Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 30/5/2014 7:54'(GMT+7)

Thành tích hay thực học?

Kết quả cuối năm của một lớp học. Ảnh Internet

Kết quả cuối năm của một lớp học. Ảnh Internet

Qua bảng điểm có thể thấy rõ, kết quả các em học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỷ lệ giỏi khá cao, thường trên 90% ở các lớp. Số học sinh khá (tiên tiến) chỉ chiếm từ 5-7% và thậm chí có những lớp tất cả các em học sinh đều đoạt loại giỏi. Vậy với tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng như vậy, dư luận nên mừng hay lo? Và quan trọng nhất, ngành giáo dục đã đảm bảo được việc học thật, thi thật hay căn bệnh thành tích vẫn còn tồn tại dai dẳng chưa có hồi kết.

Ngẫm lại, thế hệ những người 7X (sinh từ 1970 – 1979) vẫn còn biết đến "danh" học sinh yếu, kém, trung bình hay thậm chí lưu ban, số học lực khá giỏi ở mức khiêm tốn. Thế hệ 8X và 9X đã nhích được hơn một chút khi tỷ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi bắt đầu ở mức trên 70-80%.. Còn đến thế hệ những đứa trẻ sinh từ năm 2000, tỷ lệ này đạt mức rất cao. Chính vì thế, hầu hết trẻ em ở các thành phố lớn khi được hỏi kết quả học tập đều đáp rằng: “Cháu học sinh giỏi ạ”.

Lâu nay, các bậc phụ huynh thường phàn nàn về chương trình giáo dục, về tình trạng dạy thêm và học thêm, về việc trẻ con không có thời gian để chơi khi chương trình học quá nặng. Nhưng đa phần khi năm học kết thúc, các phụ huynh lại nở nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy bảng điểm của con. Điều đó có mâu thuẫn không? Quá nhiều phụ huynh muốn con mình thoải mái, học vừa phải và có tuổi thơ hồn nhiên nhưng lại luôn kỳ vọng trong học bạ con mình luôn có chữ  “Giỏi”. Chính điều này cộng với căn bệnh thành tích đã làm cho vấn đề thành tích trong giáo dục ngày càng trầm trọng hơn. Chẳng phụ huynh nào muốn trả lời con mình đạt loại: “Khá” trong khi trẻ con nhà khác lại có kết quả: “Giỏi’. Thậm chí, có không ít phụ huynh bằng mọi cách, bằng mọi giá để con mình có được bảng điểm đẹp như mơ. Kết quả không tốt là sẽ tạo cho đứa trẻ sự ngộ nhận về sức học của mình, đồng thời có tâm lý dựa dẫm, ỉ lại.

Bảng thành tích đẹp như tranh, đó là gam màu nổi trội nhất trong những ngày qua khi năm học vừa kết thúc. Nhà trường hài lòng vì đã hoàn thành năm đào tạo, giáo viên hài lòng vì kết quả học tập của lớp không ảnh hưởng đến thành tích thi đua của trường trong chặng đường phấn đấu lên trường chuẩn, trường chuyên; phụ huynh hài lòng vì con mình cũng đã “cán đích” an toàn. Liệu trong mối quan hệ nhà trường – nhà giáo - phụ huynh, có mấy ai tự hỏi: Liệu các học sinh có hài lòng về kết quả học tập của mình?

Buổi họp phụ huynh cuối năm là thời điểm các phụ huynh mong muốn được nghe nhận xét của cô giáo về sức học cũng như các kỹ năng khác của con mình. Có điều hiện nay buổi họp phụ huynh cuối năm thường là buổi “quyết toán” các khoản thu chi từ đầu đến cuối năm. Đầu buổi họp, mỗi phụ huynh nhận được bản kê các khoản đã thu chi, con số bao giờ cũng tròn vành vạnh, cân đối giữa thu và chi. Đa phần các bậc phụ huynh cũng chẳng buồn quan tâm đến con số đó, vì tâm lý những khoản đóng góp có chăng cũng để phục vụ việc học tập của con mình và nhà trường. Điều họ mong muốn được nghe nhận xét về sức học của trẻ lại quá ngắn so với kỳ vọng. Sau khi cô giáo liệt kê một loại kết quả thi cử của các con ở các giải cấp trường – quận – thành phố, cũng chỉ điểm qua một số gương mặt nổi trội, kết thúc buổi họp là mục trao quà. Có điều do các cháu đều đạt loại: “Giỏi”, nên phần thường đều như nhau, mỗi phụ huynh ra về với gần chục cuốn vở trên tay.

Câu chuyện về giáo dục sẽ còn rất dài và căn bệnh thành tích là câu chuyện trầm kha của giáo dục, khó có thể biết đến lúc nào mới có hồi kết. Việc thay đổi quan điểm về giáo dục - đào tạo cũng không thể một sớm một chiều có thể hoàn thành. Nghị quyết số 29 – NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã vạch ra lộ trình và chặng đường đổi mới giáo dục. Nhưng trước tiên, để thay đổi sự nghiệp giáo dục, cần thay đổi ngay trong nhận thức của các bậc phụ huynh và giáo viên đối với kết quả học tập của các con. Đó là chính các bậc phụ huynh dũng cảm không chạy theo thành tích, giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với sức học, và trước hết giáo dục phải đi vào thực chất, trong đó chú trọng giáo dục cả đạo đức, lối sống cho học sinh, giáo viên./.

Tuấn Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất