Liên quan đến vụ việc tỉnh Thanh Hóa phát hiện 20 trường hợp sử dụng
bằng cấp giả hoặc sửa bằng, hiện đang làm việc trong lĩnh vực y tế tại
tỉnh Thanh Hóa, trao đổi với phóng viên ngày 26/1, Phó Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền khẳng định vụ việc liên
quan đến tiêu cực trong việc sử dụng bằng cấp giả phải được xử lý dứt
điểm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là sự việc
tiêu cực nghiêm trọng, đặc biệt việc các cá nhân sử dụng bằng giả đã len
lỏi vào các vị trí làm việc trong ngành y tế, tác nghiệp trên cơ thể
người bệnh là một việc không thể chấp nhận được.
Qua sự việc này, tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao việc ngành Y tế chủ động rà
soát, điều tra việc sử dụng bằng cấp trong ngành. Đây là một động thái
tích cực, có động cơ tốt, tác động mạnh đến việc đấu tranh với những
tiêu cực, sử dụng bằng cấp giả trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu ngành Y tế buộc thôi
việc đối với những cá nhân sử dụng bằng giả vừa được phát hiện.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra,
làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ
chức, cá nhân có liên quan; sai phạm đến đâu sẽ xử lý dứt điểm đến đấy.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa
phương phải chú trọng hơn đến khâu tuyển dụng nhân sự, không để xảy ra
hậu quả nghiêm trọng như vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra đối với ngành Y tế
của tỉnh.
Trước đó, qua rà soát bằng công nhận trình độ chuyên môn của tất cả cán
bộ, nhân viên ở các cơ sở y tế trong tỉnh Thanh Hóa và tiến hành nghiệp
vụ thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 18 trường hợp sử dụng
bằng giả và hai trường hợp sửa bằng y sỹ.
Các loại bằng chứng nhận trình độ chuyên môn giả gồm bằng cao đẳng điều
dưỡng, bằng trung học điều dưỡng, bằng dược sỹ trung học, bằng y sỹ,
bằng cao đẳng tin học, bằng trung cấp tin học và bằng kỹ thuật viên xét
nghiệm trung học./.
(TTXVN)