Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 19/10/2020 14:29'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng trưởng kinh tế khởi sắc qua những con số

Trong 5 năm 2015-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Trong 5 năm 2015-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GẮN VỚI HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thị trường được mở rộng quy mô, đổi mới phương thức giao dịch, hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế thành phố. Cụ thể: 1) Thị trường thương mại, dịch vụ đạt quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng khá; từng bước hình thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển của thương mại điện tử đang là xu thế quan trọng trong các năm gần đây. 2) Thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường vốn giữ vững vai trò là trung tâm tài chính, tiền tệ của cả nước. Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 gấp hơn 1,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân,... Đồng thời, xúc tiến xây dựng Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. 3) Thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Từ năm 2016 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn Thành phố đã tăng lên đáng kể (từ mức 17,32 m2/người năm 2015 lên 20,4 m2/người vào năm 2020)... 4) Thị trường khoa học và công nghệ Thành phố tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. 5) Thị trường lao động Thành phố tiếp tục phát triển; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo .

Trong khi đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của Thành phố. Cụ thể là:

1) Nguồn nhân lực lao động của Thành phố là 4,7 triệu người vào năm 2019, chiếm  8,62% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,2%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%) và đây chính là cơ sở quan trọng góp phần đưa năng suất lao động của Thành phố cao gấp 2,6 lần của cả nước.

2) Nguồn lực đất đai của Thành phố rất hạn chế, chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước. Trong những năm qua, cơ cấu sử dụng đất đã chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, đất có rừng, gắn với việc khoanh định hợp lý hơn diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

3) Nguồn lực vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 chiếm 33,0% (ước giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 33,5% tổng GRDP của thành phố), vượt kế hoạch đề ra là 30% GRDP. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng khu vực Nhà nước giảm (chỉ còn 16,7%), tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước là 69,1%; tỷ trọng khu vực FDI giữ ổn định, khoảng 14,2%. Nguồn kiều hối giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 25,7 tỷ USD, tăng 7,14% so với giai đoạn 2011 - 2015, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố .

4) Thành phố luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao, năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 101,96% (ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 99,4%) so với dự toán. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 đạt 11,39%, cao hơn so với tốc độ tăng của cả nước (9,29%) và tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (năm 2019 khoảng 27%).

Chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2019 được thực thi trong điều kiện nguồn thu được hưởng theo phân cấp hạn hẹp (tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia cho ngân sách Thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%. Đây là giai đoạn có tỷ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước), vì thế, Thành phố phải cân đối ngân sách để phân bổ hợp lý, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách hàng năm.

Một trong những kết quả đạt được đáng ghi nhận chính là Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt việc hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ và các tỉnh, thành phố khác. Với vị thế và có vai trò rất quan trọng  của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã triển khai liên kết về cung cầu hàng hóa, phát triển giao thông, du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo đó, các doanh nghiệp Thành phố đã đầu tư và góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân ở các địa phương và giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong 2 năm 2019 - 2020, Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết phát triển, tăng cường hoạt động kết nối giao thông với tỉnh Tây Ninh, ký kết hoạt động hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ giai đoạn 2020 - 202; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức diễn đàn phát triển du lịch với các tỉnh vùng Trung bộ, vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung phát triển mạnh đến các tỉnh, tạo thương hiệu đặc trưng của Thành phố với vai trò đi đầu về công nghệ thông tin…

TIẾP TỤC GIỮ VỮNG VỊ TRÍ ĐẦU TÀU KINH TẾ CỦA CẢ NƯỚC

Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân là 7,72% (ước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%); tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, thể hiện qua cả 3 chỉ số: 1) Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm; 2) Năng suất lao động bình quân của Thành phố cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước; 3) Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên. GRDP đầu người tăng liên tục qua các năm, bình quân gấp 2,4 lần so với cả nước. Cụ thể:

Các ngành dịch vụ phát huy hiệu quả vai trò là ngành mũi nhọn, phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất; trong đó, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,84% (ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,59%/năm); giá trị gia tăng dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 33% toàn ngành, đứng đầu cả nước. Ngành thương mại phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng , gia tăng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy sản xuất .

