KINH TẾ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
Trong nhiệm kỳ (2016-2020), kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trong nước địa phương (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm1. Lực lượng lao động 4,7 triệu người. Tỷ trọng kinh tế thành phố trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm gần 23% GDP cả nước, khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, thể hiện qua cả 3 chỉ số: 1) Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng liên tục qua các năm, năm 2020 ước đạt 42%; 2) Năng suất lao động của thành phố năm 2020 đạt 333,6 triệu đồng, đứng đầu cả nước, cao hơn 2,7 lần so với bình quân cả nước; tốc độ tăng năng suất lao động của thành phố bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,2%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 là 4,8%/năm và cao hơn bình quân cả nước giai đoạn 2016 - 2019 là 5,85%/năm; 3) Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, chỉ số ICOR giảm từ 4,53 năm 2015 xuống còn 4,31 năm 2020.
Cùng với đó, phát huy thế mạnh của trung tâm kết nối khu vực, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tỷ trọng hợp lý với khu vực dịch vụ liên tục giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 5.413 USD/người (cả nước là 2.215 USD/ người); năm 2017 đạt 5.757 USD/người (cả nước là 2.389 USD/người); năm 2018 đạt 6.129 USD/người (cả nước là 2.590 USD/người), năm 2020 ước đạt 6.799 USD/ người (cả nước ước trên 3.000 USD/người).
Một là, về phát triển dịch vụ: Các ngành dịch vụ phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô (lao động ngành dịch vụ thành phố năm 2019 có 2,73 triệu người, chiếm 62,2% lực lượng lao động toàn thành phố và 13,8% lao động dịch vụ của cả nước) và năng suất (năng suất lao động ngành dịch vụ tăng bình quân 6,4%/năm, cao hơn nhiệm kỳ trước 5,8% và cao hơn mức tăng năng suất lao động của toàn thành phố 6,2%), chất lượng (tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 là 8,3%, cao hơn cả nước 7,25%). Tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước. Ngành thương mại phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng9, gia tăng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy sản xuất.
Chỉ số thương mại điện tử dẫn đầu cả nước qua các năm. Cụ thể, hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam hằng năm chấm điểm (thang điểm 100) chỉ số thương mại điện tử các tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2016: Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với 73,3 điểm, Hà Nội thứ hai với 72,0 điểm, Đà Nẵng thứ ba với 62,3 điểm; Năm 2017: Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với 78,6 điểm, Hà Nội thứ hai với 75,8 điểm, Đà Nẵng thứ ba với 52,8 điểm; Năm 2018: Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với 82,1 điểm, Hà Nội thứ hai với 79,8 điểm, Hải Phòng thứ ba với 54,9 điểm; Năm 2019: Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với 86,8 điểm, Hà Nội thứ hai với 84,3 điểm, Hải Phòng thứ ba với 59,6 điểm. |
Tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá, tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác.
Ngành vận tải, cảng và kho bãi đã chuyển dịch mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân đạt 9,62% /năm, chiếm khoảng 10% trong tổng GRDP. Ngành du lịch thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước, được đánh giá, xếp hạng cao trên bản đồ du lịch của khu vực và trên thế giới (năm 2019 đón 8,5 triệu du khách quốc tế, chiếm 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 14%/năm).
Các ngành giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh, tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm của khu vực và trong cả nước.
Hai là, về phát triển công nghiệp - xây dựng: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm, cao hơn cùng kỳ (6,92%/năm), giá trị gia tăng công nghiệp thành phố chiếm 16% toàn ngành, đứng đầu cả nước. 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 8,56%/năm, là động lực cho tăng trưởng công nghiệp của thành phố trong thời gian qua. Tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống tăng qua các năm, đạt chỉ tiêu 66% vào năm 2020. Thành phố đã ban hành danh mục, xây dựng chính sách phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, bước đầu đã hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khu Công nghệ cao thành phố đã phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị xuất khẩu 5 năm đạt 70 tỷ USD, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 dự ước đạt khoảng 70 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,78 tỷ đô la Mỹ. Sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty Cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung… Đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp Khu Công nghệ cao ngày càng tăng, giai đoạn năm 2011 - 2015 đạt 123,36 triệu USD, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 819,47 triệu USD, tăng 6,6 lần; dự kiến từ năm 2020, số thu ngân sách sẽ tăng cao do một số doanh nghiệp hết thời gian ưu đãi. Việc ứng dụng công nghệ xây dựng mới, áp dụng tiêu chuẩn về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh từng bước được triển khai.
Ba là, về phát triển nông nghiệp: Ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, kéo theo năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm. Đã ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực và tiềm năng của ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của năm 2019 ước đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là 5,82%/năm, đạt kế hoạch đề ra.
Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 56 xã giai đoạn 2016 - 2020 và đề án xây dựng huyện nông thôn mới của 5 huyện ngoại thành tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, đến cuối năm 2020 có 56/56 (100%) xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng chất, đời sống Nhân dân tại các xã được nâng cao.
