Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 8/10/2018 14:44'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước

Người dân đánh giá sự hài lòng về giải quyết TTHC ở UBND Quận 12

Người dân đánh giá sự hài lòng về giải quyết TTHC ở UBND Quận 12

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đang phấn đấu trở thành đô thị thông minh, đòi hỏi công tác hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước phải đổi mới theo hướng thông suốt, nhanh gọn, hiệu quả, thiết thực, khoa học, chuyên nghiệp hơn. Đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cải cách hành chính (CCHC) là một trong những giải pháp nhằm giúp kinh tế TP phát triển nhanh và bền vững; xây dựng thành công chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh; nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; chống phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực một cách hiệu quả nhất. Đột phá mạnh mẽ trong CCHC sẽ tạo đà cho TP phát triển, vì thủ tục rườm rà chính là một trong những lực cản rất lớn cho sự phát triển và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của TP.

Dịch vụ công trực tuyến, 1 trong 3 trọng tâm của công tác CCHC chính tại TP.HCM và hiện nay đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng dịch vụ và tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ này. Cụ thể, người dân ở các quận, huyện tại TP. HCM có nhu cầu được cấp giấy cấp phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, trích lục khai sinh,v.v.. chỉ cần vào mạng đăng ký. Sau khoảng 10 phút, mọi người sẽ được hướng dẫn cụ thể rõ ràng, chi tiết những thủ tục cần thiết để tiến hành... Trong vòng 10 ngày sau khi xong thủ tục, người dân có thể nhận được giấy phép hoặc các giấy tờ, thủ tục mà mình cần. Đây là một bước cải tiến mới trong cải cách TTHC ở các cơ quan công quyền tại TP. HCM trong năm qua. Theo đó, Quận 12 là 1 trong 3 quận tại TP. HCM được chọn làm thí điểm "Đô thị thông minh", với tiêu chí xác định lấy "người dân làm trung tâm".


 Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 9 tháng đầu năm 2018 về thực hiện công tác CCHC

Trong 9 tháng đầu năm, công tác cải cách TTHC và kiểm soát TTHC được thực hiện chủ động và thường xuyên trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, liên thông một cửa điện tử, thực hiện thủ tục kết hợp; tiếp nhận và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính đang được thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân. Trong đó, Trong đó, đã giảm 55% thời gian giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp, 50% thời gian làm thủ tục hải quan,v.v.. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 đạt trên 37% là những điểm nổi bật trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của TP. HCM trong 9 tháng đầu năm 2018. Tại Sở Công Thương TP. HCM, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ giải quyết đúng hạn đều đạt trên 98%.

Công tác khảo sát, lấy ý kiến người dân được duy trì thường xuyên và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo quy trình kết nối liên thông đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của TP và phục vụ người dân, doanh nghiệp; mở rộng lĩnh vực áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO điện tử đã cải tiến lề lối làm việc và giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị kiểm soát được quy trình chất lượng, thời gian giải quyết công việc.

Công tác phân cấp, ủy quyền giữa UBND TP với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tiếp tục được đẩy mạnh trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước gắn với công tác cải cách TTHC, góp phần xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, đưa TP. HCM phát triển nhanh và bền vững...TP. HCM xác định, việc lấy đánh giá của người dân sẽ là thước đo CCHC và công việc này cần tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến: Thời gian qua, TP đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 735 dịch vụ. TP đã tập trung xây dựng, ban hành và triển khai kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 74 quyết định văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc chuyển giao nhiệm vụ và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC, kiểm soát chất lượng hơn 1.500 lượt TTHC. Đến tháng 9, TP đã có hơn 1.680 thủ tục hành chính được công bố và áp dụng, chuẩn hóa nội dung 1.500 thủ tục trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC. Đồng thời, TP cũng đã thực hiện quyết liệt công tác rà soát, kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

TP. HCM hướng tới nền hành chính hiện đại
Tuy nhiên, công tác CCHC trong thời gian qua chưa đạt như mong muốn là do người đứng đầu ở các đơn vị chưa quan tâm đúng mức, ngại tiếp dân; chưa quan tâm bức xúc của dân; chưa kịp thời xử lý tiêu cực của đơn vị về sự phiền hà, nhũng nhiễu. Nhất là; vấn đề xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn còn quá ít; chưa kịp thời tổ chức các hoạt động cải tiến, đổi mới những quy trình lạc hậu gây cản trở CCHC; không kiểm soát cấp dưới về quy trình công tác...

Trong thời gian tới, nhất là trong 3 tháng cuối năm 2018, TP tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả CCHC, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không ngừng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử; áp dụng các dịch vụ công trực tuyến để giải quyết khối lượng lớn hồ sơ thủ tục của TP và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị của TP, làm nền tảng cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Chính phủ về cơ chế đặc thù phát triển cho TP.

Trong đó, việc xây dựng các mô hình để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến được TP quan tâm. Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, UBND TP đã phê duyệt Đề án chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP. Theo Đề án, TP sẽ thiết lập khung pháp lý thống nhất về chế độ họp theo hướng đổi mới, chuẩn hóa quy trình tổ chức họp; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu các cuộc họp gắn với yêu cầu quản lý, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thời gian, chế độ họp; xây dựng văn hóa họp trong hoạt động quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức. Phấn đấu, đến năm 2020, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến sẽ được triển khai đồng bộ, đầy đủ đến tận phường, xã, thị trấn, các đơn vị trực thuộc của các sở, ban, ngành của TP với đường truyền thông suốt, không gián đoạn./.

PV 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất