sát và bố trí lực lượng tổ chức phân luồng giao thông tại các nút, điểm giao thông khi mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao tại các thời điểm.
Học sinh điều khiển phương tiện chưa đảm bảo quy định tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Thông qua camera giám sát, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân cũng được cải thiện, nhất là ở các ngã ba, ngã tư các trường hợp vượt đèn đỏ, đi trước đèn tín hiệu giao thông, điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu gần như giảm thiểu.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình trật tự ATGT tiếp tục diễn biến phức tạp. Công an tỉnh xác định, việc triển khai xử phạt nguội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm, tăng tính răn đe, từ đó kéo giảm tình hình tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Theo thống kê, trong khoảng 3 năm trở lại đây trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, số lượng học sinh đi xe máy, xe điện tới trường đều tăng từ 15 đến 20%, tập trung chủ yếu ở các trường THCS và THPT. Đây là điều dễ hiểu khi các gia đình không quá khó khăn để mua sắm phương tiện cho con em mình, phục vụ nhu cầu đi học chính khóa trên trường và đi học thêm. Tuy vậy, hầu hết các gia đình chỉ dạy con em mình điều khiển phương tiện và một phần lý thuyết sơ lược về các quy định pháp luật về trật tự, ATGT mà chưa coi trọng tới việc giáo dục ý thức chấp hành luật để trước hết bảo đảm an toàn tính mạng cho chính các em mỗi khi dắt xe ra khỏi nhà.
Cùng với việc thiếu sự quan tâm, giám sát thường xuyên của gia đình, một bộ phận học sinh đã có tư tưởng lệch lạc, xem nhẹ việc thực hiện các quy định pháp luật về trật tự, ATGT. Hệ lụy của tình trạng này là xảy ra các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người đi đường khác. Ngoài ra là những biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện thậm chí sẽ nguy hại hơn nếu các em bị lôi kéo vào các nhóm chuyên “lạng lách đánh võng”, đua xe trái phép và các hiện tượng biến tướng khác./.
THANH SƠN