(TG)-Ngày 17/10, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Thường trực các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy về “Giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 100-KL/TW ngày ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư khóa XI về việc đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.
Các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chủ trì Hội nghị.
Báo cáo đề dẫn hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền cho biết những năm qua, công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn TP đã được các cấp ủy quan tâm, từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, khách quan; từ đó giúp cơ quan lãnh đạo có thêm thông tin nhằm nhận định, đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội vẫn còn có hạn chế nhất định, đặc biệt là với yêu cầu của một thành phố lớn, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường, tác động sâu sắc đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và thành phố.
Thực hiện Kết luận 100-KL/TW, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”, Hướng dẫn 167-HD/BTGTW, ngày 26 tháng 12 năm 2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư; Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 12-CT/TU, ngày 05 tháng 4 năm 2017 và Kết luận số 455-KL/TU ngày 28 tháng 11 năm 2022 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội và chủ động các giải pháp nhằm xây dựng, lan tỏa dư luận xã hội tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển của Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Báo cáo đề dẫn tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi xoay quanh 4 nội dung trọng tâm. Chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan, đơn vị trong nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự vào cuộc, phối hợp hoạt động của các cấp, các ngành, các lực lượng trong nắm bắt dư luận, tâm trạng xã hội, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phòng chống âm mưu, chiến lược diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhất là thông tin xấu độc trên internet hiện nay.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp ủy các đơn vị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 100-KL/TW, Chỉ thị số 12-CT/TU, Kết luận số 455-KL/TU và Quy định số 1374-QĐ/TU trong tình hình mới; thống nhất trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu dư luận xã hội, là công việc rất quan trọng và cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội, nhất là thông tin về những vấn đề được dư luận quan tâm, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, giúp cho các cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Trong đó cần lưu ý, việc cung cấp, định hướng thông tin dư luận không phải chỉ từ những thông tin cấp ủy, chính quyền đang có mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Nhân dân; làm sao để người dân thấy được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy, chính quyền cũng như những quyền lợi của người dân trong đó.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin theo đúng quy định cho các cơ quan thông tin, truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời quản lý chặt chẽ và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, cung cấp thông tin sai lệch, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng xã hội và sự phát triển của địa phương, đất nước.
Cùng với đó là củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công nghệ thông tin và xây dựng chế độ cho cán bộ phụ trách công tác nắm bắt, phân tích, định hướng dư luận xã hội ở các cấp. Đồng thời chú trọng tính chủ động, linh hoạt, thích ứng với mọi tình hình nhằm kịp thời có giải pháp vận dụng phù hợp, hiệu quả các phương pháp, cách thức nắm bắt, phân tích, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động vận dụng các phương pháp khoa học, phù hợp và phát huy tối đa các lực lượng cùng tham gia công tác nắm bắt, phản ánh, định hướng và dự báo dư luận xã hội. Xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên cộng tác viên dư luận xã hội mạnh dạn phản ánh các luồng thông tin dư luận xã hội nhiều chiều, trong đó có cả thông tin chưa tốt, chưa tích cực, những vấn đề nhạy cảm.
Văn Thắng