Đây là mục tiêu quan trọng của chương trình “Hải Đăng
Xanh’ do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp
với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện.
Thông tin trên
được đưa ra tại Diễn đàn MCD cùng thanh niên xung kích và các bên liên quan ứng
phó với biến đổi khí hậu tổ chức chiều 9/5, tại Hà Nội.
Theo đó, Chương
trình sẽ được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một với hành trình thắp lửa, 28
nhóm Hải Đăng Xanh (28 tỉnh thành ven biển) sẽ được tuyển chọn và đào tạo các kỹ
năng ứng phó biến đổi khí hậu với 3 chủ đề hành động: quản lý tài nguyên vùng
bờ, sinh kế và truyền thông về biến đổi khí hậu.
Giai đoạn hai, (từ tháng
5 đến 12/2013), 50 cư dân ưu tú từ các tổ chức xã hội địa phương ở các tỉnh,
thành có biển sẽ được các nhóm Hải Đăng Xanh tăng cường năng lực để chia sẻ
thông tin tới 500 người dân và các tổ chức xã hội tại các địa phương.
Tiếp đến giai đoạn ba (từ tháng 1/2013 – 4/2014), một triệu thanh niên,
sinh viên ở các tỉnh, thành phố ven biển sẽ được phổ biến kiến thức biến đổi khí
hậu thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, diễn đàn, chiến dịch truyền thông
đại chúng, sự kiện vì môi trường.
Cùng với đó, 3.260 thanh niên (tượng
trưng cho 3.260 km đường bờ biển khu vực đất liền) sẽ tham gia các hoạt động của
chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Diễn
đàn, bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc MCD cho rằng thanh niên là lực lượng đông đảo,
có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng
đất nước, bảo vệ môi trường và biển, đảo.
“Trong bối cảnh biến đổi khí
hậu đang diễn biến phức tạp, thanh niên chính là lực lượng có thể đi đầu, đảm
nhận vai trò xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời
tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Vì vậy, lực lượng này cần được phát huy, kết
nối, tạo nguồn lực và thúc đẩy để có thể vững tin tỏa sáng,” bà Huệ nhấn
mạnh./.
Hùng Võ
(Vietnam+)