Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của cử tri qua theo dõi phiên thảo luận.
* Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nhân quyền
Luật sư Nguyễn Đình Kim, Trưởng Văn phòng Luật sư Tuệ Chương, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đánh giá các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nghiêm túc, thẳng thắn trên tinh thần tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã bám sát quan điểm, đường lối, định hướng nghiên cứu sửa đổi của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; thể hiện rõ quy mô phạm vi sửa đổi cả nội dung lẫn cơ cấu, các chương, các điều khoản và kỹ thuật lập hiến nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước và đảm bảo tính kế thừa Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.
Luật sư Nguyễn Đình Kim tâm đắc nhất dự thảo đã ghi nhận nhiều đổi mới về quyền nhân dân, về tổ chức quyền lực Nhà nước, về tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Riêng về quyền con người trong dự thảo đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với nguyên tắc quyền con người trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Đây là việc thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nhân quyền. Về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, luật sư Kim bổ sung thêm: cần xác định rõ ràng hơn vị trí, phân công rành mạch hơn và nên quy định khái quát nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan này, không nên liệt kê cụ thể vì có thể sẽ gây mâu thuẫn, chồng chéo…
*Trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp
Chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Kon Tum Nguyễn Huỳnh ủng hộ sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhưng vẫn giữ những vấn đề căn bản về tư tưởng, nội dung do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì biên soạn trong Hiến pháp 1946. Ngoài ra, cần phải trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum Thái Văn Ngọc cho biết: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp chưa phân định rõ ràng nội dung và các cơ quan thực hiện các quyền này. Cụ thể vị trí pháp lý của Viện kiểm sát thuộc về nhánh hành pháp hay tư pháp? Đại biểu phân tích thực tiễn thừa nhận Viện kiểm sát thuộc nhánh tư pháp lại thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay là chưa phù hợp chủ trương cải cách Tư pháp. Ông Thái Văn Ngọc cho rằng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: tách bạch, làm rõ nội dung, chủ thể thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền Tư pháp. Cụ thể quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về Toà án.
* Đảm bảo tính độc lập của hệ thống tòa án
Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa có tính hệ thống, chưa đạt tầm khái quát cao.
Sửa đổi Hiến pháp cần thống nhất quan điểm: Quyền lực thuộc về nhân dân, Nhà nước nhận sự ủy quyền của nhân dân để thực hiện và đảm bảo quyền lực đó. Vấn đề này phải được ấn định bằng nguyên lý: Quyền của người dân được đảm bảo và hoạt động hiệu quả của thiết chế của Nhà nước thông qua các cách thức để thực hiện sự phân quyền của 3 cơ quan là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc sửa đổi lần này cũng cần đảm bảo tính độc lập của hệ thống tòa án. Luật sư nêu thực tế Chính phủ đang làm luật quá nhiều, từ đó khiến cho chức năng điều hành bị sao nhãng. Chính quyền cấp Trung ương đến địa phương vẫn đang dành quá nhiều thời gian để giải quyết các khiếu nại tố cáo, trong khi chức năng này lại thuộc về hệ thống tòa án... Do đó, cần xây dựng một Nhà nước mà pháp luật là chuẩn mực của xã hội. Muốn vậy cần thiết lập cơ quan Bảo hiến. Luật sư cũng đồng tình với dự thảo tăng quyền thêm cho Chủ tịch nước; tạo cơ chế để giám sát, kiềm chế lẫn nhau, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật.
* Làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được nghiên cứu một cách toàn diện, thể hiện được ý chí của chủ thể Hiến pháp và phải đảm bảo sự tham gia góp ý kiến của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế mới. Luật gia Trần Thành, phường Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng chia sẻ.
Luật gia Trần Thành nhận xét Lời nói đầu của Hiến pháp 1992 chưa thể hiện rõ và khẳng định quyền lực của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Hiến pháp. Luật gia cho rằng Lời nói đầu cần được rút gọn cho cô đọng, súc tích, khẳng định rõ quyền lực của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Hiến pháp.
Sỹ quan quân đội Nguyễn Văn Phùng, hội viên Hội cựu chiến binh Hải Phòng nhận xét: Việc sửa đổi Hiến pháp tiếp tục làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được chuẩn bị công phu tỉ mỉ, đã khái quát cô đọng nhiều vấn đề quan trọng, vừa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa là tất yếu khách quan,..../.
TTX