Chỉ số thương mại điện tử dẫn đầu cả nước qua các năm; trong đó, tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14%; kinh tế thành phố có độ mở thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 145% GRDP thành phố. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 10% (ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,94%/năm). Quy mô xuất khẩu chiếm 15% cả nước và thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác. Trong đó, ngành du lịch thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước, được đánh giá, xếp hạng cao trên bản đồ du lịch của khu vực và trên thế giới. Các ngành giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh, giữ vững vị trí là một trung tâm lớn của cả nước…

Ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá; trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,70%/năm (ước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,51%/năm) và giá trị tăng thêm công nghiệp chiếm 17,93% GRDP, đứng đầu cả nước. Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9%/năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp, chiếm tỷ trọng 10,2% GRDP -  là động lực cho tăng trưởng công nghiệp của Thành phố trong thời gian qua; trong đó, tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống tăng qua các năm, đạt chỉ tiêu 66% vào năm 2020. Đồng thời, Thành phố đã ban hành danh mục, xây dựng chính sách phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, bước đầu đã hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu .

Khu Công nghệ cao Thành phố phát triển mạnh mẽ, với tổng giá trị xuất khẩu 4 năm đạt 46,36 tỷ USD (ước năm 2020 là 17,24 tỷ USD) và là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố. Đây cũng đồng thời là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ xây dựng mới, áp dụng tiêu chuẩn công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh từng bước được triển khai .

 Ngành nông nghiệp phát triển đúng định hướng nông nghiệp đô thị  hiện đại, năng suất lao động gấp hơn 3 lần cả nước; tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Năng suất lao động tăng bình quân giai đoạn 2016 -2019 đạt 21,1%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23%/năm. Các sản phẩm chủ lực được xác định và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2019 đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,23%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,72%/năm  (cao hơn bình quân cả nước 2,5%/năm).

Cùng với đó, đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 56 xã giai đoạn 2016 - 2020 và đề án xây dựng huyện nông thôn mới của 5 huyện ngoại thành tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, có 56/56 (100%) xã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng chất, đời sống nhân dân tại các xã được nâng cao…

Phát triển các thành phần kinh tế và mô hình kinh doanh; trong đó, doanh nghiệp nhà nước đang triển khai kế hoạch cổ phần hóa. Tỷ trọng đóng góp trong kinh tế Thành phố có xu hướng giảm, chiếm khoảng 14,2% GRDP năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,44%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,61%/năm.

Cụ thể: 1) Doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân 7,9%/năm giai đoạn 2016 - 2019, đóng góp bình quân 55% GRDP, tăng 55% về số lượng so với giai đoạn trước, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo đúng định hướng, tạo việc làm cho người dân Thành phố và người dân các tỉnh khác đến Thành phố làm việc. 2) Doanh nghiệp nước ngoài có tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đầu tư, góp vốn mua cổ phần giai đoạn 2016 - 2019 là 25,2 tỷ USD, giai đoạn 2016 - 2020 là 29,2 tỷ USD; tăng trưởng bình quân 8,59%/năm giai đoạn 2016 - 2019, đóng góp bình quân 18% GRDP.

Trong khi đó, số lượng hợp tác xã được tăng lên, chất lượng được cải thiện. Khu vực kinh tế hợp tác tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,58%/năm, đóng góp khoảng 0,5% GRDP. Các hợp tác xã bước đầu đổi mới về phương thức hoạt động, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ đã phát triển bước đầu qua mô hình vận tải ứng dụng công nghệ với tổng số người lao động tham gia khoảng 315.000 người…

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nhiệm kỳ vừa qua, nhất là năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Thành phố chưa đạt kế hoạch đề ra, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ của Thành phố chưa đạt chỉ tiêu đề ra (8,0 - 8,5%/năm). GRDP/người của Thành phố năm 2020 ước đạt 6.328 USD và không đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đó, cơ cấu sử dụng đất đai Thành phố chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ và giao thông quá thấp; chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ và hạ tầng giao thông nên chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế và tạo đột phá về thu hút đầu tư…

Có thể nói, cùng với việc quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Đảng bộ và nhân dân Thành phố mang tên Bác đã luôn đón nhận những thuận lợi, khắc phục và vượt mọi khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện biến động về nhân sự, phải xử lý những vụ việc phức tạp kéo dài để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm và nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, góp phần giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước./.

Phượng Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất