Chiếc kẹp nhặt rác của em
Hồ Lâm Hữu Luân đã góp phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, được nhiều
điểm trường trong tỉnh và các trường vùng sâu, vùng thường xuyên có lũ,
nơi điểm trường có nhiều ao hồ chung quanh, đưa vào sử dụng
Chiếc kẹp nhặt rác của em Hồ Lâm Hữu Luân - học sinh lớp 5/1
Trường Tiểu học Long Hậu 1, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là mô hình
sáng kiến đạt giải B tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên nhi
đồng tỉnh Đồng Tháp năm học 2012-2013.
Sau khi được
Tổng phụ trách Đội phát động phong trào tham gia cuộc thi Sáng tạo kỹ
thuật thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, em đã nhanh trí làm chiếc kẹp
nhặt rác dự thi.
Em Luân sống ở vùng chuyên trồng quýt, đến
mùa thu hoạch em chứng kiến nhà vườn hái quýt bằng chiếc kẹp, chỉ cần
đứng dưới gốc cây, dùng chiếc kẹp là có thể hái được tất cả số quýt trên
cây, kể cả những trái cao tận trên ngọn từ 4-5 mét.
Và trong những lần
tham gia nhặt rác do nhà trường phát động, Luân phát hiện những mẩu rác
thải ở dưới các vũng nước rất bẩn lại khó nhặt vì với tay không tới. Em
nghĩ ngay tới chiếc kẹp hái quýt có thể giúp em nhặt những mẩu rác xa
tầm tay, vừa thuận lợi vừa không bẩn tay.
Các nguyên
liệu để làm một chiếc kẹp nhặt rác rất rẻ tiền, lại dễ tìm, gồm: 1 cây
nhỏ dài 1-2 mét vừa tầm tay người sử dụng, bằng tre, trúc hoặc gỗ; 1
sợi dây gân dài bằng chiều dài cây (1-2m); 1 dụng cụ kẹp nước đá để làm
cây kẹp và 1 bộ phanh xe đạp dùng để điều khiển kẹp. Sợi dây gân nối
liền giữa cây kẹp và bộ phanh, sao cho khi bóp phanh, cây kẹp sẽ kẹp
dính mẩu rác. Chiếc kẹp nhặt rác này còn có nhiều công dụng khác như kẹp
được vật để ở trên cao, ở dưới ao...
Sáng kiến này đã
được nhà trường đưa vào ứng dụng, phát huy tác dụng. Hàng tuần nhà
trường phát động học sinh toàn trường tham gia 1 giờ nhặt rác để vệ sinh
sạch sẽ trong lớp, sân trường và xung quanh trường. Dự định của nhà
trường là làm ra nhiều chiếc kẹp nhặt rác để học sinh sử dụng, vừa nhặt
rác xa tầm tay lại không làm bẩn tay các em.
Chiếc kẹp nhặt rác của em
Hồ Lâm Hữu Luân đã góp phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, được nhiều
điểm trường trong tỉnh và các trường vùng sâu, vùng thường xuyên có lũ,
nơi điểm trường có nhiều ao hồ chung quanh, đưa vào sử dụng./.
Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN)