Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 5/4/2009 19:17'(GMT+7)

Thành phố đang chìm

Mưa-ngập ở TP. Hồ Chí Minh.

Mưa-ngập ở TP. Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, triều cường mỗi lúc mỗi cao thêm, thêm nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh ngập sâu trong nước. Người ta đổ lỗi cho quy hoạch, có người cho rằng thành phố đang lún sụt bởi nạn khai thác nước ngầm ? Nhưng ít người nghĩ nước biển dâng do biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng ngập úng ở thành phố này khi triều cường.

Từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, triều cường sinh ra từ đại dương lại ảnh hưởng đến TP Hồ Chí Minh- đô thị lớn nhất Việt Nam. Cuộc sống ở thành phố với hơn 7 triệu dân lại bị xáo trộn. Nhiều đoạn đê bao bị vỡ, Nhiều khu dân cư, nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Triều cường gây biết bao khó khăn cho cuộc sống người dân. Cảnh giờ tan tầm, những đường phố bỗng chốc thành dòng sông. Xe đạp, xe máy, ô tô ngoi ngóp trong nước lợ. Những tuyến phố có cốt cao hơn trở thành những cổ chai tắc nghẽn. Thoát khỏi đường phố về tới nhà tình trạng cũng không hơn gì. Trước những bất cập ấy, dĩ nhiên là người dân bức xúc. Có nhà nước lội đến nửa thắt lưng người lớn, nước vào đến lưng chừng nhà, ngập 80-90 phân, khiến mọi sinh hoạt trở nên rất vất vả, khổ sở. Bàn ghế trôi nổi lung tung, các vật dụng bằng điện phải kê cao…
 
Trong một thăm dò mức độ hài lòng của người dân mà UBND TP Hồ Chí Minh tiến hành mới đây, có đến hơn 80% người được hỏi tỏ ra không hài lòng với điều kiện sống hiện tại, trong đó có nguyên nhân triều cường gây ngập úng, biến phố thành sông.

Có người cho rằng: triều cường là hiện tượng tự nhiên bình thường. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là chu kỳ của triều cường, đợt nào mà TP Hồ Chí Minh chẳng bị ảnh hưởng. Vì thế có đáng gì mà làm “um xùm” lên vậy?.

Có người thì cho rằng do tốc độ đô thị hoá của thành phố diễn ra quá nhanh lại thiếu quy hoạch, hệ thống thoát nước lại chắp vá, thiếu tùm lum thì làm sao mà không ngập úng cục bộ được.

Cũng có người cho rằng nhiều khu vực của thành phố bị lún sụt do tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi. Người nhìn xa hơn thì nói đó là do hậu quả của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng làm nước biển dâng.

Năm vừa qua triều cường đã đạt tới mức cực trị trong vòng 50 năm trở lại đây. Các số liệu thống kê cũng cho thấy trong vòng 40 năm qua mực nước biển đã dâng thêm 20 cm. Tiến sỹ Trần Thục, viện trưởng Viện Khí tượng thuỷ văn cho biết: “Nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã khẳng định nhiệt độ ở mức cao do xu thế nóng lên toàn cầu trong các thập kỷ vừa qua. Dựa trên các số liệu quan trắc trong 50 năm gần đây cho thấy một điều: Về tần suất các hiện tượng mưa lớn, hạn hán, bão và áp thấp nhiệt đới tăng nhiều hơn. Theo dự đoán, đến năm 2100 mực nước biển có khả năng dâng thêm 1 mét”.

Cần thay đổi hành động để chống thiên tai


Tại lễ công bố “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 2/2009, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định: Triều cường dâng cao ở TP Hồ Chí Minh là do biến đổi khí hậu. Cũng theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và hứng chịu hậu quả nặng nề lại chính là những người dân và các quốc gia nghèo nhất.

Còn theo Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịch Hội nông dân TP Hồ Chí Minh nói: “Nếu cứ tiếp tục thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì chúng ta sẽ làm nhiệt độ trái đất nóng lên và làm mực nước biển dâng lên. Như vậy không chỉ gây ngập mà còn kéo theo các hiện tượng thời tiết bất thường khác. Như vậy để phòng trừ thiên tai, phải giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Thêm vào đó là trồng lại rừng, quy định những khu bảo tồn sinh quyển để làm sao giảm nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính. Và để thích ứng với biến đổi khí hậu, mỗi quốc gia phải có một chiến lược cụ thể. TP Hồ Chí Minh đang xây dựng một loạt dự án để đối phó với hiện tượng này”.

Một “kịch bản” cụ thể: mực nước biển có thể dâng lên 33-45cm vào năm 2050 và sẽ tiếp tục dâng thêm. Khi mực nước biển dâng thêm 1m, vào năm 2100, phần lớn diện tích TP Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận sẽ bị ngập trong nước biển. Trong một cảnh báo khác, TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Và những trận triều cường lịch sử ở TP Hồ Chí Minh mới đây mới chỉ là bắt đầu…/.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất