Thứ Sáu, 18/10/2024
Xã hội
Thứ Tư, 24/10/2018 10:21'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực phòng và chữa bệnh cho trẻ

Bác sĩ Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho những bệnh nhi mắc chân tay miệng nặng đang chăm sóc ở phòng đặc biệt

Bác sĩ Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho những bệnh nhi mắc chân tay miệng nặng đang chăm sóc ở phòng đặc biệt

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), hiện sốt xuất huyết vẫn đang hoành hành ở nhiều quận, huyện và đã phát hiện 61 ổ dịch mới. Bệnh sốt xuất huyết tăng cao được nhận định là do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do... Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan hoặc thiếu ý thức phòng bệnh của cộng đồng đang vô tình tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh có điều kiện sinh sôi phát triển.

Tuần qua, trên địa bàn thành phố đã có 1.141 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 699 ca phải nhập viện điều trị. Bệnh sốt xuất huyết hiện đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đáng chú ý là trong 1 tuần qua, TP HCM đã phát hiện tới 61 ổ dịch mới. Các “điểm nóng” gồm quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn.

Hiện ngành y tế đang triển khai nhiều biện pháp như phun hóa chất diệt muỗi, dập ổ dịch, tuyên truyền phòng bệnh trong cộng đồng, nhưng chưa ngăn chặn được sốt xuất huyết.

Vệ sinh những nơi chứa nước để diệt lăng quăng


Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, theo Sở Y tế, người dân cần hợp tác với y tế, chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch; các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, ký túc xá, khu vui chơi, khu công nghiệp, nhà trọ… thường xuyên triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi. Đồng thời, người dân nên chống muỗi đốt cả ngày lẫn đêm bằng cách thoa kem chống muỗi đốt, sử dụng nhang muỗi đặt gần cửa để muỗi không bay vào nhà hoặc đặt gần nơi làm việc có nhiều muỗi; mặc áo tay dài, quần dài, khổ rộng, màu sáng lúc muỗi hoạt động nhiều (sáng sớm và chiều tối), ngủ mùng cả đêm lẫn ngày...

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện vắc xin phòng bệnh đang trong quá trình nghiên cứu, thí điểm. Người mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể đối mặt với nguy cơ sốc, suy đa cơ quan… Việc điều trị cho những trường hợp nặng chi phí rất tốn kém, nguy cơ tử vong cao. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị.

Cũng theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, trong tuần qua, thành phố phát hiện 17 ổ dịch tay chân miệng trong trường học với 82 ca mắc. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn TP phát hiện 503 ca mắc. Trong đó chấm dứt được 53 ổ dịch với 224 ca và còn 29 ổ đang theo dõi. Nguyên nhân khiến dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng do một số trường học chưa trang bị đủ bồn rửa tay cho trẻ, trẻ còn dùng chung ca uống nước và chưa tiêm phòng đầy đủ...

Tình hình dịch bệnh ngày càng phát sinh mạnh, các trường thì lúng túng trong kiểm tra, phòng chống, do đó, ngành Y tế cần có những văn bản chỉ đạo thống nhất về việc báo cáo ổ bệnh, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn để ngành giáo dục thuận tiện trong giám sát, kiểm tra, chỉ đạo các trường thực hiện việc phòng vfa chống bệnh chân tay miệng hiệu quả hơn.

Theo BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, do diễn biến bất thường, dịch đến sớm hơn so với chu kỳ nên 3 bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi dồn về một lúc, dịch chồng dịch đã dẫn đến quá tải các bệnh viện trên địa bàn TPHCM. 

Với bệnh tay chân miệng, thường trong năm dịch bệnh có 2 đỉnh cao là vào tháng 3-4 và tháng 10-11 nhưng năm nay dịch đến sớm hơn là vào tháng 8-9, đặc biệt, số ca nặng (độ 3, 4) nhập viện cao hơn những năm gần đây.

                                          Đông đảo bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Cùng với đó, nước ta là vùng lưu hành của dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh thường tăng vào đầu và cuối mùa mưa. Tháng 9/2018, số lượng bệnh nhi nhập viện tăng và số ca biến chứng nặng cũng tăng. Khoảng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám cho khoảng trên 7.000 lượt bệnh nhân, cá biệt có ngày cao đột biến với con số 8.700 bệnh nhi. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 hầu như diễn ra 24/24h. Khoảng 3 tuần nay, bệnh viện đã tăng thêm các bàn khám bệnh. Cao điểm, cả ngày bệnh viện tổ chức trên 100 bàn khám để giải quyết lượng bệnh nhân đông đảo.

PV (tồng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất