Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 19/4/2019 16:37'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (TP Hồ Chí Minh).

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (TP Hồ Chí Minh).

 
Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân thành phố Hồ Chí Minh

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW), nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; về trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được nâng lên, thể hiện rõ nét trong nhận thức và hành động. Vấn đề xây dựng con người được xem là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược và quyết định trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị phù hợp với vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt.

Truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục được bồi đắp, phát huy; lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí được vun bồi và tiếp tục phát triển. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân thành phố, nhất là trong lúc khó khăn. Điều này thể hiện qua nhiều phong trào hành động cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách lành mạnh, tiến bộ, vừa hội tụ, vừa lan tỏa. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng các hoạt động chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách, người nghèo về vật chất và văn hóa. Thành tựu này tiếp tục khẳng định và ngày càng thể hiện các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng tốt đẹp của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, là sức mạnh, tạo động lực tiếp tục xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao. Các phong trào thi đua yêu nước với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đem lại hiệu quả thiết thực; nhiều giải pháp, mô hình văn hóa sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc được nhân rộng; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người tốt việc tốt; góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, sinh động trong đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Ngày 25 tháng 1 năm 2017, Thư viện sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Thành phố đã chính thức vận hành nhân dịp khai mạc Đường sách thành phố và Đường hoa Nguyễn Huệ. Đến ngày 21/3/2018, tổng lượng truy cập là 369.732 lượt; ngoài người Việt Nam truy cập còn có người của 17 quốc gia  khác (nhiều nhất là Mỹ, Nga, Pháp, Canada, Singaopre…) 

Hoạt động văn học - nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo, giữ gìn và phát triển dòng mạch chính văn học - nghệ thuật cách mạng đương đại, tiếp thu cái mới tiến bộ, phát huy chủ nghĩa yêu nước, nhân văn; có nhiều nỗ lực bám sát thực tiễn lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân để sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; đội ngũ văn nghệ sĩ của thành phố không ngừng phát triển, quy tụ, tập hợp văn nghệ sĩ gắn bó với thành phố và nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng trẻ.

Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố; nhiều giải pháp đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống bảo tàng, thư viện, di tích, di sản văn hóa, các đoàn nghệ thuật nhà nước, các hội văn học nghệ thuật, các hội quần chúng hoạt động trên lĩnh vực văn hóa; hệ thống các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi cấp thành phố và quận, huyện,… Các thiết chế phần lớn phát huy tác dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ đa dạng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí cho nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn  hóa ở cơ sở thêm phong phú.

 Thời gian qua, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp tổ chức Lễ cưới tập thể cho các cặp đôi là công nhân, người lao động có thu nhập thấp theo hướng văn minh – lành mạnh – tiết kiệm kết hợp tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình văn hoá.

Các chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ được cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố. Công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập mang lại nhiều kết quả tích cực; khoa học - công nghệ trở thành mũi nhọn trong chính sách phát triển của thành phố, hàm lượng trí tuệ kết tinh trong sản phẩm của nhiều lĩnh vực ngày càng tăng lên.

Những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW

Để đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt, vận dụng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 33-NQ/TW vào từng lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 54/2017/QH của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố; phát huy tính năng động, sáng tạo và sự đoàn kết, đồng lòng, nghĩa tình của nhân dân thành phố là bài học quý báu mà Đảng bộ thành phố luôn đặt lên hàng đầu để xây dựng văn hóa, con người như Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU về “Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”của Thành ủy đã đề ra.

Tăng cường, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa; chú trọng đề cao vai trò gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; sâu sát, đồng bộ, xác định trọng tâm, trọng điểm, phù hợp trong từng giai đoạn và có những giải pháp cụ thể, quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong quá trình triển khai, tổ chức các chương trình hành động, các phong trào thi đua yêu nước.

Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Thành phố xác định công tác “xây” là nền tảng bên cạnh việc kiên quyết xử lý đối với các hoạt động tiêu cực, sai trái trong lĩnh vực văn hóa. Lấy xây dựng con người mới, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, tiến bộ, xây dựng văn học - nghệ thuật chân chính, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực xã hội, các loại sản phẩm phi văn hóa và thị hiếu thấp kém. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân, tập thể làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn Đảng bộ và trong nhân dân.

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát huy nội lực trong nhân dân bằng các phương thức xã hội hóa với nhiệm vụ, công việc cụ thể, có ích, phục vụ nhân dân, dựa vào nhân dân để tiến hành xây dựng khu dân cư, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phát triển góp phần xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thành phố, đất nước.

Các cấp ủy đảng, chính quyền nghiêm túc đánh giá những hạn chế, khuyết điểm về xây dựng văn hóa, con người trong trong thời gian qua, đề ra giải pháp chấn chỉnh, khắc phục; tăng cường công tác dự báo xã hội, chủ động giải quyết kịp thời những yếu tố bất lợi phát sinh trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cần có hướng dẫn tiêu chí “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”

Với vai trò, vị trí quan trọng trong cả nước, trong giai đoạn triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố với nhiều thuận lợi cùng khó khăn, thách thức, thành phố Hồ Chí Minh cần có sự quan tâm, sâu sát hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và có những chủ trương kịp thời tạo điều kiện cho thành phố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trong thời gian tới mang lại hiệu quả tích cực hơn nữa, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, cần cụ thể hơn một số nội dung nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới về chính sách tăng cường bảo vệ văn hóa dân tộc; về tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa; về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về văn hóa “tâm linh”, về tăng cường công tác dự báo…

Có hướng dẫn tiêu chí “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” và các danh hiệu, cùng các hình thức khen thưởng, động viên thích đáng cho giải pháp xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm nhằm tăng cường quản lý, đánh giá, thẩm định tác phẩm tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các cá nhân, các tổ chức tham gia hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm.

Bùi Chí Tuệ

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất