Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Hai, 23/3/2009 21:58'(GMT+7)

Cần một chiến lược chủ động đối phó thiên tai

Bão Chan Chu là một ví dụ về việc dự báo không chính xác

Bão Chan Chu là một ví dụ về việc dự báo không chính xác

 

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với những đặc điểm khí hậu thời tiết rất phức tạp, năm nào nước ta cũng phải hứng chịu nhiều thiên tai. Những năm gần đây, các số liệu thống kê cho thấy, tính bất thường của thời tiết, thiên tai và mức độ tàn phá của nó ngày càng gia tăng.

Việt Nam nằm ở vùng ảnh hưởng của một trong 2 trung tâm bão lớn nhất thế giới, đó là trung tâm bão Tây Thái Bình Dương. Vì thế mỗi năm nước ta hứng chịu từ 5 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới gây sóng to gió lớn trên biển Đông, mưa lũ, sạt lở đất trên đất liền… gây thiệt hại lớn về người và của.

Ngoài ra, lốc, tố, vòi rồng, mưa đá cùng thường xuyên xảy ra, tuy trên diện hẹp nhưng thiệt hại cũng đến tiền tỷ. Tính bất thường của thời tiết khí hậu ngày càng lộ rõ. Nếu như trước đây, đầu mùa bão thường đổ bộ vào miền Bắc, rồi chuyển dần vào miền Trung; miền Nam ít khi bị bão thì những năm gần đây, quy luật ấy đã thay đổi. Những nơi thường xuyên phải đối phó với bão lũ, như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, cuộc sống người dân luôn bị xáo trộn, gặp muôn vàn khó khăn. Có khi chưa khắc phục xong trận lũ này, trận lụt khác đã lại đến.

Những nơi ít khi bị bão lũ, không có nghĩa là không chịu rủi ro thiên tai. Chỉ cần xác xuất chịu bão lũ hay thời tiết bất thường khác như tố, lốc, vòi rồng 50 năm một lần, thì những gì tích lũy được trong nửa thế kỷ vẫn có nguy cơ mất trắng. Kinh nghiệm ấy đã từng xảy ra ở miền Tây Nam Bộ khi cơn bão Linda năm 1997 tràn qua; Hơn 1.000 phương tiện tàu cá bị đánh chìm, hơn 3.000 ngư dân thiệt mạng; Nghề cá biển Tây Nam suy sụp nhiều năm do thiếu nhân lực.

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây nên, cần dự báo và cảnh báo sớm, chính xác diễn biến thời tiết và cộng đồng phải có biện pháp chủ động đối phó. Nhưng với những gì xảy ra thì khó có thể nói chúng ta đã làm tốt làm cả 2 việc này.

Trước hết xin đề cập năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết bất thường. Từ ngày 30/10 đến 1/11/2009, một trận mưa lịch sử với cường độ trên 500 mm đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây thiệt hại hơn 3000 tỷ đồng. Trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm đã được dự báo là trận mưa rào nhẹ. Tai tiếng hơn cả là vụ cơn bão Chan Chu xảy ra trên biển Đông năm 2006. Dự báo thiếu chính xác về diễn biến của cơn bão này đã làm 158 ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng thiệt mạng trên biển.

Bão Chan Chu là cơn bão có diễn biến bất thường, nhưng một số đài khí tượng thủy văn khu vực như Hồng Kông đã dự báo đường đi của nó một cách chính xác trước 4 ngày, nhưng cơ quan khí tượng thủy văn nước ta thì không. Sau thảm họa Chan Chu, những người lãnh đạo ngành đã phải thừa nhận lỗi hệ thống trong công tác dự báo. Lỗi ấy là do trang thiết bị lạc hậu, nhân lực dự báo không đáp ứng được yêu cầu và nghiêm trọng hơn, công tác dự báo lâu nay chỉ phục vụ cho đất liền.

Sau thảm họa Chan Chu, ngành khí tượng thủy văn buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ. Bão và áp thấp nhiệt đới đã được dự báo kịp thời hơn và chính xác hơn. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết bất thường như lốc, tố, vòi rồng hay mưa đá vẫn còn là thách thức. Nhưng cũng phải nói rằng những hiện tượng thời tiết bất thường hình thành nhanh và xảy ra trên diện hẹp vẫn luôn là thách thức ngay cả với các quốc gia có ngành khí tượng thủy văn tiên tiến.

Về chủ động đối phó với thiên tai cũng có điều chưa ổn. Điều chưa ổn ấy bộc lộ từ cách quản lý phương tiện đi biển, cách kêu gọi tàu thuyền về bờ, sự chủ quan của người dân khi phải đối phó với nước dâng trong bão, cho đến sự vào cuộc ồn ã của cả hệ thống.

Nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng của một trong 2 trung tâm bão mạnh của thế giới, mỗi năm phải đối phó với 5 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đó là chưa kể mưa lũ, lốc, tố, vòi rồng thì cách ứng phó với thiên tai phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Nó phải là hoạt động thường xuyên, không gây xáo trộn hoạt động của xã hội, của nền kinh tế.

Trong đối phó với thiên tai, chúng ta đã có phương châm 4 tại chỗ nhằm đối phó hiệu quả với thời tiết bất thường. Xét trên bình diện vĩ mô, công tác đối phó với thiên tai cần được đặt trong chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời tiết ấm lên toàn cầu làm mực nước biển dâng đang làm hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra bất thường hơn với tần suất cao hơn.

Khi mà đối phó với thiên tai được đặt trong tổng thể chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm cả quy hoạch cụm dân cư, phương pháp canh tác thích ứng, chúng ta sẽ có một chiến lược chủ động hơn nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Đặng Quang Thương (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất