Chương trình xóa đói giảm nghèo, nay được gọi là Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện từ năm 1992. Qua hơn 20 năm thực hiện với 4 giai đoạn, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, luôn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước thời hạn 1 - 2 năm của từng giai đoạn.
Hỗ trợ thiết thực giúp nhiều hộ thoát nghèo
Các mô hình hỗ trợ giảm nghèo của thành phố được thực hiện thông qua việc nắm chắc thực trạng đời sống của từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Từ thực tế nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ gia đình sẽ có hình thức hỗ trợ linh hoạt như trợ vốn sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, trợ cấp ốm đau… Từ những hỗ trợ thiết thực đó đã giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Bà Lou Hàn Cánh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 5 chia sẻ: khảo sát thực tế nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo là điều rất quan trọng. Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” nắm bắt tình hình thực tế để có những hình thức hỗ trợ phù hợp, như đối với gia đình có mong muốn sản xuất kinh doanh thì hỗ trợ vốn, định hướng tư vấn kiến thức, kế hoạch thực hiện cho họ. Còn những hộ nghèo do già yếu thì thực hiện chính sách bảo trợ xã hội. Hộ có con trong độ tuổi đi học thì tư vấn vay vốn cho con tiếp tục đến trường… Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất là làm sao để đồng vốn của quỹ xóa nghèo đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích.
Nhờ nguồn vốn vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo và có kế hoạch làm ăn cụ thể nên gia đình bà Võ Thị Như, ở phường 14, quận 5 đã dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, một mình bà phải gồng gánh nuôi 3 người con ăn học, với công việc bán trái cây dạo, cuộc sống của bốn mẹ con bà chật vật từng ngày. Ba đứa con đều phải nghỉ học để phụ giúp mẹ bán hàng. Với sự hỗ trợ vốn vay của chính quyền địa phương, giờ đây bà trở thành chủ quán cà phê nhỏ, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/ tháng. Các con bà cũng đã lập gia đình và có việc làm ổn định, cuộc sống của bà dần ổn định hơn.
Cũng nhờ vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo mà gia đình chị Giáp Thị Túy Anh, ở phường 6, quận Tân Bình đã thoát nghèo. Vợ chồng chị Túy Anh có 2 con, trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, chị thì hay đau yếu nên ở nhà làm nội trợ. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân eo hẹp của chồng chị, trong khi hai con đang trong độ tuổi đi học nên cuộc sống lại càng khó khăn, chật vật. Năm 2006, chị được vay vốn từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của phường với số tiền 7 triệu đồng để mua xe bánh mì bán trước cửa nhà. Có thêm thu nhập nên cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn hơn. Vài năm sau đó, chị dành dụm được một số vốn, tiếp tục vay 10 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo để buôn bán hàng tạp hóa. Việc buôn bán của gia đình cũng khá thuận lợi, nhờ đó gia đình chị thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Tốc độ giảm nghèo nhanh
Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố đã và đang tiếp cận theo hướng hỗ trợ chăm lo trực tiếp và toàn diện các nhu cầu của người nghèo, thông qua việc thực hiện đa dạng các giải pháp hỗ trợ người nghèo tổ chức sản xuất làm ăn, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Đầu năm 2014, thành phố đã hoàn thành chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009-2015) theo chuẩn nghèo hộ có thu nhập 12 triệu/người/năm trở xuống trước thời hạn 2 năm với tốc độ giảm nghèo bình quân 1,6%/năm, toàn thành phố còn 0,57% hộ nghèo.
Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố tiếp tục bước vào giai đoạn 4 (2014-2015) với chuẩn nghèo mới theo tiêu chí hộ có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo có thu nhập trên 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm (cao gấp 2,7 lần chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015). Đồng thời phấn đấu thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% và tỷ lệ cận nghèo dưới 3%.
Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, thành phố cũng đã hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 vào cuối năm 2014, trước thời hạn 1 năm; tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 1,45% và cận nghèo 2,9% tổng số hộ dân của thành phố. Đặc biệt có 5 quận (quận 5, 6, 11, Tân Bình và Bình Tân) và 101 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống); 5 phường ở quận 5 và quận 2 không còn hộ cận nghèo (21 triệu đồng/người/năm). Trước đó, đầu giai đoạn 4 thành phố có 83.031 hộ nghèo, chiếm 4,23% tổng số hộ dân thành phố và tỷ lệ cận nghèo là 2,53%.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo như lồng ghép chương trình giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới, thành lập và phát huy vai trò của các tổ giảm nghèo tự quản, hướng nghiệp cho người nghèo, cho vay vốn tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Đồng thời, thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, mở rộng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của thành phố nhằm đảm bảo cho người nghèo an tâm, tổ chức ổn định cuộc sống. Từ những giải pháp trên, chương trình giảm nghèo tăng hộ khá thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong năm 2015 thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 4 với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% và cận nghèo còn khoảng 2% tổng hộ dân thành phố.
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của thành phố trong thời gian qua được thực hiện tốt với nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo, tốc độ giảm nghèo nhanh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Thực tế cũng cho thấy cách xác định hộ nghèo theo chuẩn thu nhập không đo lường được hết sự thiếu hụt về nhiều khía cạnh quan trọng trong đời sống con người như nhà ở, y tế, nước sạch, vệ sinh…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, nhiều người nghèo, hộ nghèo có thể thoát ra khỏi chuẩn nghèo thu nhập ở từng giai đoạn, những vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt ở các chiều nghèo khác. Tuy nhiên do đã vượt khỏi chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo của thành phố nên họ không còn nằm trong diện được chính sách hỗ trợ để tiếp tục ổn định cuộc sống vì vậy những hộ này có nguy cơ tái nghèo cao.
Từ thực tế đó, trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nghiên cứu xây dựng dự án “Đánh giá sâu tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” và dự án “Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều tại khu vực thành thị”. Cả hai dự án đã cung cấp những thông tin sâu và toàn diện về thực trạng nghèo đa chiều đô thị, xây dựng và thử nghiệm đo lường nghèo đa chiều, xây dựng mô hình rà soát đối tượng nghèo và chính sách giảm nghèo, phục vụ lập và thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều và bền vững.
Ngay trong triển khai chương trình giảm nghèo tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014-2015), thành phố đã tiến hành thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập chính sách theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều với các chiều y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, điều kiện sống, bảo hiểm và trợ giúp xã hội tại 4 quận, huyện (quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh). Từ đó, rút kinh nghiệm và đề xuất lộ trình chuyển từ phương pháp xác định chuẩn nghèo đơn chiều theo thu nhập sang đa chiều trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016-2020./.
Theo TTXVN