Bốn là, về phát triển các thị trường: 1) Thị trường hàng hóa, thương mại, dịch vụ đạt quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng khá; từng bước hình thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển của thương mại điện tử đang thành xu thế quan trọng trong các năm gần đây. 2) Thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vốn liên tục tăng trưởng thông qua việc huy động và cho vay vốn của các tổ chức tín dụng, tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân,…3) Thị trường bất động sản, đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn thành phố đã tăng lên đáng kể (từ mức 17,32 m2/người năm 2015 lên 20,3 m2/người vào năm 2020). Các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước được hoàn thiện, góp phần cho thị trường phát triển. 4) Thị trường khoa học và công nghệ thành phố tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. 5) Thị trường lao động tiếp tục phát triển; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo.
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Một là, về nguồn nhân lực: Lao động của thành phố là 4,7 triệu người vào năm 2020, chiếm 8,5% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%).
Hai là, về nguồn lực đất đai: Thành phố có nguồn lực đất đai rất hạn chế, trong khi đó, cơ cấu sử dụng đất đai thành phố chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ và giao thông quá thấp. Trong nhiệm kỳ này, cơ cấu sử dụng đất đã chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, đất có rừng, gắn với việc khoanh định hợp lý hơn diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực tài chính quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ước tính thu được từ đất (giai đoạn 2015 - 2020) là 217.400 tỷ đồng; trong đó thu từ tiền sử dụng đất là 144.400 tỷ đồng (chiếm 73,1% tổng số thu từ đất) và thu từ cho thuê mặt đất, mặt nước là 16.000 tỷ đồng (chiếm 25,2% tổng số thu từ đất).
Ba là, về nguồn lực vốn đầu tư toàn xã hội: Trong 5 năm 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trong nước địa phương (GRDP) của thành phố, vượt kế hoạch đề ra là 30% GRDP. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng khu vực nhà nước giảm (năm 2020 chỉ còn 11,5%)30, tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2020 là 88,5%.
Bốn là, về nguồn lực ngân sách: Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 12,17%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Đến năm 2020, thu ngân sách thành phố chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%). Hoạt động chi ngân sách địa phương: Giai đoạn 2016 - 2020, trong điều kiện nguồn thu được hưởng theo phân cấp hạn hẹp, thành phố phải cân đối ngân sách để phân bổ hợp lý, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách hàng năm.
Có thể nói, với truyền thống sáng tạo, năng động, bản lĩnh, chủ động vốn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí nhiều tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” để giữ vững tay lái, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa thành phố phát triển xứng đáng với vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước. Với vị trí và vai trò quan trọng là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung và đạt được một số kết quả trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế, yếu kém; cụ thể là, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu (8,0 - 8,5%/năm), song thực tế chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn, tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh của thành phố, chỉ số cạnh tranh địa phương thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước chưa đạt; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn.
Việc liên kết doanh nghiệp, khoa học, đào tạo và Nhà nước hiệu quả chưa cao, nên đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm. Chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông nên chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế và tạo đột phá về thu hút đầu tư. Sự tụt hậu về hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế…
Doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, trong năm 2019 có thêm 44.000 doanh nghiệp mới được thành lập, bình quân mỗi ngày có thêm 120 doanh nghiệp mới. Số doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm khoảng 33% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Tính ra, cứ 1.000 người dân thì ở Thành phố Hồ Chí Minh có 26 doanh nghiệp, trong khi con số này của cả nước là 8 doanh nghiệp. Thu hút đầu tư ở mức cao, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP, cao hơn mức đầu tư của cả nước. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh mẽ, năm 2019 đạt 8,3 tỷ USD, với 1.620 dự án, cao hơn gấp đôi về quy mô đầu tư cũng như số dự án so với năm 2015. Từ năm 2017, quy mô đầu tư nước ngoài vào thành phố vượt mốc 5 tỷ USD/năm và từ năm 2018, số dự án đầu tư nước ngoài vào thành phố vượt mốc 1.000 dự án/năm.
|
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X và Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, trên cơ sở phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chủ động và linh hoạt phát huy các nguồn lực để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016-2020).
Cụ thể, năm 2020, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm; trong đó, dự kiến hoàn thành, khởi công 71 dự án với tổng mức đầu tư trên 62.000 tỷ đồng, cùng với đó là việc chuẩn bị 65 dự án cho các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư hơn 254.000 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; hoàn thành quy hoạch và triển khai Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố; xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh,v.v.. góp phần xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo nền tảng cho sự bứt phá của thành phố trong tương lai.
Đặc biệt, thành phố quyết liệt thực hiện phòng và chống dịch Covid-19, kiểm soát lây nhiễm và không để xảy ra dịch và tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Nhật Hoa